MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để đạt mục tiêu 50% lao động tham gia Bảo hiểm xã hội?

04-09-2016 - 07:45 AM | Xã hội

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã làm việc với các vụ, cục của Bộ để thiết kế, đổi mới chính sách để “lôi kéo” người lao động tham gia BHXH.

Trong buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 21-NQ/TW còn hết sức khó khăn, do các giải pháp mở rộng đối tượng này chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức.

Đặc biệt, trong số 10 triệu lao động có hợp đồng lao động, có tới 2 triệu không đóng BHXH. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan phải tập trung tìm giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam có cao?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, câu chuyện tăng số lượng người tham gia BHXH không phải đặt riêng đối với ngành LĐTBXH, mà cần sự vào cuộc của rất nhiều đối tác khác trong xã hội.

Về thực tế trong số 10 triệu lao động có hợp đồng lao động nhưng chỉ có 8 triệu đóng BHXH, cần làm rõ: Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động như thế nào trong việc né tránh, trốn đóng BHXH? Trách nhiệm của công đoàn như thế nào? Vì trong Luật BHXH cũng quy định trách nhiệm của công đoàn có quyền khởi kiện, giám sát; trách nhiệm của cơ quan nhà nước là Bộ LĐTBXH thiết kế những chính sách như thế nào để người lao động có thể tham gia gia BHXH.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã làm việc với các vụ, cục của Bộ để thiết kế, đổi mới chính sách, làm sao để tăng số lượng người tham gia BHXH.

“Chúng tôi nghe bình luận về tỷ lệ đóng BHXH tại Việt Nam rất cao so với các nước xung quanh. Đây cũng có thể là lý do làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh, cụ thể như ngành dệt may. Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp lớn, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam cũng không than phiền về vấn đề đóng BHXH với tỷ lệ cao” – ông Doãn Mậu Diệp nói.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lý giải: Vì tiền lương cơ sở đóng BHXH của ta không phải là cao. Tỷ lệ thì cao, nhưng mức tuyệt đối chưa hẳn đã cao. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, nơi có chi phí lao động giá rẻ. Chẳng hạn như tỷ lệ đóng BHXH ở Thái Lan có 6%: 3% từ phía người lao động, 3% từ phía người sử dụng lao động; nhà nước có thể hỗ trợ 1%, người lao động có thể đóng thêm 9%.

Nhưng nếu đọc kỹ Luật BHXH của Thái Lan, khi tham gia chỉ xử lý có 3 chế độ là: tiền lương hưu, tai nạn và tử tuất. Các chế độ khác không có. Theo quy định của BHXH Thái Lan, tiền lương hưu chỉ bằng 20% mức tham gia BHXH. Nếu áp dụng mức 20% đối với người lao động Việt Nam khi nghỉ hưu, thì không biết hưu trí của ra sống thế nào. Hiện nay chúng ta tính cao nhất là 75%. Nhưng đối với rất nhiều người về hưu, nếu hằng năm Nhà nước không điều chỉnh tăng lương hưu thì chắc chắc cuộc sống của họ rất khó khăn.

“Chúng ta có thể hạ thấp tỷ lệ đóng như thế, nhưng sau này nghỉ hưu hưởng 20% thì chắc chắn người lao động không chấp nhận, tổ chức công đoàn cũng không chấp nhận. Chúng ta đã có bài học về quỹ bảo hiểm nông dân của Nghệ An trước đây với mức tham gia rất thấp, mức hưởng thấp nên về sau họ không tham gia nữa. Sau đó, Bộ LĐTBXH đã phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chuyển quỹ BHXH của nông dân sang BHXH có phần hỗ trợ của nhà nước” – ông Doãn Mậu Diệp chia sẻ thêm.

Làm sao để BHXH hấp dẫn người lao động?

Về giải pháp của Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng khẳng định: Bộ sẽ thiết kế chính sách để làm sao người lao động có thể tham gia BHXH nhiều hơn. Ngay trong luật BHXH cũng quy định nhóm đối tượng hỗ trợ tham gia BHXH.

Ví dụ, Luật quy định lao động có thể linh hoạt chuyển từ BHXH bắt buộc khi không có quan hệ lao động sang bảo hiểm tự nguyện. Khi kết thúc tự nguyện, có hợp đồng lao động, người lao động có thể tham gia BHXH bắt buộc, cho nên rất linh hoạt giữa các hình thức.

Bộ LĐTBXH cũng khuyến nghị, đối những lao động đóng BHXH bắt buộc mà không muốn họ rời hệ thống, thì nên có chính sách hỗ trợ về mức đóng để họ tham gia bảo hiểm tự nguyện. Khi họ chuyển từ tự nguyện sang BHXH bắt buộc cũng nên có chính sách hỗ trợ.

Đối với các doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi, nơi khó khăn, tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số, cũng cần triển khai đầy đủ theo quy định về mức hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp./.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Với Việt Nam, hiện BHYT bao phủ được trên 79%, BHXH mới đạt 25% là quá thấp. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 90% dân số tham gia BHYT, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính trong giám định, khám chữa bệnh bằng BHYT; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của BHYT để thu hút nhiều người dân tham gia BHYT. Khoảng 25% người tham gia BHXH với 10 triệu người có quan hệ lao động hiện nay là rất đáng báo động. (Nguồn: BHXH Việt Nam)

Theo Lệ Thìn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên