MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm rõ nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ComBE Five

14-07-2019 - 08:33 AM | Xã hội

Bộ Y tế đang chờ kết quả họp hội đồng chuyên môn và kết quả của Viện Pháp y, Bộ Công an về trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ComBE Five

Chiều 13-7, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thông tin trên. Còn theo ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ y - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, sở đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân bé Trần Hoàng Anh (hơn 2 tháng tuổi, ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) tử vong sau khi tiêm vắc-xin này.

Một ngày, 2 trẻ tử vong

Theo báo cáo của Sở Y tế, khoảng 8 giờ ngày 11-7, bé Trần Hoàng Anh được tiêm vắc-xin ComBE Five mũi 1 và uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt bOPV lần 1 tại Trạm Y tế xã Ea Tar. Đến chiều tối, người nhà đưa bé đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái toàn thân, tim ngừng đập và tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Vào ngày 11-7, tại trạm y tế xã có 50 bé được tiêm vắc-xin ComBE Five và 40 bé được uống vắc-xin bOPV. Các bé đều không có biểu hiện bất thường. Tủ bảo quản vắc-xin vẫn hoạt động đúng quy định, nhiệt độ lúc kiểm tra là 5 độ C. "Trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five và uống vắc-xin bOPV 12 giờ" - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kết luận sơ bộ.

Theo ông Huyên, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm chủng. Sáng 12-7, đoàn đã đến viếng và tư vấn gia đình bé Hoàng Anh phối hợp khám nghiệm tử thi nhưng gia đình không đồng ý. Hiện nay, sở đã thông báo cho các trung tâm y tế tạm ngưng sử dụng lô vắc-xin ComBE Five, số lô 220110618C, hạn dùng đến ngày 31-3-2021.

Bà Trần Thị Hiền (mẹ bé Hoàng Anh) xác nhận gia đình không đồng ý cho khám nghiệm tử thi, đã tổ chức an táng cho bé và chưa kiến nghị gì với cơ quan chức năng.

Cũng trong ngày bé Hoàng Anh qua đời, tại tỉnh Nghệ An, bé gái Nguyễn Ngọc Khánh Băng (hơn 9 tháng tuổi, ngụ xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ) đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five mũi 2 tại Trạm Y tế xã Nghĩa Dũng. Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, cho biết Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An cùng các lực lượng chức năng đã khám nghiệm tử thi, lấy mẫu giám định làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Qua kiểm tra, hội đồng chuyên môn khẳng định quy trình bảo quản vắc-xin, nguồn gốc vắc-xin và quy trình tiêm chủng bảo đảm theo quy định. Sau khi tiêm, bé được theo dõi tại trạm y tế xã 40 phút và không có phản ứng gì.

Theo ông Định, vắc-xin ComBE Five được đưa vào sử dụng từ tháng 1-2019 và đã tiêm cho 12.000 trẻ. Một số trường hợp tiêm xảy ra phản ứng nhưng xử lý kịp thời nên đều an toàn. Trường hợp bé Băng là ca tử vong đầu tiên sau khi tiêm vắc-xin này.

Cùng tiêm chủng vắc-xin ComBE Five với bé Băng tại trạm y tế xã có 25 trẻ khác. Các bé đều ổn định sức khỏe sau khi tiêm. Gia đình bé Băng cho hay vào tháng 7-2017, chị gái của bé cũng tử vong sau khi tiêm phòng vắc-xin viêm gan B với những biểu hiện, trạng thái trước khi tử vong như em mình.

Làm rõ nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ComBE Five  - Ảnh 1.

Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em ở huyện miền núi của tỉnh Hà Giang Ảnh: NGỌC DUNG

Những lưu ý trước khi tiêm

Theo ông Trần Đắc Phu, tỉ lệ phản ứng sau tiêm đối với vắc-xin "5 trong 1" dịch vụ và trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là như nhau. Còn tỉ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại vết tiêm của vắc-xin "5 trong 1" dịch vụ thấp hơn vì trong vắc-xin đó có thành phần ho gà vô bào. Trong khi vắc-xin "5 trong 1" của chương trình tiêm chủng mở rộng có thành phần ho gà toàn tế bào nên dễ gây phản ứng mạnh hơn. Tuy nhiên, thành phần ho gà toàn tế bào lại cho hiệu quả miễn dịch, bảo vệ trẻ tốt hơn.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five cũng tương tự vắc-xin Quinvaxem đã sử dụng trước đây và nằm trong tỉ lệ đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới với vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào.

GS Đức Anh khẳng định giống như thuốc, không có một loại vắc-xin nào sau khi tiêm chủng lại không có phản ứng. Với vắc-xin ComBE Five, sau tiêm trẻ có thể sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm. Đây là những phản ứng thông thường với tỉ lệ tới 50%. Cũng có thể gặp phản ứng nặng như sốt cao, co giật, phản ứng phản vệ. Các trường hợp này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Có trường hợp trẻ tiêm cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc-xin nhưng có trẻ phản ứng sau tiêm rất nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Theo GS Đức Anh, đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người, chứ không do chất lượng vắc-xin. Ngoài ra, có thể gặp những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác trong thời điểm tiêm chủng nên phụ huynh cần thông báo đầy đủ về bệnh của trẻ.

"Không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối nhưng vắc-xin hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Nếu không được tiêm vắc-xin, trẻ có thể mắc những bệnh truyền nhiễm, để lại hậu quả nặng nề. Với những trẻ đã phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước, các bà mẹ cần thông báo với cán bộ y tế để được tư vấn sử dụng loại vắc-xin khác có thành phần tương tự. Các trường hợp trẻ đang ho, sốt… cần hoãn tiêm" - GS Đức Anh lưu ý.

Hiện Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc-xin "5 trong 1" trong Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc là vắc-xin ComBE Five và vắc-xin SII đều của Ấn Độ.

Đến đầu tháng 7-2019, khoảng 14.000 trẻ tại 6 tỉnh, thành được tiêm vắc-xin SII. Các trường hợp này đều an toàn, chỉ ghi nhận các ca phản ứng nhẹ, một số rất ít sốt 39 độ C sau tiêm nhưng trong thời gian ngắn.


Theo NGỌC DUNG - CAO NGUYÊN - ĐỨC NGỌC

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên