Kiểu cha mẹ "máy xén cỏ" luôn loại bỏ trở ngại cho con: Mục đích không xấu nhưng hệ lụy khôn lường
Với tâm lý luôn muốn bảo vệ con mọi lúc mọi nơi và muốn cho con cái mình những thứ tốt đẹp nhất, nhiều bậc cha mẹ đang vô tình nuôi dạy con kiểu “máy xén cỏ”. Họ sẵn sàng giải quyết mọi chướng ngại vật trong cuộc sống của con để con được phát triển một cách thuận lợi, dễ dàng, nhưng liệu đây có phải cách nuôi dạy thông minh?
- 24-05-2019Mải mê làm giàu để con có tương lai tốt đẹp, cha mẹ nghĩ thế là đủ nhưng rốt cuộc chẳng phải tiền, đây mới là thứ con cần nhất để lớn khôn!
- 20-05-2019Phương pháp nuôi dạy con 4 KHÔNG của cha mẹ tỷ phú Bill Gates: Điều cuối cùng hầu như cha mẹ nào cũng bỏ qua!
- 13-05-2019Cha mẹ dùng 9 câu nói "cay độc" này để kỷ luật con, chẳng những không hiệu quả mà còn khiến trẻ tổn thương sâu sắc
Trong lĩnh vực giáo dục có thuật ngữ "Cha mẹ kiểu trực thăng" (Helicopter Parenting), ám chỉ những phụ huynh luôn luôn "lượn lờ" xung quanh con cái, theo dõi từng hành động của các con và bắt chúng làm mọi việc theo ý muốn của mình một cách hoàn hảo. Ngày nay, chúng ta còn có thêm một thuật ngữ mới là "Cha mẹ kiểu máy xén cỏ" (Lawnmower Parenting).
Theo bà Saba Harouni Lurie, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, thuật ngữ "Cha mẹ kiểu máy xén cỏ" (còn có cách gọi khác là "Cha mẹ kiểu xe ủi đất" hoặc "Cha mẹ kiểu máy xúc tuyết") được hiểu nôm na là những phụ huynh có khuynh hướng dẹp bỏ giùm con những khó khăn, trở ngại lớn nhỏ trong cuộc sống, để con dễ dàng đạt được thành công, không cho con cơ hội đối diện và tự giải quyết khó khăn của chính mình. Mục đích của các bậc cha mẹ này tuy không xấu nhưng lại vô tình gây nên những hệ luỵ khôn lường cho tương lai con trẻ.
Vụ bê bối về tuyển sinh đại học năm 2019 tại Mỹ là một trong những minh chứng cụ thể về cách giáo dục cực đoan này. Hàng chục phụ huynh có danh tiếng, địa vị, đã hối lộ hàng triệu đô la nhằm mục đích giúp con có một "suất" học trong trường danh tiếng, thay vì khuyến khích con cố gắng đạt được nó bằng chính thực lực của mình.
Các nhà giáo dục, trị liệu cho biết rằng họ thường xuyên gặp phải nhiều cha mẹ nuôi dạy con theo kiểu này, nhưng ở một mức độ nhẹ hơn. Jasmine Peters, huấn luyện viên, người sáng lập trung tâm Parenting Wellness Center, Mỹ cho biết: "Hầu hết các bậc cha mẹ không nhận thức được cách nuôi dạy con sai lầm của mình, cho đến khi tôi lưu ý họ".
Từ chỉ đạo, ngăn cấm, đến giật dây, bao che giúp các con
Tiến sĩ Jenny Grant Rankin, nhà giáo dục, nhà văn, cây viết tích cực của trang Psychology Today đã đưa ra một số hành động điển hình cho biểu hiện của một cặp bố mẹ "máy xén cỏ". Ví dụ: Nếu một cậu bé quên cây đàn violin ở nhà, mẹ cậu sẽ vội vàng về nhà lấy cây đàn mang đến trường cho con mình để kịp giờ tập luyện với ban nhạc của con và giúp con không bị thầy cô phạt. Hoặc nếu một bé gái đánh nhau với bạn học, bố cô bé sẽ "gào thét" trên phòng hiệu trưởng, đổ hết tội lỗi cho đứa trẻ kia và từ chối phạt con tại nhà.
Kelley Kitley, một nhân viên xã hội đã chia sẻ rằng nhiều bố mẹ "máy xén cỏ" có hành vi giống như "giật dây" các con để chúng có thể tham gia đội tuyển thể thao nào đó, hay xây dựng một lịch trình nghỉ hè nghiêm ngặt, không có hoạt động vui chơi giải trí, hoặc không cho con tự lựa chọn bộ môn mà chúng yêu thích, hoặc ép trẻ không được từ bỏ ngay cả khi chúng không thích thứ mà bố mẹ chúng chọn cho.
Bà Rankin cũng lấy một ví dụ khá phổ biến khác: Nếu đứa trẻ không hoàn thành bài tập về nhà, một người mẹ "máy xén cỏ" sẽ nói dối với giáo viên rằng con bị ốm, và nhờ thế, đứa trẻ có thể sử dụng thời gian nghỉ ở nhà để làm xong đống bài tập.
Mục đích của những phụ huynh "máy xén cỏ" không xấu nhưng lại gây hệ quả không nhỏ
Việc bố mẹ mang đàn violin đến trường cho con vì đứa bé để quên ở nhà, hoặc bảo vệ con khi con gây sự, xô xát với bạn học nghe có vẻ không có gì tệ hại. Thậm chí, họ lầm tưởng rằng hành động đó sẽ khiến các con nhìn nhận bố mẹ như một "anh hùng".
Thực tế, việc hình thành cho trẻ thói quen được người khác giúp chúng sửa chữa sai lầm một cách nhanh chóng sẽ gây phản tác dụng cho việc hình thành nhân cách của con về lâu về dài. Những đứa trẻ luôn "ăn sẵn" và không có cơ hội đối mặt với thất bại sẽ phải khổ sở, vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống khi không có bố mẹ bên cạnh.
Bà Rankin nói thêm: "Cha mẹ cướp đi cơ hội đối diện thử thách của con trẻ có nghĩa là trẻ sẽ không có cơ hội thực hành giải quyết khó khăn và mất đi tiềm năng phát triển. Những trẻ này sẽ thấy những việc bố mẹ làm là hiển nhiên, không đánh giá cao những gì mình có được, trong khi lòng biết ơn là một phần quan trọng của hạnh phúc gia đình".
Bà Kitley cũng đưa ra kết luận tương tự: "Tôi hoàn toàn tin rằng những cặp cha mẹ này luôn mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho con cái, nhưng họ không biết rằng đó là hành động nuông chiều, làm hư con, bởi chúng khiến con không được hình thành kỹ năng đối phó với thất bại và sự thất vọng khi không đạt được điều mình muốn – thứ vốn là bản thất thực của cuộc sống. Chúng ta luôn muốn con cái mình kiên cường, nhưng sao chúng có thể kiên cường khi bố mẹ không tạo điều kiện cho chúng được trải qua thất bại, tự mình khám phá và sửa chữa lỗi lầm?".
Tại sao nhiều cha mẹ nuôi dạy con kiểu "máy xén cỏ" đến vậy?
Tiến sĩ Carla Marie Manly, nhà tâm lý học đồng thời là tác giả cuốn sách "Niềm vui từ nỗi sợ hãi" đã chỉ ra một số lý do: Một số người trở thành cha mẹ "máy xén cỏ" vì cho đó là nghĩa vụ của mình, họ nuôi con như thể bao bọc chúng trong một quả bong bóng.
Các cặp cha mẹ khác có thể vì gặp trục trặc trong đời sống hôn nhân nên quyết định dồn hết tình yêu thương, năng lượng và khả năng vào đứa trẻ, thay vì quan tâm đến bản thân mình. Hoặc nhiều cha mẹ có tuổi thơ không êm đềm, hạnh phúc, và vì thế họ vô tình bảo vệ con quá mức để con không phải trải qua những khó khăn thời ấu thơ giống mình.
