MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để không phải “giải cứu” nông sản khi Trung Quốc dừng mua?

Việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này dừng thu mua khiến nông sản Việt Nam rớt giá mạnh và phải đổ bỏ.

Trong năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 trong số 5 quốc gia sản xuất rau quả lớn nhất tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam đang quá phụ thuộc thanh long và lượng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của công ty Fine Fruit Asia, 82% giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam là từ quả thanh long mà trong đó 91% cầu xuất khẩu là từ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây là một thị trường được đánh giá là vô cùng bất ổn, bởi lẽ phần lớn đối tượng thu mua nông sản Việt Nam là các thương lái trung gian với tình hình mua bán không ổn định. Nếu Việt Nam tiếp cận được với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng thì việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ổn định hơn.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn là bạn hàng mang lại nhiều rủi ro cho ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Điển hình như việc nhiều lần, cộng đồng trong nước phải "giải cứu" nông sản như: Chuối, thanh long, dưa hấu và cả thịt lợn,... do rau quả xếp hàng dài tại cửa khẩu nhưng không thông quan được.

Liên tục phải "giải cứu" nông sản


 Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam

Hội thảo "Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam"

Tại Hội thảo "Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam", ông Nigel Smith, Tổng Giám đốc công ty TNHH Fine Fruit Asia cho rằng: "Chính sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu một sản phẩm chính gây nên hạn chế phát triển các sản phẩm khác của Việt Nam".

Đồng thời, sự thống trị cầu xuất khẩu của Trung Quốc cũng góp phần gây nên bất lợi cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Trong khi đó, kênh thị trường trong nước vẫn còn phân mảnh, thống trị bởi thị trường bán buôn/bán lẻ như câu chuyện thịt lợn người nuôi bán ra thì rẻ nhưng người dân mua vào vẫn đắt cho thấy vấn đề của kênh phân phối tại Việt Nam.

Lực lượng sản xuất chính trong ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn là các hộ nông dân nhỏ lẻ khiến việc hợp tác và sản xuất tập trung còn hạn chế. Điều này gây ra mối quan hệ không ổn định giữa nhà sản xuất và xuất khẩu cũng như sự chấp nhận và đầu tư hạn chế của nông dân trong các mô hình sản xuất an toàn do thiếu động cơ thị trường.

Điều này cũng dẫn đến việc ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải lựa chọn nhắm mục tiêu vào các thị trường chất lượng thấp hoặc kiểm soát sản xuất nông nghiệp của mình chứ không xuất khẩu được sang các thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay châu Âu.

Giải pháp nào?

Bàn về giải pháp để không phải "giải cứu" nông sản khi Trung Quốc dừng thu mua, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Các quốc gia ôn đới như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường có mùa vụ từ mùa xuân cho đến tháng 9 hàng năm, vì vậy từ 5 năm trước, Bộ NN&PTNT đã chủ trường nước ra sẽ trồng rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 để đáp ứng nhu cầu của các thị trường lân cận".

Tuy nhiên, do mô hình trồng trọt tự phát nên nhiều nông hộ chưa nắm được thông tin dự báo thị trường dẫn đến nuôi trồng ồ ạt đúng vào thời điểm Trung Quốc cũng vào chính vụ khiến có loại nông sản rớt giá còn 1.000 - 2.000 đồng/kg và phải đổ bỏ.

Ngoài việc tránh thị trường lớn dừng mua sản phẩm của Việt Nam mà ngay cả thị trường trong nước cũng phải phân bổ và rải vụ để tránh tình trạng được mùa rớt giá. Tại khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNN đã thành lập Ban chỉ đạo rải vụ.

Riêng với mặt hàng thanh long, Bộ NN&PTNT đã giao Sở NN tỉnh Bình Thuận làm trưởng nhóm, họp các tỉnh có trồng thanh long để rải vụ tránh để thu hoạch ồ ạt.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng chủ trương đa dạng hoá các giống rau củ và tăng cường trồng hoa quả rải vụ để thu hoạch trái mùa.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng hơn là nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như cấp tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng,...

Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành chính sách nhằm khuyến khích nuôi trồng theo chuỗi liên kết, nếu doanh nghiệp là chủ sở hữu từ vùng nguyên liệu, đến sơ chế, bảo quản thì chỉ cần cấp chứng nhận chất lượng một lần nhằm đơn giản hoá thủ tục cho doanh nghiệp.

Cần liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để nâng cao quy mô vùng sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu giống,...Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như Na Foods đã chiếm được thị phần xuất khẩu khá lớn trên trên thế giới.

"Về thị trường nội địa, chúng ta đang đối mặt với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu. Để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, các hệ thống bán lẻ lớn như Coop Mart hay Vinmart và các thương hiệu mới nổi đang xây dựng hệ thống cửa hàng bán rau quả sạch, rau quả truy xuất nguồn gốc và rất "được lòng" người tiêu dùng", ông Đức cho biết.

Theo Nguyễn Thắm

Bizlive

Trở lên trên