Lai Vung khan hiếm quýt hồng chưng Tết
Do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, đặc biệt là dịch bệnh nên số lượng quýt hồng lên chậu giảm đáng kể và khan hiếm trong dịp Tết.
- 07-12-2018Bưởi cam quýt vỡ quy hoạch thi nhau rớt giá, nông dân vỡ trận
- 03-12-2018Sản lượng lên tới trên 10 vạn tấn, cam quýt Cao Phong bị "dìm giá"
- 28-09-2018Vỏ quýt sấy của Trung Quốc được phát hiện dư lượng chì cao gấp 8 lần
Còn khoảng 1 tháng nữa sẽ đến Tết Kỷ Hợi 2019, các nhà vườn trong tổ hợp tác quýt hồng lên chậu kiểng ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật chăm sóc từng chậu quýt kiểng để giao cho khách hàng nhưng hầu hết đều không vui vì sản lượng năm nay giảm hơn một nửa so với năm ngoái.
Lão nông Lưu Văn Ràng (64 tuổi; ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung), người khởi xướng đưa cây quýt hồng lên chậu kiểng chưng Tết, cho biết mỗi năm đến Tết, ông cung ứng ra thị trường khoảng 200 chậu quýt hồng với giá từ 2-7 triệu đồng/chậu nhưng năm nay chỉ còn khoảng 70 chậu. Nguyên nhân vì thời tiết thất thường kèm dịch bệnh nên cây trồng không đạt, năng suất cho trái thấp. "Để trồng được quýt hồng kiểng phải chuẩn bị trồng cây con hơn 2 năm. Sau đó, tôi chọn cây quýt phát triển tốt, khỏe mạnh mới chuyển cây con lên chậu kiểng, xử lý cho ra trái. Quy trình xử lý rất phức tạp nên không nhiều nhà vườn ở Lai Vung tham gia trồng quýt kiểng" - ông Ràng nhìn vườn quýt tiếc nuối vì bỏ nhiều công chăm sóc nhưng năng suất không đạt.
Ông Ràng vốn xuất thân từ thợ sửa chữa điện tử, sau đó chuyển sang làm vườn trồng quýt hồng kết hợp với tham quan du lịch trải nghiệm. Qua nhiều năm mày mò nghiên cứu, năm 2008, ông Ràng cho ra thị thường sản phẩm quýt hồng lên chậu kiểng chưng Tết. Thành công của ông Ràng là những cây quýt hồng "khó tính" khi trồng lên chậu kiểng càng khó khăn hơn nhưng qua bàn tay chăm sóc khéo léo và cộng với kinh nghiệm, nên quýt trồng lên chậu do ông thuần hóa vẫn cho trái trĩu quả, vàng óng được thương lái vào tận vườn thu mua. Mỗi năm, cây quýt hồng lên chậu kiểng mang lại nguồn thu nhập cho ông Ràng hàng trăm triệu đồng.
Nông dân Lưu Văn Ràng chăm sóc quýt lên chậu kiểng
Trong khi đó, nông dân Hà Thanh Hồng (62 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung), tham gia học hỏi kinh nghiệm trồng quýt lên chậu từ ông Lưu Văn Ràng được vài năm nay, cho rằng việc quýt lên chậu kiểng Tết này đạt ít hoặc không đạt vì thời tiết nóng bức nên khi tưới nước làm quýt rụng bông, rụng trái non. Ngoài ra, bệnh chết xanh, chết vàng trên cây quýt phát triển khá nhanh cũng ảnh hưởng lớn đến việc trồng quýt lên chậu. "Năm nay, tổ hợp tác trồng quýt hồng lên chậu ở xã Vĩnh Thới chỉ còn 7 thành viên cung cấp ra thị trường khoảng 500 chậu quýt nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Hầu hết các chậu quýt hồng đã được thương lái và các cơ quan, doanh nghiệp đặt mua hết. Cận Tết họ sẽ đến nhận hàng. Vườn của tôi có 180 cây quýt kiểng, cũng bán gần hết cho thương lái rồi. Giá bán khá cao từ 2-7 triệu đồng/chậu nhưng vẫn thấy tiếc vì Tết sẽ không còn hàng để bán" - ông Hồng rầu rĩ.
Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, nói năm nay do thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh hoành hành trên cây có múi dẫn đến nhiều diện tích quýt bị chết vàng, chết xanh nên quýt hồng trồng trong vườn lẫn quýt hồng lên chậu kiểng đều đạt năng suất rất thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do nhà vườn bón quá nhiều phân đạm làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH rất thấp nên nhện phát triển mạnh tấn công bộ rễ, sau đó bội nhiễm nấm Phytophthora, Fusarium làm chết cây. "Quýt kiểng đẹp, độc lạ và có giá trị kinh tế cao nhưng năng suất thấp khiến nhà vườn ai nấy đều mất vui" - ông Tồn nhận xét.
Thống kê mới đây của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tại xã Long Hậu nơi trồng quýt hồng lâu năm nhất trong huyện, hiện tỉ lệ nhiễm bệnh làm thiệt hại lên đến 70%; còn ở xã Tân Phước, diện tích quýt hồng thiệt hại khá cao 50% - 60%; các xã khác dịch bệnh cũng xuất hiện tràn lan khiến nhiều vườn cây bị vàng lá và chết dần.
Người Lao động