MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để bắt đầu cuộc sống không rác thải? Một việc không dễ song đáng để thực hiện!

12-05-2018 - 09:52 AM | Sống

Có bao giờ bạn nghĩ đến một cuộc sống không rác thải (zero waste) và đến việc tích cực tham gia đóng góp vào giảm thiểu sự phát thải carbon ra môi trường? Công việc này đòi hỏi nhiều hơn xu hướng dùng lọ thuỷ tinh để cất trữ thực phẩm đang thịnh hành, mua thực phẩm tươi ở các chợ nông sản, và tự chế các đồ dùng tận dụng từ những vật dụng có sẵn....

Đó là lối sống vươn tới những trải nghiệm đầy ý nghĩa và coi sự bền vững của môi trường là điều đầu tiên cần xét tới. Có lẽ bạn cũng từng có ý nghĩ này. Song nếu không có những kiến thức cơ bản và sự chỉ dẫn, việc đột ngột từ bỏ lối sống lệ thuộc vào đồ nhựa ,cách mua sắm, làm sạch và ăn uống thông thường sẽ có thể gây ra cho bạn sự hụt hẫng trong cuộc sống.

Trước khi bước vào cuộc sống không rác thải, điều quan trọng cần tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của những người đã tiên phong về lĩnh vực này.

Từ những lời khuyên về bếp núc đến các sản phẩm thiết yếu nhất, dưới đây là một số chia sẻ quý báu của sáu chuyên gia theo lối sống không rác thải. Những lời khuyên này còn giúp bạn tháo gỡ những quan niệm sai lầm nói chung về lối sống này và sẵn sàng sống ít lãng phí...

Lối sống không rác thải là gì?

Có khả năng bạn đã nghe nói những từ này song có thể bạn chưa hiểu rõ hoàn toàn. Lối sống không rác thải không đơn giản về việc ăn sạch và thanh lý các đồ dùng bằng nhựa mà nó bao hàm việc thực hiện một phương cách sống tối giản, có suy tính.

Như Beha Johnson, một blogger và tác giả của cuốn sách bán chạy Zero Waste Home (Ngôi nhà Không Rác thải), chia sẻ: "Không rác thải nhằm hướng tới xoá bỏ rác thải gia đình ở mức tối đa có thể. Rút cục đó là chuyển sang một cuộc sống đơn giản song giàu có hơn dựa vào trải nghiệm thay vì sở hữu nhiều đồ đạc".

Được tờ The New York Times mệnh danh là "Bậc thầy về lối sống không rác thải", Johnson và gia đình của cô đã giảm lượng rác thải của gia đình mình xuống còn một lọ cỡ 1/4 lít mỗi năm. Song như Megean Weldon giải thích, sống cuộc sống không rác thải bao hàm nhiều hơn việc cố gắng phấn đấu giảm lượng rác thải vừa vặn thể tích của một chiếc lọ.

Một công trình nghiên cứu được đăng tải trên tập san Science Advances năm 2017 chỉ ra rằng 91% nhựa trên thế giới không được tái chế và khoảng 79% được luân chuyển đến các bãi rác hay những nơi khác trong môi trường. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nếu tốc độ tiêu thụ và tái chế như vậy tiếp tục kéo dài, đến năm 2050 sẽ có thêm khoảng 12.000 tấn phế thải nhựa chất đầy các bãi rác. Vì vậy, bất cứ việc làm giảm thiểu rác thải dù nhỏ nào cũng sẽ hữu ích.

"Tất cả phụ thuộc vào sự thay đổi tầm nhìn của chúng ta. Thay đổi cách chúng ta cảm nhận về mức tiêu thụ và cách thức chúng ta định giá trị của những thứ mà chúng ta đưa vào cuộc sống của mình", đó là ý kiến của bà Weldon, người đã thực hiện lối sống hạn chế tối đa rác thải sau khi tham gia dọn rác ở khu phố vào năm 2015.

Vậy nên bắt đầu như thế nào?

Bạn có thể choáng ngợp nếu bắt đầu bằng chỉ tiêu loại bỏ ngay lượng phế thải có hại mà bạn sản xuất mỗi ngày. Điều quan trọng là bắt đầu từ việc nhỏ và tìm cách tiến tới các mục tiêu bền vững lớn hơn.

Như một vài những người đã lâu năm theo đuổi lối sống phi rác thải nhấn mạnh " không ai có thể chóng vánh đạt được mục tiêu nói không với rác thải". Song có những bước bạn có thể áp dụng để thay đổi lối sống của mình.

Luôn ghi nhớ nguyên tắc "5R"

Trong nhiều năm trời, bà Johnson đã lập một danh mục 100 mẹo giảm lượng rác thải gia đình. Theo bà, 5R là 5 nguyên tắc ai muốn bắt đầu lối sống phi rác thải cần bắt đầu. Refuse - Từ chối cái bạn không cần. Reuse - Dùng nhiều lần. Recycle - Tái chế cái bạn không thể từ chối, không thể giảm hay không thể tái sử dụng. Rot - phân huỷ những thứ còn lại như học cách ủ phân.

Bà Johnson bắt đầu cuộc sống phi rác thải của mình từ năm 2006 sau khi chuyển nhà từ ngoại ô đến thành phố buộc gia đình bà phải cất phần lớn đồ đạc vào trong kho và sống chỉ với những đồ dùng thiết yếu. "Khi tìm được ngôi nhà ưng ý, chúng tôi lôi những thứ trong kho ra và thấy rằng 80% những vật dụng đó chúng tôi thậm chí chẳng đoái hoài đến", bà tâm sự.

Tập nói không với những thứ nhỏ nhặt

Dù là một tấm danh thiếp ở cuộc họp, một ống hút ở nhà hàng, một túi nhựa ở cửa hàng hay một chiếc bút lấy từ hội nghị, theo bà Johnson việc nhận thức và từ chối rác thải, dù nhỏ thế nào, có ý nghĩa quan trọng. "Lần sau ai đó trao cho bạn gì đó, hãy nghĩ bạn có thực sự cần nó?", bà nói.

Bắt đầu ăn thực phẩm tươi, tự nhiên

Khi nói đến bếp núc, Anne Marie Bonneau, chủ blog về nấu ăn phi rác thải với tên gọi The Zero - Waste Chef (Đầu bếp Không Rác thải) khuyên mọi người hãy hạn chế dùng thực phẩm chế biến và hãy dùng đồ tự nhiên. "Hãy bắt đầu ăn các loại thực phẩm thực sự như hoa quả, rau, và bất cứ thứ gì không đóng gói", bà nói.

Bắt đầu thực hiện lối sống không rác thải vào năm 2011 sau khi nhận ra rằng nhựa phế thải chất đống đang gây ô nhiễm cho đại dương và đe doạ đến sự sống của động vật, bà Bonneau cho biết bà ăn uống lành mạnh hơn kể từ khi hạn chế dùng đồ đóng gói.

Cố gắng sử dụng mọi thứ ở mức tối thiểu

Một giám đốc dự án rác thải không ở Los Angeles, California, giải thích: "Tôi sử dụng rất ít nước rửa bát, bột giặt, xà phòng tắm và thuốc đánh răng."

Từng làm việc ở ban quản trị dây chuyền cung cấp của một cửa hàng bán lẻ, Levy đã quyết định theo lối sống phi rác thải sau khi chứng kiến những khối lượng rác thải lớn được tạo ra ở cửa hàng của mình mỗi ngày. "Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng được thiết kế để phân phối hay khuyến khích bạn sử dụng theo cách hơn là bạn cần trên thực tế", anh nói.

Tham gia cộng đồng những người theo chủ nghĩa không rác thải

Làm thế nào để bắt đầu cuộc sống không rác thải? Một việc không dễ song đáng để thực hiện!  - Ảnh 1.

Để được truyền thêm sinh khí và có thể học hỏi từ những lời khuyên bổ ích của những người khác, bạn nên tham gia cộng đồng những người theo chủ nghĩa phi rác thải trực tuyến hay ngoại tuyến.

"Tôi theo dõi nhiều tài khoản trên mạng Instagram và tham gia một vài nhóm trên Facebook, bà Monica Rosquilass, người viết blog về sống bền vững "Girl for A Clean World" nói: "Những diễn đàn này truyền cảm hứng hàng ngày cho tôi."

Các đồ dùng thiết yếu hàng ngày luôn được khuyến khích sử dụng

Mặc dù nhiều đồ bạn sở hữu có thể tái sử dụng vào mục đích khác, bạn nên hạn chế sử dụng đồ dùng một lần bằng đầu tư vào các đồ bền. Dưới đây là một số đồ dùng thiết yếu:

Làm thế nào để bắt đầu cuộc sống không rác thải? Một việc không dễ song đáng để thực hiện!  - Ảnh 2.

