Lạm phát năng lượng xanh: Thuốc "tiên" chữa lành cho phương Tây khỏi cơn nghiện dầu khí Nga hết hiệu nghiệm
Với hy vọng giải thoát khỏi dầu khí, việc đổ xô vào khoáng sản cho năng lượng xanh lại thúc đẩy một cuộc lạm phát kéo dài.
- 20-04-2022Quyết không ‘mờ mắt’ vì giá dầu cao, quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới từ chối khai thác ‘cơn sóng thần dầu mỏ’ vì một lý do
- 20-04-2022Phương Tây ngỡ có SWIFT là “vũ khí tối tân”, Nga tự tin tuyên bố hệ thống thay thế với cả tá quốc gia thành viên
- 20-04-2022Năng lượng ‘ế’ có thể giúp Nga lách lệnh trừng phạt theo cách không ai ngờ nhất
Khoáng sản cho năng lượng xanh không nằm ngoài đà tăng giá
Nếu bạn cho rằng lạm phát là xấu, hãy đợi cho đến khi phần còn lại của thị trường hàng hóa thực sự nóng lên. Mặc dù giá các vật liệu cơ bản như đồng, nhôm, niken và thép đã tăng cao, chúng vẫn chưa leo thang như nhiên liệu và các mặt hàng sử dụng năng lượng như thực phẩm. Nhưng giá cả sẽ tăng nếu các nhà hoạch định chính sách của Châu Âu và Mỹ hành động theo cách của họ.
Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, các nhà lãnh đạo hứa hẹn rằng năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, gió và xe điện sẽ ngày càng dồi dào. Năng lượng xanh sẽ chữa lành phương Tây khỏi cơn nghiện đối với dầu và khí đốt tự nhiên bấp bênh và cô lập Nga. Nhưng liệu giải pháp này có "chữa lợn lành thành lợn què" khi việc sử dụng quá đà các khoáng chất cơ bản cho năng lượng xanh sẽ thúc đẩy lạm phát.
Cũng như giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, giá của khoáng sản cũng vậy. Khoáng sản vốn cần thiết trong việc tạo ra mọi loại sản phẩm từ thiết bị, nhà ở cho đến máy tính và ô tô. Nếu trước đây giá nguyên vật liệu chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành sản phẩm, chúng sẽ chiếm phần chính nếu giá khoáng sản tăng cao.
Việc sản xuất năng lượng từ tuabin gió và mô-đun mặt trời, đặc biệt là từ pin xe điện, đòi hỏi nguồn cung cấp đồng, niken, nhôm, than chì, lithium và các khoáng chất khác phải gia tăng đáng kể.
Mỗi chiếc xe điện chứa nhiều hơn khoảng 181kg nhôm và khoảng 68kg đồng so với một chiếc xe hơi thông thường. Điều tương tự cũng xảy ra đối với tập hợp các khoáng chất cần thiết để sản xuất hàng chục nghìn tuabin gió và hàng triệu mô-đun năng lượng mặt trời cần thiết cho các kế hoạch xanh.
Không may, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và các cơ quan khác đã chỉ ra rằng nguồn cung cấp các khoáng chất quan trọng tăng chậm, thậm chí là không tăng. Đó là một công thức kích hoạt lạm phát.
Vào ngày 24/3 tại Paris, IEA đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh gồm các quốc gia thành viên để lập chiến lược thay thế nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga, đồng thời tái khẳng định các mục tiêu "khử cacbon". Những quốc gia tham dự đã đưa ra tuyên bố "tăng tốc" là "ưu tiên hàng đầu" của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh để thay thế hydrocacbon. Tổng thống Mỹ Biden và chủ tịch Liên minh châu Âu đều nhấn mạnh chủ đề "nỗ lực gấp đôi" năng lượng xanh.
Về mục tiêu khử carbon, điều đó có vẻ hợp lý. Sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và xe điện, có thể đủ để thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để làm giảm giá khí đốt tự nhiên và dầu. Sự thay thế có thể cách ly thị trường khỏi lạm phát do mất nguồn cung cấp từ Nga hoặc các lệnh trừng phạt đối với thị trường.
Theo đuổi giấc mơ năng lượng xanh gây lạm phát
Cho dù thực tế hay không, việc theo đuổi một chiến lược như vậy chỉ gây ra lạm phát. Và lạm phát này sẽ kéo dài hơn lạm phát lương thực hoặc nhiên liệu. Năm 2021, các nhà kinh tế học của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xem xét dữ liệu hàng hóa khoáng sản từ năm 1879. Họ tính toán tác động lạm phát từ việc cố gắng đáp ứng nhu cầu khoáng sản để chế tạo đủ máy móc cho nỗ lực xanh.
Các nhà kinh tế viết rằng giá kim loại sẽ đạt đến đỉnh lịch sử "trong một khoảng thời gian chưa từng có, duy trì trong khoảng một thập kỷ." IMF cũng chỉ ra rằng "các mô hình đánh giá tích hợp" cho quá trình chuyển đổi năng lượng "không bao gồm.. tiềm năng chi phí tăng".
Giá khoáng sản leo thang kinh hoàng sẽ cản trở những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát. Bằng chứng cho cảnh báo của IMF đã có sẵn.
Lithium nổi tiếng nhờ ô tô và mạng lưới pin đã chứng kiến giá tăng gần 1.000% trong 2 năm qua. Giá đồng và niken lần lượt tăng 200% và 300% trong cùng kỳ. Nhôm, kim loại được sử dụng nhiều thứ hai trên trái đất sau quặng sắt, tăng 200% và giao dịch ở mức cao nhất trong 30 năm.
Trong khi trước đây kim loại chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí chế tạo của hầu hết các sản phẩm, bức tranh đã thay đổi khi giá đầu vào ở mức cao. Theo báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ năm 2020, giá nhôm tăng gấp đôi sẽ khiến chi phí đầu vào quét sạch gần như toàn bộ biên lợi nhuận đối với các nhà sản xuất xe hạng nặng của Mỹ. Giá ô tô, xe tải ngày càng cao là điều tất yếu.
Lạm phát nguyên vật liệu hàng hóa đã chấm dứt việc pin, mô-đun năng lượng mặt trời và tuabin gió có giá rẻ trong thời gian dài. Bởi vì chỉ riêng khoáng sản đã chiếm hơn một nửa chi phí chế tạo pin và mô-đun năng lượng mặt trời và khoảng 20% đối với tuabin gió.
Khả năng gây ra áp lực lạm phát lớn hơn là điều hiển nhiên. Mặc dù tăng trưởng nhanh, thế giới vẫn chỉ nhận được 3% năng lượng từ gió và mặt trời. Dưới 1% tổng số ô tô chạy trên đường là xe điện. ING cuối năm 2021 đã xác định rằng chỉ riêng nỗ lực trong các mục tiêu về xe điện đã hấp thụ khoảng một nửa tổng sản lượng nhôm và đồng hiện tại và khoảng 80% sản lượng niken toàn cầu.
Các cuộc thăm dò cho thấy người tiêu dùng tin rằng việc tăng sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên làm giảm lạm phát. Người châu Âu yêu cầu thêm nhiên liệu từ Algeria và Qatar. Chính quyền Tổng thống Biden thì giải phóng dầu từ Nguồn dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Nhưng không ai ở châu Âu hay Mỹ nói về việc gia tăng công suất khai thác, thậm chí không có Nguồn Dự trữ Khoáng sản Chiến lược.
Khai thác cũng giống như mọi thứ khác. Giá cao cuối cùng sẽ kích thích sản xuất nhiều hơn. Nhưng khả năng mở rộng khai thác chậm chạp trong thế giới thực giải thích cho dự báo của IMF rằng lạm phát khoáng sản sẽ kéo dài "khoảng một thập kỷ" cho đến khi nguồn cung bắt kịp.
Hầu hết các nhà phân tích tập trung vào nguồn gốc của các khoáng sản mới và các tác động địa chính trị phái sinh của các chuỗi cung ứng mới. Châu Âu sẽ chuyển sự phụ thuộc từ Nga sang Trung Quốc. Nhưng các nhà hoạch định chính sách sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên bởi tác động lạm phát nhanh chóng và dữ dội của việc săn đuổi khoáng sản.s
Tham khảo WSJ