Kitley nhận định: "Cha mẹ ‘máy xén cỏ’ có xu hướng chung là cầu toàn, cố chấp và luôn lo âu. Điều này có thể bắt nguồn từ bẩm sinh, nhưng đôi khi họ bị tác động bởi tình huống bên ngoài, ví dụ như khi thấy các cha mẹ khác có con cái thành đạt, giỏi giang hơn".
Làm thế nào để không biến mình thành kiểu cha mẹ "máy xén cỏ"?
1. Bắt đầu từ việc trung thực với bản thân và con cái
Việc thay đổi cách nuôi dạy con không chỉ khó khăn đối với bạn mà còn cả với con cái bạn nữa, đặc biệt khi con đã dựa dẫm vào cha mẹ quá nhiều. Bà Rankin chia sẻ: "Nếu bạn nhận thấy mình là kiểu phụ huynh ‘máy xén cỏ’ và muốn thay đổi điều đó, hãy trung thực. Ngồi xuống cạnh con và giải thích rằng bạn đã nuông chiều, khoan dung trong suốt thời gian qua. Bạn nghĩ rằng mình đang tạo điều kiện thuận lợi cho con phát triển bằng cách giải quyết mọi khó khăn xảy đến với con, nhưng nay bạn nhận ra tầm quan trọng của những khó khăn ấy trong việc định hình nhân cách, cá tính và tiềm năng của con sau này.
Hãy nói với con rằng từ giờ trở đi mọi thứ sẽ khác, giải thích vì sao, bằng cách nào và nghiêm túc tuân thủ theo lời bạn nói. Đương nhiên thời gian đầu mọi thứ sẽ thật khó khăn và ‘đau lòng’, con bạn sẽ không thích những thay đổi này và xin bạn quay về thói quen cũ, nhưng hãy mạnh mẽ với một ‘cái đầu lạnh’".
2. Đưa ra lời khuyên để con tự giải quyết vấn đề của mình
Kiến thức, kinh nghiệm của cha mẹ là điều quý giá và hữu dụng đối với con trẻ. Bạn có thể tiếp tục hỗ trợ các con từ xa khi các con đối diện thách thức, nhưng tuyệt đối đừng bước vào và thay chúng sửa chữa mọi thứ.
Hãy hỏi về giải pháp mà con đang định hình trong đầu và những biện pháp có thể thay thế. Bạn có thể làm cho nhiệm vụ này dễ dàng được tiếp cận hơn bằng cách giúp con chia vấn đề thành các bước nhỏ. Không quên khen ngợi con sau khi hoàn thành mỗi bước, điều này cho phép con dựa vào sự hỗ trợ của bạn, từ đó tự mình đưa ra quyết định của mình cho dù có thành công hay không.
3. Nếu cảm thấy không thoải mái với việc lùi bước, hãy nhớ lại cách con bạn đã học đi như thế nào
Đôi khi thấy con mình vấp ngã là điều thật xót xa, nhưng trong những lúc như vậy, Lurie khuyên bạn hãy nhớ lại khoảnh khắc con mình tập đi. Dù đau lòng nhưng chúng ta bắt buộc phải để trẻ tự ngã, mỗi lần ngã là mỗi lần con đứng dậy, cẩn thận hơn, cứng cáp hơn và bước đi vững vàng hơn. Hãy cứ để con "nếm mùi thất bại", tự rút ra bài học và cải thiện ở lần tiếp theo. Hãy tạo cho trẻ cơ hội chịu trách nhiệm với hành động của mình, nhận lấy hình phạt mỗi khi làm sai, có như vậy đứa trẻ mới lớn lên với một nhân cách tốt.
4. Bám sát vào mục tiêu cuối cùng của bạn: Sự độc lập của các con
Cũng giống như mong muốn rằng các con có thể đi bộ thay vì cứ mãi "lăn, lê, bò, toài", chúng ta hy vọng con có thể tự phát triển thay vì phụ thuộc vào cha mẹ. Hãy cố gắng tập trung vào những gì tốt đẹp, lành mạnh cho con cái về lâu về dài. Điều này cần cái nhìn sâu sắc hơn, nỗ lực, tính nhất quán và kiên nhẫn của các phụ huynh. Quan trọng nhất là đừng bỏ cuộc!
NBC News