Làm thế nào để hàng Việt vào được siêu thị ngoại?
Sau khi các hệ thống bán lẻ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của Việt Nam rất khó có cơ hội thâm nhập vào kênh bán lẻ hiện đại.
- 29-05-2016Hàng tiêu dùng Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường Việt
- 25-05-2016Hàng Việt vào Mỹ nhắm con số 57 tỉ USD
- 11-05-2016Doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại
Đến thời điểm này, hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại trong nước đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Trong đó, chỉ riêng “đại gia” bán lẻ Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi, bao vây thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhiều người lo ngại nguy cơ hàng Việt sẽ bị đánh bật, hoặc khó chen chân vào các siêu thị ngoại đang hoạt động tại Việt Nam.
Những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thương vụ chuyển nhượng lớn và thành công như: Metro về tay các tập đoàn Thái Lan, rồi sự xuất hiện ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Aeonmall, Lottemart...
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, sau khi các hệ thống bán lẻ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của Việt Nam rất khó có cơ hội thâm nhập vào kênh bán lẻ hiện đại. Hiện tại, một số siêu thị như Metro, Big C, Lotte, Aeon… hàng ngoại luôn chiếm ưu thế.
Đó không chỉ là những sản phẩm cao cấp, công nghệ cao mà còn có cả những vật dụng thông thường như nước rửa chén, bàn chải chà sàn nhà tắm... với chất lượng tốt, tiện dụng, giá thành hợp lý với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam. Điều đáng nói là để chiếm thế áp đảo hàng Việt, các siêu thị ngoại đang tìm mọi cách thu phí, tăng phí đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, phân phối độc quyền miền Bắc nước mắm Phú Quốc nhãn hiệu Thanh Quốc cho biết, từ khi một số hệ thống bán lẻ trong nước về tay các nhà đầu tư nước ngoài, thì doanh nghiệp phải chấp nhận mức chiết khấu là 15%.
Đây là mức chiết khấu tương đối lớn với các sản phẩm nông nghiệp, đã ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng những đòi hỏi của siêu thị như liên tục tăng chiết khấu, phí mở mã hàng, phí hỗ trợ các chương trình sinh nhật, khuyến mãi...
“Có những khó khăn nhất định, thứ nhất là khâu truyền thông của Việt Nam cho các sản phẩm thuần Việt còn đang hạn chế, nhiều người tiêu dùng không biết đến các sản phẩm có giá trị của Việt Nam. Thứ 2 là khi bước chân vào các siêu thị, mức chiết khấu mà các siêu thị và hệ thống bán lẻ đòi hỏi rất lớn và rất khó để cho doanh nghiệp thương mại tiếp cận được, như vậy kéo theo một điều người tiêu dùng khó có cơ hội để lựa chọn các sản phẩm tốt”, ông Thành cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khi các nhà đầu tư ngoại nắm được các hệ thống phân phối, bán lẻ thì việc ưu tiên cho hàng nước họ là đương nhiên.
Chẳng hạn, theo tính toán của ông Phú, với việc nắm trong tay hàng loạt trung tâm phân phối và bán lẻ, từ Metro đến Big C, B’smart, “đại gia” bán lẻ Thái Lan đã nắm trong tay hơn 50% thị trường bán lẻ Việt Nam. Phần còn lại là của các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật, Pháp... Do đó, doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải tích cực cải tiến mẫu mã, sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành.
“Sản xuất phải gắn kết với hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối phải tốt, phải mạnh, phải thành chuỗi để quản lý chất lượng hàng hóa, thương hiệu của mình. Muốn vào được siêu thị buộc các doanh nghiệp nội phải cạnh tranh với hàng ngoại, hoặc buộc cạnh tranh với những hàng nội tốt. Chúng ta phải tự vươn lên ở bản thân mình, so sánh giá cả, chất lượng, tiếp thị, trách nhiệm với tiêu dùng và phải luôn luôn đổi mới”, ông Phú đề cập.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, xu hướng hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, làn sóng mua bán, sáp nhập cũng sẽ mạnh lên theo. Với việc doanh nghiệp ngoại đang chiếm đến 70% thị phần siêu thị, Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh khi hướng tới nền kinh tế thị trường. Không thể phủ nhận sự thâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo ra những thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước, song đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước học hỏi về quản trị vốn và hệ thống hoạt động.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, để tham gia vào cuộc chơi bình đẳng, các nhà bán lẻ nội địa cần nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, phải liên kết lại với nhau để tạo thế đối trọng với các nhà bán lẻ nước ngoài. Liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, tận dụng những lợi thế hiểu biết nhu cầu của người Việt, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh để hàng hóa có thể vào được các kênh phân phối của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.
“Các nhà sản xuất phải hết sức nỗ lực để sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh được một cách bình đẳng, ngang ngửa với các sản phẩm ngoại nhập. Chúng tôi rất mong muốn các nhà sản xuất có những sản phẩm mới lạ, độc đáo, đảm bảo được tiêu chí về số lượng, thời gian giao hàng, chất lượng ổn định cũng như cải tiến hơn nữa về mặt bao bì và hình thức của sản phẩm”, bà Loan cho hay.
Trong bối cảnh hội nhập, việc sáp nhập, chuyển đổi là lẽ đương nhiên. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần quan tâm đến đánh giá của khách hàng về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp, từ đó có chiến lược sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, để dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh với hàng hóa của nước ngoài ngay tại đất nước mình./.
VOV