Lạm phát tăng cao, ngành dệt may còn "sáng cửa"?
Với động lực là xuất khẩu, ngành dệt may được kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid.
Theo nhận định mới đây của Bloomberg, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ngành dệt may thế giới đang trên đà khởi sắc, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí nước xuất khẩu dệt may hàng đầu tại thị trường Mỹ và EU. Bloomberg đánh giá những dự án đầu tư bất động sản công nghiệp chuyên ngành xanh như Aurora IP sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển nguồn cung bền vững cho ngành dệt may Việt Nam trong dài hạn.
Với động lực là xuất khẩu, dệt may là một trong những ngành được "sáng cửa" nhờ sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn còn nhiều khó khăn khi đối diện với áp lực lạm phát tăng cao. Chia sẻ Talkshow "Dấu hỏi lạm phát" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại TNG đánh giá chi phí đầu vào tăng và chi phí đầu ra bên phía nhập hàng cũng đang bị tác động bởi lạm phát khiến giá cả bị ảnh hưởng lớn. Đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ ít sức chịu đựng,còn đối với những doanh nghiệp lớn có tích luỹ và có năng suất lao động tốt mặc dù kéo bù lại nhưng chung quy cũng vẫn bị ảnh hưởng giảm.
Việc Mỹ và EU tăng lãi suất có thể khiến ngành dệt may nói chung chịu ảnh hưởng giảm nhưng không giảm đồng đều giữa các doanh nghiệp. Thực tế các đơn hàng tập trung vào các doanh nghiệp lớn, uy tín còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ bị ít hưởng.
"Những doanh nghiệp lớn có uy tín rồi vẫn tiếp tục cải tiến và điều chỉnh giảm giá xuống cho khác hàng. Khi điều chỉnh giảm xuống sẽ tính đến biên lợi nhuận nên tôi cho rằng những đơn vị lớn sẽ ổn", Chủ tịch TNG đánh giá.
Nhóm dệt may sẽ bị ảnh hưởng hơn nhóm thủy sản nếu suy thoái kinh tế xảy ra
Đưa ra phân tích tổng quan về ngành thủy sản và dệt may, bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá những ngành này có mức tăng trưởng khá tốt. Đối với dệt may cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, song chủ yếu lực cầu ở nhóm dệt may cao hơn thủy sản và nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.
Do đó, chính sách của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp dệt may và biên lợi nhuận của ngành khó có thể tốt như ngành thủy sản. Trong xu hướng đó, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí có thể có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc tốt hơn so với ngành.
Những quan ngại về ảnh hưởng từ chính sách Trung Quốc khiến nhóm cổ phiếu dệt may có diễn biến không tích cực trong thời gian qua. Do đó, chuyên gia VDSC cho rằng doanh nghiệp đi ngược xu hướng chung của ngành sẽ có triển vọng tăng trưởng về giá tốt trong thời gian tới.
Về việc Mỹ và EU tăng lãi suất, bà Lam cũng nhấn mạnh đó là kết quả của việc lạm phát tăng rất mạnh và nhanh so với kỳ vọng từ đầu năm của giới phân tích. Do đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến việc giá cả của các mặt hàng như dệt may, thủy sản tăng có thể dẫn đến chi tiêu giảm ở các mặt hàng này hay không.
"Thống kê của VDSC cho thấy lạm phát trong tháng 5 của Mỹ ở nhóm thủy sản tăng 14% và may mặc tăng 5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tăng giá ở nhóm thủy sản cao hơn nhóm may mặc. Ngoài ra vấn đề giảm sức mua còn phụ thuộc vào độ co dãn của cầu theo giá và tỷ trọng chi tiêu của 2 nhóm này trong rổ hàng hóa tiêu dùng của Mỹ", Giám đốc Phân tích VDSC nêu quan điểm.
Tỷ trọng của nhóm nhóm dệt may ở khoảng 2.5% và nhóm thủy sản cũng tương đương như vậy. Tuy nhiên, độ co dãn cầu ở nhóm thủy sản không bằng nhóm dệt may, nên việc cắt giảm chi tiêu ở nhóm dệt may có thể nhiều hơn.
Bà Lam cũng cho biết thêm, số tồn kho của các nhà máy tại Mỹ đang ở mức cao, có thể đơn hàng của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới và tăng trưởng xuất khẩu ở 2 nhóm này, đặc biệt ở nhóm thủy sản sẽ không được cao trong thời gian tới, nhưng không ở mức quá nguy hiểm để gọi là cảnh báo.
Tuy nhiên, nếu kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra, nhóm dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nhóm thủy sản. Tuy nhiên, nếu lạm phát được kiểm soát và sức mua của người tiêu dùng tăng lên thì nhóm dệt may sẽ được phục hồi tốt hơn nhóm thủy sản.