MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để nhảy việc không bị "hụt chân"? Chuyên gia nhân sự chỉ ra yếu tố tưởng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được!

24-11-2018 - 10:22 AM | Sống

Bà Nguyễn Phương Mai - giám đốc điều hành Navigos - cho rằng, để không bị "hụt chân" khi nhảy việc, người lao động cần hiểu rõ khả năng của mình và yêu cầu của công việc sắp tới. Và quan trọng là "ra đi" trong lịch sự, xây dựng hình ảnh cá nhân cho mình.

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Bí quyết nhảy việc: "Cuộc sống bế tắc hay cuộc đời nở hoa", tất cả phụ thuộc vào bạn!" do CafeF phối hợp với báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức, một bạn trẻ đặt câu hỏi về những sai lầm mà người lao động thường gặp khi nhảy việc và mong muốn các chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn về cách lựa chọn thời điểm thích hợp để nhảy việc.

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành dịch vụ tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search đã chia sẻ: "Nếu nói sai lầm thì quay lại câu chuyện về sếp, nếu một bạn nhân việc chuyển đi hay ở chỉ đơn thuần vì không hài lòng với sếp thì dễ dẫn tới một quyết định sai lầm khi chọn bước đi tiếp theo của mình. Bạn đưa ra quyết định dựa theo yếu tố tình cảm nhiều hơn, thì cũng giống như mọi quyết định mình đưa ra trong đời nếu quá cảm tính thì dễ bị sai.

Tôi thích câu nói của Hùng (một khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến), quan trọng là bạn chọn công việc tiếp theo vì điều gì, có thực sự sẽ phát triển bản thân bạn hay không. Một người còn có thể mắc sai lầm khi đưa ra quyết định dựa trên lời mời chào hoành tráng bên ngoài, nhưng không cân nhắc năng lực cá nhân của bạn đến đâu".

Bà Mai phân tích, nếu như nơi bạn dự định đi đến đòi hỏi kỹ năng kinh nghiệm thuộc sở đoản của bạn thì đó là sai lầm lớn. Dù đó là lời mời hấp dẫn như thế nào, sang môi trường mới không được sử dụng sở trường của mình thì bạn cũng sẽ sớm thất bại mà thôi.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi công việc mà không tìm hiểu, cân nhắc môi trường làm việc của nơi mới, môi trường không tạo được những năng lực tích cực và sự hứng khởi để làm việc thì rõ ràng mỗi ngày làm việc của bạn là mỗi ngày "chịu đựng", chỉ là cắm đầu vào làm những gì công ty yêu cầu một cách không thoải mái. Bà Nguyễn Phương Mai cũng chia sẻ một câu nói có lẽ rất nhiều người từng biết: "Khi bạn yêu công việc thì bạn không phải đi làm ngày nào cả".

Làm thế nào để nhảy việc mà không bị "hụt chân"?

Làm thế nào để nhảy việc không bị hụt chân? Chuyên gia nhân sự chỉ ra yếu tố tưởng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được! - Ảnh 1.

Trong buổi giao lưu, chuyên gia nhân sự Phương Mai tư vấn cho những người trẻ những điều cần chuẩn bị cả về tâm lý và hành động để đưa ra quyết định đúng đắn, không bị "hụt chân" khi tìm tới bến đỗ mới.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, trước khi rời khỏi một công ty, người lao động cần hiểu rõ cơ hội, chuyển sang công việc mới sẽ đáp ứng cho mục đích gì trong tương lai. Liệu môi trường mới có thể giúp ích cho sự phát triển của họ như thế nào?

"Giả sử đã có một lời mời trong tay, điều mà người nhảy việc cần chuẩn bị là phải hiểu rõ yêu cầu công việc mới sắp tới, đâu là những yếu tố đòi hỏi năng lực kinh nghiệm ở công việc đó để có thành công. Từ đó, đối chiếu với bản thân xem có đủ khả năng làm được, đạt được những thước đo thành công mình sắp sửa đảm nhận hay không", bà Mai phân tích.

Những người có ý định nhảy việc cần tìm hiểu ngành nghề, công ty mà mình chuẩn bị gia nhập có môi tường văn hóa như thế nào, sếp như thế nào, phải làm việc như thế nào để tỏa sáng. Bên cạnh đó, còn phải tìm hiểu về những đối thủ cạnh tranh của công ty mà mình đầu quân, mình sẽ đóng góp và giúp họ vượt lên đối thủ cạnh tranh như thế nào.

Ngoài ra, chúng ta sẽ đối xử với công ty hiện tại như thế nào? Biết đâu đó, công ty mà mình chuẩn bị rời đi sẽ là khách hàng, đối tác quan trọng thậm chí là nơi mình có thể quay lại trong tương lai. Hành xử một cách chuyên nghiệp là điều quan trọng nhất, dù đi nhưng vẫn để lại ấn tượng trong mắt sếp cũ, đồng nghiệp cũ".

Bà Mai khuyên những người đang có ý định nhảy việc cần nhớ 1 điều quan trọng là: ""Ra đi" như thế nào cũng cần phải xây dựng hình ảnh cá nhân, nếu mình gây tổn hại cho công ty thì "tiếng xấu" đấy sẽ theo mình đến hết đời. Có một lần thì cũng có thể hai lần. Nếu đã không làm đúng việc này thì cũng có việc khác. Ứng xử ra sao sẽ hình thành tính cách và quyết định tương lai của chính mình".

Minh An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên