Làm chính trị thời giận dữ lên ngôi
Trên khắp các nước phương Tây, từ nước Mỹ của Donald Trump cho đến nước Pháp của nữ chính trị gia Marine Le Pen tràn ngập các đám đông giận dữ. Trừ khi đám đông ấy tin rằng trật tự thế giới hiện tại có lợi cho họ, e rằng Brexit chỉ là khởi đầu của một thời kỳ mà toàn cầu hóa và sự thịnh vượng mà nó đem lại sẽ bị đảo ngược.
- 22-09-2015Toàn cầu hóa đang đi vào ngõ cụt
- 10-07-2015Chú thỏ bông và câu chuyện toàn cầu hóa
- 26-09-2013Toàn cầu hóa bắt đầu từ khi nào?
Đa phần trong số những người ủng hộ Anh rời khỏi liên minh châu Âu đều lựa chọn phương án này trong tâm thế lạc quan. Họ nghĩ rằng ở bên ngoài EU, Anh có thể mở rộng cánh cửa chào đón thế giới một cách tự do và thoải mái. Tuy nhiên, thứ đảm bảo cho chiến thắng của phe ủng hộ Brexit lại rất khác. Đó chính là sự giận dữ.
Sự giận dữ bao trùm lên mọi khía cạnh của cuộc tranh luận. Người ta giận dữ về dòng người nhập cư, về toàn cầu hóa, về xã hội tự do và thậm chí cả về bình đẳng giới. Cuối cùng thì cơn giận đã được chuyển hóa thành thứ ít ai ngờ tới: phe Brexit giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý.
Trên khắp các nước phương Tây, từ nước Mỹ của Donald Trump cho đến nước Pháp của nữ chính trị gia Marine Le Pen tràn ngập các đám đông giận dữ. Trừ khi đám đông ấy tin rằng trật tự thế giới hiện tại có lợi cho họ, e rằng Brexit chỉ là khởi đầu của một thời kỳ mà toàn cầu hóa và sự thịnh vượng mà nó đem lại sẽ bị đảo ngược.
Trở lại thời kỳ đầu những năm 1990, khi toàn cầu hóa bắt đầu bùng nổ, nền kinh tế phát triển tự do theo quy luật của thị trường và sự hợp tác toàn diện giữa các quốc gia với nhau trở thành mô hình tối ưu nhất. Toàn cầu hóa cũng đã đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các nước. Tuy nhiên, sau 1/4 thế kỷ, mặc dù thịnh vượng và phát triển là mẫu số chung, nhiều người cũng cảm thấy rằng họ đã bị bỏ lại phía sau.
Kéo theo đó là sự giận dữ. Những người khởi xướng toàn cầu hóa cho rằng các nhà lãnh đạo đã mắc sai lầm và khiến người dân phải trả giá mà trong trường hợp của châu Âu là hệ thống tiền tệ và cơ chế điều hành kinh tế có nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng nền kinh tế trì trệ và thất nghiệp tăng cao. Những công cụ tài chính tinh vi và phức tạp đã qua mặt cơ quan quản lý, khiến kinh tế thế giới sụp đổ và cuối cùng thì tiền thuế của người dân lại trở thành nguồn tiếp viện cứu sống các ngân hàng.
Toàn cầu hóa đã mang đến những lợi ích khổng lồ nhưng các nhà hoạch định chính sách chưa làm đủ những thứ cần thiết để giúp đỡ những người phải chịu tác động tiêu cực. Thương mại với Trung Quốc giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói và làm lợi cho người tiêu dùng phương Tây nhưng nhiều công nhân bị mất việc làm vì toàn cầu hóa đã không thể tìm được việc mới cũng như không nhận được hỗ trợ về mặt tài chính.
Thay vì nhân rộng lợi ích của toàn cầu hóa, các chính trị gia lại tập trung vào những vấn đề khác. Các lý lẽ mà phe cánh tả đưa ra xoay quanh những vấn đề như sắc tộc, nhân quyền hay chống biến đổi khí hậu trong khi phe cánh hữu liên tục nói về chế độ đãi ngộ nhân tài nhưng lại không thể mang cơ hội đến cho tất cả mọi người.
Mặc dù GDP bình quân đầu người của người Mỹ đã tăng trưởng tổng cộng 14% trong giai đoạn 2001-15, mức lương trung bình chỉ tăng 2%. Người ta tin rằng một khối thống nhất, nơi biên giới giữa các quốc gia bị xóa nhòa, sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng sự kiện Brexit cho thấy khi người dân cảm thấy họ bị mất quyền kiểm soát chính cuộc sống của mình hoặc không được hưởng những “quả ngọt” của toàn cầu hóa như đã hứa hẹn, họ sẽ phản kháng.
Nhiệm vụ của các chính trị gia ủng hộ chủ nghĩa tự do và toàn cầu hóa là phải tìm ra những cách truyền thông hiệu quả để có thể đưa mọi thứ trở lại trật tự vốn có của nó và chống lại những người như Donald Trump và bà Le Pen. Dòng chảy tự do của hàng hóa, các ý tưởng, dòng vốn và nhân lực là thứ rất cần thiết để duy trì thịnh vượng. Một Chính phủ hay dọa nạt và phân biệt chủng tộc chính là mối đe dọa lớn đối với hạnh phúc của nhân loại. Lòng vị tha và sự thỏa hiệp là những điều kiện tối thiểu để tất cả mọi người phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.
Đóng vai trò quan trọng không kém chính là những chính sách giúp truyền bá sự thịnh vượng. Các nhà lãnh đạo phải giữ được một xã hội ổn định và đảm bảo chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với tiền lương tăng lên. Để làm được điều này, phải loại bỏ những đặc quyền đặc lợi, các nhóm lợi ích cũng như đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng.
Cuộc đấu tranh cho tự do căng thẳng nhất ở vấn đề nhập cư. Xét đến khía cạnh hầu hết các Chính phủ đều kiểm soát chặt chẽ dòng người tới sống và làm việc ở đất nước họ thì phong trào tự do trên toàn châu Âu rõ ràng đang có một bước thụt lùi.
Hãy coi dòng người di cư cũng giống như dòng chảy của hàng hóa. Thay vì cố gắng giảm bớt số lượng người nhập cư, trước hết các Chính phủ nên đầu tư vào trường học, bệnh viện và xây dựng các khu nhà ở xã hội. Ở Anh, những gì mà người nhập cư từ các nước khác thuộc EU đóng góp cho nền kinh tế Anh không hề nhỏ. Nếu không có họ, Anh sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng, cản trở quá trình phát triển kinh tế.
Chủ nghĩa tự do cũng đã nhiều lần bị thách thức. Cuối thế kỷ 19, trường phái này tạm lắng xuống khi mà người ta nhận ra rằng tự do chính trị và tự do kinh tế sẽ biến mất nếu như những nhu cầu cơ bản của con người không được đáp ứng.
Giờ đây chủ nghĩa tự do lại đang đứng trước những thách thức hoàn toàn mới. Câu chuyện sẽ đi đến đâu chỉ có lịch sử mới có thể trả lời.