MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm ăn lẹt đẹt, hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ đóng cửa trong 2019

20-12-2019 - 15:51 PM | Tài chính quốc tế

Đây là con số cao nhất kể từ khi hãng Coresight Research bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2012...

Dù chi tiêu tiêu dùng và nền kinh tế tăng trưởng mạnh, 2019 lại là một năm ảm đạm nữa đối với nhiều hãng bán lẻ tại Mỹ, khi có tới 9.032 cửa hàng đóng cửa, tăng 59% so với năm 2018. 

Theo Coresight, các hãng bán lẻ Payless, Gymboree, Charlotte Russe và Shopko đều đệ đơn xin phá sản và đóng cửa tổng cộng 3.720 cửa hàng. Phần lớn trong số này thuộc về Payless, công ty xin phá sản lần hai vào tháng 2 và đóng cửa 2.100 cửa hàng tại Mỹ.

Hồi tháng 9, chuỗi bán hàng giảm giá Fred đệ đơn phá sản và đóng 564 cửa hàng. Cùng tháng, chuỗi cửa hàng thời trang Forever 21 cũng xin phá sản và tuyên bố đóng cửa 178 cửa hàng. Vì chưa hoàn tất, số cửa hàng đóng cửa của Forever 21 không được thống kê vào báo cáo của Coresight.

Trong khi đó, các hãng khác, như Ascena Retail Family Dollar, GNC, Walgreens, Signet Jewelers, Victoria's Secret và JCPenney, cũng thu hẹp đáng kể chuỗi cửa hàng của mình nhằm tiết kiệm chi phí và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

Trong năm nay, Family Dollar đã đóng 359 cửa hàng, còn Signet, công ty mẹ của các thương hiệu trang sức Kay, Jared và Zales, cũng thông báo đóng cửa 159 điểm bán hàng.

Coresight Research dự báo trong vài năm tới, số lượng các cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa sẽ còn nhiều hơn nữa, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến tiếp tục chiếm lĩnh thị phần bán lẻ, khiến lợi nhuận của các hãng bán lẻ truyền thống sụt giảm. Mức nợ cùng chi phí thuê mặt bằng cao cũng là những gánh nặng đối với các hãng bán lẻ truyền thống.

Theo một báo cáo nghiên cứu của UBS, thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 16% doanh số bán lẻ và được dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2026. Điều này đồng nghĩa là, tới năm 2026 sẽ có đến 75.000 cửa hàng nữa phải đóng cửa, bao gồm hơn 20.000 cửa hàng thời trang và khoảng 10.000 cửa hàng điện tử tiêu dùng. Hàng nghìn cửa hàng nội thất và đồ thể thao cũng sẽ phải đóng cửa khi mua sắm trực tuyến phát triển nhanh chóng.

Thậm chí cả các hãng bán lẻ đang phát triển mạnh như Walmart và Best Buy cũng đang âm thầm đóng nhiều cửa hàng. Các chuỗi bách hoá như Nordstrom và Kohl's đều đóng một số cửa hàng.

Tính từ đầu năm tới ngày 16/12, cổ phiếu của hãng bán lẻ Macy's giảm mạnh nhất trong S&P 500, với mức giảm 49%. Trong khi đó, cổ phiếu Gap, L Brands, Kohl's và Nordstrom đều góp mặt trong top 20 cổ phiếu giảm mạnh nhất.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ dự báo triển vọng của các chuỗi cửa hàng bách hoá trước mùa nghỉ lễ. "Dù bối cảnh chi tiêu tiêu dùng rất thuận lợi, các chuỗi bách hoá vẫn chưa thể có đột phá", nhà phân tích Christinia Boni cho biết.

Còn Michael Brown, đối tác mảng bán lẻ và tiêu dùng của hãng tư vấn AT Kearney, dự báo số lượng cửa hàng bán lẻ đóng cửa sẽ vượt số lượng mở mới trong năm 2020.

Làm ăn lẹt đẹt, hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ đóng cửa trong 2019 - Ảnh 1.

Nhiều hãng bán lẻ Mỹ liên tiếp đóng nhiều cửa hàng - Nguồn: Coresight.

Tuy vậy, theo báo cáo của Coresight, một số hãng bán lẻ vẫn đang mở thêm, cụ thể là 4.392 địa điểm. Mảng bán lẻ giảm giá có xu hướng tăng trưởng tốt. Chuỗi Dollar General đã mở thêm 975 cửa hàng trong năm nay, số lượng tương đương với những năm trước đó.

"Chúng tôi tin rằng mình đang hoạt động ở một trong những mảng bán lẻ hấp dẫn nhất", CEO Todd Vasos của Dollar General cho biết. Hãng này dự kiến sẽ mở thêm 1.000 cửa hàng mới trong năm 2020 và có thể hoạch mở thêm tổng cộng 13.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ.

Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ giảm giá khác như Ollie's Bargain Outlet, và Five Below cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng trong năm nay. Chuỗi Aldi đã mở thêm hàng trăm cửa hàng tại Mỹ nhằm tiếp cận những khách hàng muốn mua thực phẩm giá rẻ. Còn chuỗi TJX cũng mở rộng nhanh chóng với gần 200 cửa hàng mở mới trong năm nay.

Theo dự báo của các nhà phân tích tại CBRE, một số mảng bán lẻ có thể phục hồi trở lại trong năm 2020. "Các trung tâm thương mại đang hưởng lợi từ làn gió mới của thế hệ Z (sinh từ năm 1996 trở đi), những người thích trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng và đang giúp tăng lượng mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống", báo cáo của CBRE cho biết.

Các hãng bán lẻ trực tuyến cũng đang mở cửa hàng truyền thống, mô hình bán đồ ăn uống, tập thể hình cũng đang phát triển. Và các cửa hàng tạm thời (pop-up) được dự báo sẽ là một công cụ phổ biến của nhiều hãng bán lẻ.

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ cũng được dự báo sẽ thúc đẩy sự trở lại các nhiều hãng bán lẻ và trung tâm thương mại trong năm 2020.

"Chúng tôi dự báo cả các cửa hàng bán lẻ và trung tâm mua sắm sẽ tăng trưởng và phát triển nhờ các yếu tố tiêu dùng căn bản vẫn duy trì mạnh mẽ", CEO của JLL Greg Maloney cho biết.

Theo Ngọc Trang

VnEconomy

Trở lên trên