1. Bình nước

Chai nhựa có thể nằm trong những thứ đầu tiên cần loại bỏ. Năm 2017, tờ The Guardian đã đưa tin người tiêu dùng trên toàn thế giới trung bình mua một triệu chai nhựa mỗi phút . Nếu người tiêu dùng không hạn chế sử dụng chai nhựa và đầu tư mua bình đựng nước dùng nhiều lần, con số này có thể tăng thêm 20% vào năm 2021.

Vậy lời khuyên là bạn hãy mua và sử dụng bình đựng nước cách nhiệt có thể giữ cả đồ uống nóng và lạnh.

2. Chai, lọ thuỷ tinh

Khi trữ đồ ăn hay thức uống hay các đồ dùng khác, hãy cố gắng xoá bỏ thói quen sử dụng túi ni lông hay hộp nhưạ và thay thế vào đó sử dụng lọ thuỷ tinh. Bạn có thể tái sử dụng các lọ thuỷ tinh đựng nước sốt hay mayonnaise.

3. Sử dụng túi bằng vải

Túi bằng vải rất hữu ích để đựng, mang và mua nhiều đồ. Việc sử dụng túi tote bằng vải còn làm giảm việc sử dụng túi giấy và túi ni lông khi đi chợ. Điều quan trọng, bạn hãy luôn ghi nhớ mang theo chúng bên mình.

4. Dùng các ống hút và các đồ dùng có thể tái sử dụng

Cần phải chấm dứt sử dụng các ống hút dùng một lần, theo chuyên gia Kellogg. "Nếu bạn thích dùng ống hút và uống nhiều smoothie, bạn có thể lựa chọn ống hút có thể tái sử dụng được làm bằng tre, thép không gỉ, thuỷ tinh và silicone", cô nói. Tương tự đối với các đồ dùng khác cũng vậy.

5. Khăn mùi xoa

Hãy noi gương thế hệ trước đây là luôn sử dụng khăn mùi xoa. Những miếng vải nhỏ bé hữu ích này tiện lợi và có thể giảm thiểu tối đa việc sử dụng giấy ăn.

Những quan niệm sai lầm về cuộc sống không rác thải

Việc theo đuổi lối sống phi rác thải rõ ràng đóng góp lớn vào bảo vệ môi trường, song có một vài quan niệm sai lầm về lối sống này dễ dàng cản trở nhiều người đi theo con đường này.

Tiêu tốn thời gian và tiền bạc

Một trong những quan niệm sai lầm về cuộc sống không rác thải đó là sự tốn kém, điều mà theo chuyên gia Johnson là hoàn toàn sai sự thực. Bà nói: "Chúng tôi thấy rằng lối sống không rác thải thực tế tiết kiệm cho ngân sách chung của mình 40%. Chúng ta tiêu thụ một cách ít đi so với trước đây và khi chúng ta định mua gì đó thì chỉ nhằm mục đích thay thế."

Phải hy sinh bản thân

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác về lối sống phi rác thải là bạn cần phải giỏi nấu nướng và hay phải thường xuyên khước từ thú vui ăn uống, theo bà Bonneau.

Chuyên gia Levy cũng nhấn mạnh rằng anh không cảm thấy phải hy sinh vì theo lối sống này. "Đúng là cần phải thực hành nhiều và tận tâm để đi được cái đích ngày hôm nay, song điều tôi muốn nói tôi chỉ cần nỗ lực 10% để giảm 90% rác thải."

Dù gì bạn cũng sẽ tạo ra rác thải

Sống cuộc sống phi rác thải là một việc làm không dễ song đáng làm.

Chuyên gia Rosquillas nhắc nhở chúng ta rằng những từ như "không rác thải" hơn là một động cơ có lý tưởng mà mục tiêu chung cuối cùng đơn giản là giảm tối đa lượng rác thải mà bạn tạo ra. "Hay ghi nhớ đó là một con đường dài, vì vậy đừng trách cứ bản thân khi vô tình tạo ra rác", bà nói.

"Hãy cố gắng ở mức có thể và bắt đầu từ việc làm nhỏ. Những hành động nhỏ của hàng trăm người sẽ đem tác động cộng hưởng. Hãy kiên nhẫn và vui vẻ!", đó là thông điệp của chuyên gia Kellogg.

Xuân Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên