MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát "lợn đẩy" có thể duy trì bình quân dưới 4%?

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra rằng, lạm phát ở thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm nên việc cấp bách để kiểm soát lạm phát là kiểm soát giá mặt hàng này.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tăng 3,17% so với cùng kỳ, tăng 0,66% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 do 2 đợt điều chỉnh giá xăng đầu vào cuối tháng 5 và tháng 6 làm giá nhóm hàng giao thông tăng 6,05%.

Trong tháng 6/200, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm giáo dục tăng 4,36% và giao thông giảm 27,3% so với cùng kỳ. Đó là nhân tố chính khiến CPI tháng 6 chỉ tăng 3,17%.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung thịt lợn, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng tới 15,86% so với cùng kỳ, lương thực tăng 5,34%. Ông Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR gọi đây là lạm phát "lợn đẩy".

Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2020 là 4,19%. Giá các mặt hàng lương thực tăng 3,38% so vơi cùng kỳ (làm CPI chung tăng 0,15%). Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% (làm CPI chung tăng 3,23%). Giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 7,54%. Đây là những nguyên nhân chính khiến CPI bình quân 6 tháng đầu tăng vượt mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm cùng việc hạn chế đi lại du lịch khiến giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm là những nhân tố góp phần kìm hãm mức tăng giá ở Việt Nam.

Hiện nay, nền nông nghiệp tại các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai - dịch châu chấu - gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu nông sản thế giới. Điều này có thể khiến giá lương thực thế giới và trong nước tiếp tục tăng trong Quý 3. Cùng với đó, do dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, giá các mặt hàng thực phẩm khó có thể giảm trong thời gian tới.

Với bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước bất ổn như hiện nay, việc cấp bách lúc này là kiểm soát giá lương thực thực phẩm. Mục tiêu lạm phát bình quân năm 2020 dưới 4% của Ngân hàng Nhà nước, theo VEPR là có thể thực hiện được nếu chúng ta làm tốt điều này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính đồng tình với ý kiến của VEPR. Chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo, ông nói: "Tôi đảm bảo lạm phát sẽ ở dưới mức 4%". Ông Lực đưa ra lý do chính là cầu hiện tại đang rất yếu, cung chỉ giảm nhẹ so với mức giảm của cầu nên sẽ không gây ra lạm phát.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên