Lạm phát đã tăng tới 83% nhưng quốc gia này vẫn kiên định cắt giảm lãi suất
Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao mới trong 24 năm nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn nói không với tăng lãi suất.
- 01-10-2022Trung Quốc 'giải cứu' bất động sản: Giảm lãi suất vay thế chấp cho người mua nhà
- 30-09-2022Jim Chanos: Không phải lãi suất hay tình hình Ukraine, đây mới là câu chuyện quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần quan tâm
- 28-09-2022Chủ tịch ECB: Lãi suất sẽ tăng trong 'các kỳ họp tới'
- 28-09-2022Chủ tịch Fed Chicago: 'Tôi quan ngại Fed tăng lãi suất quá mạnh, quá nhanh'
- 26-09-2022Vì sao nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới quyết liệt nâng lãi suất trong tuần vừa rồi?
Theo số liệu thống kê chính thức, giá tiêu dùng hàng tháng trong tháng 9 ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3,08% còn giá tiêu dùng hàng năm tăng 83,45%. Chỉ số giá sản xuất trong nước tăng 4,78% so với tháng trước và tăng tới 151,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát ở quốc gia 84 triệu dân đã tăng vọt trong 2 năm qua, đặc biệt là khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định tiếp tục giảm lãi suất thay vì tăng lãi suất, trái ngược với các phương thức kiểm soát lạm phát thông thường.
"Chiến trường lớn nhất của tôi là chống lại tăng lãi suất. Kẻ thù lớn nhất của tôi là tăng lãi suất. Chúng tôi đã hạ lãi suất xuống 12%. Như thế đã đủ chưa? Chưa. Lãi suất cần giảm hơn nữa", ông Erdogan nói trong một sự kiện hồi cuối tháng 9.
Chỉ trong 2 tháng qua, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lãi suất 200 điểm cơ bản xuống còn 12%, động thái được báo chí phương Tây mô tả là gây sốc cho thị trường. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được giao dịch ở mức thấp kỷ lục 18,56 lira đổi 1 USD và giảm 28% giá trị so với đồng bạc xanh trong năm nay.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những biện pháp của họ sẽ giảm lạm phát trong những tháng tới. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không đồng ý. Họ cho rằng giá tiêu dùng sẽ tăng và đồng lira sẽ giảm hơn nữa trong nhiều năm tới.
Liam Peach, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics, nói rằng: "Khi Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất trong bối cảnh các điều kiện tài chính bên ngoài thắt chặt, rủi ro vẫn nghiêng về phía đồng lira giảm mạnh và hỗn loạn".
Trên khắp thế giới, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc họp chính sách vừa qua. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại lãi suất cao ở Mỹ sẽ khiến tiền chảy khỏi nền kinh tế của họ.
Trong khi đó, đà tăng lãi suất có thể sẽ chưa dừng lại, nhất là khi lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu được thuần phục. Các quan chức FED khẳng định lập trường sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát được kìm hãm. FED cũng đã nâng lãi suất mục tiêu lên khoảng 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào cuối năm sau.
Khi FED cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao, thậm chí nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái, các chuyên gia tin rằng điều này có hại cho kinh tế toàn cầu. Khi đồng USD tăng mạnh theo chính sách lãi suất của FED, người tiêu dùng ở các quốc gia khác đều phải chịu ảnh hưởng khi hàng hóa nhập khẩu của họ tăng giá.
Thậm chí, chính sách của Mỹ còn được mô tả là mối đe dọa với thị trường mới nổi. Thậm chí, khủng hoảng tài chính có thể xảy ra với các nền kinh tế này, với hậu quả đặc biệt lớn cho các quốc gia có nợ bằng đồng USD.
Tham khảo: Bloomberg
Nhịp sống Thị trường