MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để Việt Nam thực hiện giấc mơ thành quốc gia “thượng đẳng”?

Trên thế giới, hiếm có một nước nào có dân số đông, thống nhất cao về văn hoá, ngôn ngữ lại nằm giữa một vùng phát triển năng động như Việt Nam. Với những tiềm năng như vậy, chúng ta có thể hi vọng đất nước mình vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh không? Để hiện thực hoá giấc mơ đó, cần những điều kiện gì, chuẩn bị tiền đề gì?

Đây là những câu hỏi của giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Tokyo) khi ông suy nghĩ về sự phát triển của Việt Nam. Trong bài viết của mình, ông không ngừng nhìn tiềm lực của Việt Nam, so sánh với các quốc gia khác và trăn trở. Bởi lẽ, Việt Nam từng cùng hoặc hơn xuất phát điểm của một số nước mà ví dụ có thể kể đến là Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi nhìn lại, Việt Nam đã bị bỏ xa.

Kinh nghiệm của thế giới về “quốc gia thượng đẳng”

Từ kinh nghiệm thế giới, GS. Trần Văn Thọ cho rằng muốn trở thành một quốc gia “thượng đẳng”, lãnh đạo của quốc gia phải mang trong mình giấc mơ này.

Điều này đã được chứng thực qua trường hợp ở Nhật Bản vào thời Minh Trị khi quốc gia này ý thức được mình “nhược tiểu” trước các nước Âu Mỹ. Họ đã quyết tâm học tập phương tây, cải cách thể chế, đưa Nhật trở thành một quốc gia thượng đẳng (chữ được dùng lại của các nhà nghiên cứu khi nói về hoài bão của lãnh đạo thời Minh Trị), tránh nguy cơ lệ thuộc nước ngoài.

Hay câu chuyện ở Hàn Quốc những năm 1960. Thời điểm đấy, Hàn Quốc về cơ bản giống Việt Nam, nghèo, lạc hậu, bị tàn phá sau chiến tranh. Với tinh thần dân tộc cao độ, họ đã quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi vị trí thấp kém, đặt ra phương châm học tập Nhật, Mỹ, cải tổ về nhân sự, chiến lược...

Và cả hai trường hợp trên đã thành công. GS. Trần Văn Thọ cho rằng ở mỗi khúc ngoặt lịch sử, vai trò của người lãnh đạo và trí thức vô cùng quan trọng. Nếu những người này dám mơ những giấc mơ lớn, thì đất nước đó cũng có cơ hội được trở mình, vươn lên.

Một ví dụ khác được ông đưa ra là chuyện lãnh đạo Indonesia đã nói về “nền kinh tế 1.000 tỷ USD”, một nền kinh tế đủ lớn để có ảnh hưởng nhất định trên thế giới. Năm 2014, GDP của Indonesia là 851 tỷ USD, chỉ vài năm nữa họ có thể đạt được điều này. Tuy nhiên, lãnh đạo nước này vẫn nhấn mạnh vào cái mốc đó để khơi dậy sự phấn chấn trong dân chúng, tạo khí thể đưa đất nước tiến xa hơn.

Hay như những năm gần đây, Hàn Quốc lại tiếp tục gây chú ý với những mục tiêu của mình như “đồng hành cùng thế giới và trở thành quốc gia được thế giới kính trọng”, “tiến vào trung tâm của thế giới”...

Theo nhận xét của GS. Thọ, việc đưa ra những thông điệp, mục tiêu rõ ràng, khả thi, dễ hiểu, đáp ứng được giấc mơ của người dân sẽ làm dấy lên không khí phấn chấn, tin tưởng trong xã hội.

Và chuyện ở Việt Nam...

Trở lại câu chuyện của Việt Nam, theo GS. Trần Văn Thọ, nếu so với tình trạng thiếu ăn trong khoảng 10 năm đầu và còn tới 70% dân số thuộc hộ nghèo vào cuối thập niên 1980 thì tình hình hiện nay đã có cải thiện vượt bậc.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cho rằng để đạt được điều đó, Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian. Lấy Hàn Quốc để so sánh, ông cho biết Hàn Quốc bước ra khỏi chiến tranh năm 1953, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói, nhưng 43 năm sau, họ đã phát triển thành nước thu nhập cao và trở thành thành việc của OECD, thường được gọi là CLB của các nước giàu.

Bởi Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được, GS. Thọ đặt ra vấn đề Việt Nam vì cớ gì lại không thực hiện được. Hiện Việt Nam đang được các tổ chức của thế giới đánh giá là tăng trưởng với tốc độ cao, nằm trong top cao nhất nhưng vì trình độ phát triển hiện nay thấp nên ví trí chưa thay đổi được bao nhiêu.

Theo ADB, từ nay đến 2030, Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 7,2% và GDP năm 2030 là 416 tỷ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia, nhỏ hơn Malaysia và Philippines. Do vậy, GS. Trần Văn Thọ cho rằng cần có những quyết tâm, động thái mạnh mẽ hơn nữa, phải mạnh dạn cải cách thể chế, khẩn trương thực hiện chương trình tái cấu trúc đã đề ra...

Trên thực tế, trong thời gian trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Hàng loạt giải pháp đã được Chính phủ đề xuất và thực hiện. Nhiều vấn đề đã được mang ra mổ xẻ, bình luận, tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước.

Hiệu ứng của nỗ lực này đã được cụ thể qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mốc kỷ lục vượt con số 100.000 doanh nghiệp trong năm 2016. Ngân hàng Thế giới cũng đã ghi nhận Việt Nam tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh, được xếp vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên