MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm khó thuê bao chuyển mạng - “tham con tép, bỏ con tôm”?

25-02-2019 - 08:57 AM | Thị trường

Việc chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) bị làm khó đang gây ra không ít bức xúc cho các thuê bao. Chính vì thế mới đây, Cục Viễn thông cho biết sẽ thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các khiếu nại về MNP từ phía người tiêu dùng qua đầu số 1900.

Tỉ lệ chuyển mạng đạt 52,8%

Theo con số mới nhất được Cục Viễn thông cập nhật, tính từ thời điểm ngày 16.11.2018 đến 15.2.2019, tổng cộng có 118.209 thuê bao di động đăng kí chuyển mạng giữ nguyên số. Trong đó, 62.398 trường hợp thuê bao đã chuyển mạng thành công, 52,8%.

Theo những con số đã công bố trước đó, tỉ lệ chuyển mạng thành công giữa các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile là không đồng đều. Viettel có tỉ lệ chuyển mạng thành công lớn nhất, trên 80%. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, trong ba tháng tới, tỉ lệ MNP phải đạt từ 90% trở lên. Bộ trưởng Hùng trong cuộc họp giao ban của Bộ TT&TT mới đây cho rằng, tỉ lệ MNP thành công trong ba tháng vừa qua là quá thấp.

Trên thực tế, tỉ lệ MNP chỉ đạt 52,8% được cho rằng có nguyên nhân lớn nhất là rào cản từ phía nhà mạng chuyển đi. Đơn cử khi khách hàng đến đăng kí chuyển đi thì được tiếp nhận khá vui vẻ và hẹn vài ngày sau sẽ thực hiện.

Tuy nhiên vài ngày sau đó, những cuộc gọi liên tiếp từ nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng gọi đến, khi thì hỏi han nguyên nhân, lúc thì tìm hiểu nguyện vọng tâm tư, thậm chí đưa ra một số chương trình khuyến mãi giá trị từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng để mời gọi nhưng lại nhằm để “trói” thuê bao từ 12-24 tháng…

Những thuê bao kiên nhẫn và lịch sự nhất thì cũng chỉ có thể nghe đến cuộc gọi thứ hai, thứ ba. Thế nhưng, nhiều thuê bao sau đó lại không thể chuyển mạng được vì nhiều lí do rất lặt vặt, đôi khi chỉ là lỗi chính tả trong cách viết thông tin, thậm chí là sự thể hiện dấu cách trong câu chữ,…

Càng cố “trói” càng mất lòng khách hàng

Theo nghiên cứu từ một số quốc gia trên thế giới đã triển khai MNP, tỉ lệ thuê bao đăng kí MNP/tổng thuê bao của nhà mạng tối đa khoảng 10%. Trên thực tế, sụt giảm 10% thuê bao hoàn toàn không tương đương với 10% doanh thu, vì có thể ít hơn hoặc nhiều hơn. Song trên thế giới, dường như cũng chưa có nhà mạng nào đến mức phá sản hay sụp đổ vì MNP.

Trong khi đó, con số thuê bao đăng kí MNP trong ba tháng qua đạt chưa tới 0,1%, còn số thuê bao MNP thành công chỉ chiếm khoảng 0,05% tổng số thuê bao di động tại Việt Nam hiện nay.

Làm khó thuê bao chuyển mạng - “tham con tép, bỏ con tôm”? - Ảnh 1.

Một mẫu tin nhắn khuyến mãi nhằm “trói” chân thuê bao.

Chuyển mạng giữ nguyên số là “cây gậy” cho người tiêu dùng giúp họ nâng cao được quyền lợi, nguyện vọng, nhưng cũng không có nghĩa chỉ là “đòn roi” đối với nhà mạng. Anh Thế (số thuê bao 090394xxxx) cho rằng: “Nhà mạng phải biết e ngại trước MNP để từ đó họ phải nỗ lực hơn việc hoàn thiện chất lượng dịch vụ và cung cách phục vụ. Một khi họ làm tốt được những việc này cùng với chính sách kinh doanh khôn ngoan và nhạy bén thì sẽ thu hút được thêm khách hàng mới”.

Khách hàng mới của mỗi nhà mạng, theo anh Thành (số thuê bao 098969xxx), thay vì như trước đây là số thuê bao đăng kí mới hoàn toàn thì bây giờ cơ hội đã nhân lên với các nhà mạng làm ăn tốt vì có thêm nguồn thuê bao từ mạng khác chuyển đến. Anh Thành cho rằng: “Việc một số nhà mạng cố trì níu với đủ lí do ngăn thuê bao rời đi cũng có yếu tố tâm lí, nhưng mặt khác cho thấy họ không tự tin vào chính mình, từ đó hành xử “tham con tép, bỏ con tôm”.

Dân gian có câu “giữ người ở lại chứ ai giữ người ra đi”. Trong trường hợp các nhà mạng đang triển khai MNP cũng thế, thuê bao muốn rời đi thì lòng họ đã không còn ở nhà mạng nữa. “Vậy thì đừng ngăn trở mà hãy làm tốt hơn để đón các thuê bao mới trong đó có thuê bao từ mạng khác chuyển đến”, anh Lâm nói.

Theo Thế Lâm

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên