MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm việc 4 ngày mỗi tuần, 5 giờ mỗi ngày mang lại hiệu quả và năng suất tốt hơn: Không còn cảnh “sáng đi, tối về” cho dân văn phòng?

15-09-2018 - 08:00 AM | Sống

“Có đến 45% số nhân viên cho rằng mình có thể hoàn thành tốt công việc trong vòng chưa đến năm giờ mỗi ngày nếu thật sự tập trung”, kết quả trong một cuộc thăm dò về thời gian làm việc lý tưởng của Viện Lực lượng Lao động và công ty nghiên cứu Future Workplace với hơn 3,000 người tham gia là dân văn phòng trên toàn thế giới cho hay.

Một công ty ở New Zealand đã có một cuộc thử nghiệm với chỉ bốn ngày làm việc trong một tuần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng người lao động làm việc hiệu quả, năng suất và tập trung hơn so với thời lượng làm việc truyền thống (8 giờ/ngày, 5 – 6 ngày/tuần).

Hầu hết các nhân viên cho biết họ có thể hoàn thành công việc của mình trong vòng chưa đến bảy giờ mỗi ngày. Trong số 3.000 người tham gia cuộc thăm dò đến từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc và Ấn Độ, 45% trong số họ nói rằng nếu không bị gián đoạn vì nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, họ chỉ cần chưa đến năm giờ làm việc mỗi ngày.

Làm việc 4 ngày mỗi tuần, 5 giờ mỗi ngày mang lại hiệu quả và năng suất tốt hơn: Không còn cảnh “sáng đi, tối về” cho dân văn phòng? - Ảnh 1.

Trong thời buổi thế giới công nghệ đã vươn lên tầm cao mới như hiện nay, việc tự động hoá các nhiệm vụ quản lý như sắp xếp email, lập danh sách cuộc gọi hội họp…được hỗ trợ bởi công nghệ số rất nhiều, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể. Vì thế việc giảm lượng giờ làm từ 8 – 9 tiếng xuống còn 5 tiếng mỗi ngày là hoàn toàn khả thi.

Dan Schwbel, Giám đốc nghiên cứu tại Future Workplace cho biết: "Chúng ta có thể làm việc ở khắp mọi nơi. Công việc là nhiệm vụ mà bạn phải hoàn thành, chứ không phải địa điểm hay thời lượng mà bạn làm nó".

Năm ngoái, một công ty chuyên lập kế hoạch bất động sản ở New Zealand có tên là Perpetual Garden đã bắt đầu cho phép tất cả 240 nhân viên của mình làm việc 4 ngày một tuần mà vẫn duy trì mức lương như cũ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi rút ngắn thời gian làm việc như vậy, công việc diễn ra một cách trơn tru, hiệu quả hơn, các cuộc họp tổ chức tập trung hơn và nhân viên ít có thời gian tán gẫu "chuyện trên trời dưới biển" hơn. Vì cuộc thử nghiệm thành công ngoài mong đợi nên công ty đã áp dụng lịch trình này vĩnh viễn.

34% dân văn phòng nói rằng họ đồng ý với lịch trình này nếu thu nhập không thay đổi. Ở Mỹ, 24% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng chấp nhận giảm 20% số lương nếu được giảm còn 4 ngày làm việc một tuần.

Một nghiên cứu mới được xây dựng dựa trên nguồn bằng chứng xác thực cho thấy việc "giải phóng" nhân viên khỏi thời lượng 40 giờ làm việc mỗi tuần và cho phép họ tự tạo lịch trình của riêng mình có thể giúp họ hạnh phúc, năng suất hơn, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và giữ chân người tài.

Cũng từng có nhiều cuốn sách bàn luận về chủ đề này, trong đó nổi bật là "Tuần làm việc 4 giờ". Cuốn sách này giúp độc giả có cái nhìn toàn diện nhất về phong cách sắp xếp và làm việc khoa học. Theo đó, nếu biết cách quản lý hợp lý: thời gian, các mục tiêu cũng như thứ tự ưu tiên công việc, bạn hoàn toàn có khả năng tạo ra nguồn thu nhập đầy đủ dù chỉ làm việc 4 giờ mỗi tuần. Những ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ nặng nhọc sẽ mãi mãi biến mất khỏi cuộc sống. Cuốn sách này đã làm dấy lên một làn sóng tư tưởng mới mẻ tại thung lũng Silicon.

Tác giả của cuốn sách - Tim Ferriss - đã thẳng thắn phản bác quan điểm: Những người thành công luôn bận rộn, bận rộn đồng nghĩa với làm việc năng suất và hiệu quả. Anh khẳng định: Luôn luôn bận rộn cũng là hình thức của sự lười biếng, bởi khi đó, bạn chỉ cố hoàn thành số lượng mà không quan tâm đến chất lượng.

Theo Tim, bận rộn liên tục giống như bạn “cẩu thả” với thời gian và cuối cùng, nó trở thành một hình thức của sự lười biếng. “Chế độ mặc định của các nhà doanh nghiệp loại A là phải làm nhiều hơn - bất cứ điều gì sẽ xảy ra là làm việc nhiều hơn. Nếu tôi có một vấn đề, tôi sẽ làm nhiều hơn. Nếu tôi cảm thấy căng thẳng, tôi cũng làm nhiều hơn. Điều này có vẻ sẽ tăng năng suất và nguồn lương cho bạn, tuy nhiên, nó lại là điển hình của hoạt động bừa bãi - một hình thức của sự lười biếng”, Ferriss chia sẻ.

Nguyễn Linh

Business Insider

Trở lên trên