MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát cuối năm 2018 sẽ chịu áp lực của những yếu tố nào?

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các yếu tố thị trường như giá xăng dầu, lương thực và tỷ giá...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định, tình hình lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2018 dự báo sẽ chịu tác động từ cả yếu tố làm tăng và làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Vẫn có yếu tố làm giảm áp lực về giá

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 đã tăng 0,61% so với tháng trước đó và là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Nếu so sánh với tháng 12/2017, thì CPI tháng 6/2018 đã tăng 2,22% và tăng đến 4,67% so với cùng kỳ năm 2017.

Cùng với đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng 5 và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Thông tin này đã khiến không ít người lo ngại về CPI cũng như lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng phi mã.

Thừa nhận điều này, trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn nhận định, sẽ có một số yếu tố có thể gây áp lực tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2018. Cụ thể là biến động tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như giá xăng dầu, LPG.

Bên cạnh đó, biến động tăng của giá lương thực, thực phẩm trong nước; rủi ro từ thiên tai, bão lũ làm tăng giá cục bộ các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng; hay việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá, cũng là những yếu tố khiến lạm phát tăng.

"Ngoài ra, CPI còn chịu áp lực từ việc nâng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước", ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, có hai ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn.

Theo đó, ông Long đưa ra 2 kịch bản khi bàn về lạm phát những tháng cuối năm. Kịch bản thứ nhất, nhiều khả năng giá xăng dầu và giá thịt lợn không tiếp tục tăng mà chỉ neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng - tương đương mức tăng trung bình của lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua, kéo theo lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm 2018. Đồng thời, lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 3,4-3,5%.

Kịch bản thứ hai được giả định giá xăng dầu và giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng, tương đương với mức tăng trong 6 tháng đầu năm, khi đó lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,8-3,9%.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng cho rằng, vẫn có những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, như các nhân tố thị trường.

"Trong một vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thực phẩm tươi sống dự báo ổn định và thường giảm vào mùa hè. Giá thuốc chữa bệnh phấn đấu tiếp tục giảm theo kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm từ ngày 15/7/2018 dự kiến tác động làm giảm CPI khoảng 0,35%; hay giá cước kết nối thoại giữa các mạng di động giảm 20%, cũng sẽ góp phần làm lạm phát cơ bản ở mức thấp", ông Tuấn phân tích.

Sử dụng Quỹ bình ổn để kiềm chế việc tăng giá xăng dầu

Để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018, nhằm đạt được mục tiêu CPI bình quân dưới mức 4% như Quốc hội đã giao, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn...

Song song với đó, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, ông Tuân cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

Đối với giá dịch vụ y tế, việc kết cấu thêm các chi phí vào trong giá theo lộ trình phụ thuộc vào dư địa lạm phát trong những tháng còn lại của năm.

"Trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm", ông Tuấn nói.

Đối với một số mặt hàng nông sản đang tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đưa ra các dự báo, tính toán kịch bản điều hành giá cho từng giai đoạn để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường phù hợp.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá.

"Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cuối cùng, để công tác quản lý, điều hành giá đạt được những kết quả tích cực chúng tôi tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Theo Duyên Duyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên