MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên, một người đàn ông bị "nhốt hồn" nói được nhờ cấy ghép chip não: Câu đầu tiên anh cảm ơn bác sĩ, sau đó thì đòi uống bia

29-03-2022 - 07:40 AM | Tài chính quốc tế

Các bác sĩ không biết anh ấy còn sống được bao lâu, nhưng những ngày tháng này đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đối với anh ấy. Nói được không chỉ là một món quà, nó là một phép màu.

Đầu tiên phải nói về người bị "nhốt hồn" là gì? Đó là một tình trạng khủng khiếp và cô đơn đến cùng cực mà một người bình thường khó có thể tưởng tượng ra được. Bạn sẽ làm gì nếu bị liệt hoàn toàn mọi nhóm cơ trên cơ thể, ý tôi là 100% các cơ bắp?

Không những không thể đứng dậy, đi lại hay không thể cử động, bạn còn không thể mở miệng, không thể mấp máy môi, thậm chí không thể liếc mắt. Mọi cử động trên cơ thể bạn đều phải được người khác hỗ trợ.

Bạn cần một người mở mi mắt mình lên mỗi buổi sáng, rồi khép nó lại hộ bạn vào mỗi tối. Bạn cần một người mở miệng mình khi cho ăn. Và vì cơ hầu họng và thực quản của bạn cũng đã bị liệt, bạn không thể nuốt. Người bị liệt khóa cứng chỉ có thể ăn thức ăn lỏng hoặc xay nhuyễn, để nó tự chảy vào dạ dày.

 Lần đầu tiên, một người đàn ông bị nhốt hồn nói được nhờ cấy ghép chip não: Câu đầu tiên anh cảm ơn bác sĩ, sau đó thì đòi uống bia  - Ảnh 1.

Thật may là họ vẫn còn giữ được vị giác, dù lưỡi không thể cử động. Người liệt khóa cứng vẫn có thể nghe, có thể nhìn, có thể ngửi và nếm. Họ có suy nghĩ và cảm nhận với thế giới. Nhưng bởi tất cả các nhóm cơ đã bị liệt, họ không có cách nào để giao tiếp hay phản hồi lại. Họ không thể nói, không thể ra hiệu, thậm chí không thể trả lời những câu hỏi "Yes/No".

Bởi vậy mà, những bệnh nhân này được ví như những linh hồn đang "bị nhốt" trong chính thân xác mình. Thông thường, các bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) sẽ tiến triển tới tình trạng liệt "nhốt hồn" trong giai đoạn cuối của căn bệnh.

Hầu hết bệnh nhân ALS không sống quá 5 năm sau khi nhận chẩn đoán. Và họ sẽ phải chuẩn bị tâm lý cho những năm tháng cuối đời cực kỳ cô đơn khi "bị nhốt". Nhưng bây giờ, công nghệ sẽ giúp thay đổi thực tế nghiệt ngã ấy.

Một con chip đọc suy nghĩ cấy thẳng vào não bộ người liệt cứng sẽ cho phép họ giao tiếp được. Công nghệ này vừa được thử nghiệm thành công trên một bệnh nhân đầu tiên, và câu hoàn chỉnh đầu tiên mà anh ấy thốt ra được là: Cảm ơn các bác sĩ. Sau đó anh nói với người chăm sóc liệu có thể cho mình một cốc bia được không.

 Lần đầu tiên, một người đàn ông bị nhốt hồn nói được nhờ cấy ghép chip não: Câu đầu tiên anh cảm ơn bác sĩ, sau đó thì đòi uống bia  - Ảnh 2.

Người đàn ông Đức "bị nhốt" trong chính cơ thể mình, nhưng bây giờ đã được giải thoát.

Người đàn ông có linh hồn bị nhốt

Câu chuyện của người đàn ông Đức sinh năm 1985 bắt đầu vào tháng 8 năm 2015, đúng giữa tuổi 30 đẹp đẽ của anh ấy. Người đàn ông đã phải nhận chẩn đoán ALS, căn bệnh đang giết chết các tế bào thần kinh vận động ở cột sống và dần đưa anh vào trạng thái liệt.

Chỉ trong vòng 4 tháng, người đàn ông đã mất khả năng đi lại và không còn giao tiếp được bằng lời nói. Đến tháng 7 năm 2016, cả cơ hoành của anh ấy cũng bị liệt. Không còn có thể tự thở, các bác sĩ đã phải nối anh ấy vào máy thở nhân tạo và cho ăn bằng ống thông dạ dày.

Mới đầu, người đàn ông được cho sử dụng MyTobii, một thiết bị theo dõi chuyển động mắt để giao tiếp. Nó gồm có một camera có thể đoán ánh mắt anh ấy đang nhìn vào chữ cái nào trên màn hình và gõ ra những gì anh muốn nói.

Nhưng dần dần, cả cơ điều khiển con ngươi mắt của bệnh nhân cũng bị liệt. Các bác sĩ nhận ra người đàn ông không sớm thì muộn sẽ phải đối mặt với tình trạng "nhốt hồn", khi đó, anh ấy sẽ vĩnh viễn không thể phản ứng với thế giới bên ngoài được nữa.

Lúc này, họ đưa cho anh ta một lựa chọn, đó là tham gia vào một thử nghiệm cấy chip vào não để họ có thể đọc trực tiếp suy nghĩ của anh ta thông qua một cổng BCI (hay giao diện não-máy tính).

Câu trả lời lúc này chỉ còn là "Yes/No", và trong một ánh mắt cử động gần như cuối cùng, người đàn ông đã chọn "Yes", đồng ý tham gia vào thử nghiệm.

 Lần đầu tiên, một người đàn ông bị nhốt hồn nói được nhờ cấy ghép chip não: Câu đầu tiên anh cảm ơn bác sĩ, sau đó thì đòi uống bia  - Ảnh 3.

Con chip này đã được cấy vào não người đàn ông "bị nhốt" để giúp ông ấy giao tiếp.

Được giải thoát

Ca cấy ghép được thực hiện vào tháng 3 năm 2019 tại một bệnh viện ở Munich. Trong đó, các bác sĩ đã cấy 2 con chip vi điện cực có kích thước 1,5 mm vào vỏ não vận động điều khiển các cơ bên trái của bệnh nhân.

Con chip được nối ra ngoài hộp sọ bằng một cổng BCI và rồi kết nối với máy tính để thu nhận các tín hiệu thần kinh của não bộ. Người đàn ông được xuất viện ngay sau 3 ngày hậu phẫu, để bắt đầu quá trình luyện tập nói và đánh vần chỉ bằng suy nghĩ của anh ấy.

Các bác sĩ sử dụng một phần mềm viết bằng Python và C++ để kiểm soát tất cả các phiên tập nói bằng BCI của bệnh nhân. Đầu tiên, anh ấy được hướng dẫn trả lời các câu hỏi "Yes/No" bằng cách bắn các tín hiệu thần kinh cụ thể trong vùng vỏ não.

Sau đó, anh ấy được tập đánh vần từng chữ cái, ghép chúng thành từ và cuối cùng là thành câu hoàn chỉnh. Quá trình tập luyện kéo dài hơn 100 ngày, đến ngày thứ 107, người đàn ông đã nói được một câu đầu tiên: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ".

 Lần đầu tiên, một người đàn ông bị nhốt hồn nói được nhờ cấy ghép chip não: Câu đầu tiên anh cảm ơn bác sĩ, sau đó thì đòi uống bia  - Ảnh 4.
 Lần đầu tiên, một người đàn ông bị nhốt hồn nói được nhờ cấy ghép chip não: Câu đầu tiên anh cảm ơn bác sĩ, sau đó thì đòi uống bia  - Ảnh 5.

Trong khoảng 400 ngày tiếp theo, khả năng giao tiếp của anh ấy ngày một tiến bộ dần lên. Người đàn ông bắt đầu nói chuyện được với mẹ mình, người em gái luôn ở bên chăm sóc anh ấy và đặc biệt là cậu con trai bé bỏng.

"Tôi yêu con trai tôi, cậu bé trông thật ngầu", anh ấy nói. "Con có muốn xem phim Robin Hood của Disney cùng bố không?", và rồi hai bố con họ đã xem tập phim đó cùng nhau.

"Tôi muốn nghe nhạc và một cốc bia"

Với khả năng giao tiếp bằng BCI, các bác sĩ cho biết bệnh nhân của họ rõ ràng đã thoát khỏi tình trạng bị nhốt. Và dù họ không biết anh ấy sẽ còn tiếp tục sống được bao lâu, nhưng những ngày tháng này đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với anh ấy.

Người đàn ông đã có thể yêu cầu mẹ mát-xa đầu cho mình, thay đổi tư thế nằm và thậm chí thay một chiếc giường mới. Có ngày, anh ấy muốn mặc sơ mi, muốn bôi gel lên mắt cho đỡ bị khô và muốn ăn các món ăn cụ thể, bao gồm cà ri và súp đậu ngọt.

Một ngày nọ, anh ấy đã hỏi em gái liệu có thể cho mình một cốc bia được không? Các bác sĩ và em gái anh ấy đã đồng ý. Vậy là lần đầu tiên kể từ khi bị liệt, người đàn ông này mới được cảm nhận lại vị của bia.

Các bác sĩ cho biết đây là lần đầu tiên họ giúp được một người liệt "bị nhốt" giao tiếp lại được thông qua cấy ghép chip não và giao diện BCI. Họ dự tính sẽ tiếp tục cải thiện hệ thống này và thử nghiệm nó trên nhiều bệnh nhân nữa, trước khi nhân rộng theo hướng thương mại hóa.

Dự kiến, một hệ thống BCI như vậy sẽ có giá khoảng 500.000 USD, tương đương 11,4 tỷ VNĐ. Nhưng các bác sĩ dự tính giá có thể giảm sau khoảng 2 năm, khi họ chuẩn hóa được các thiết bị của mình để sản xuất đại trà.

Tham khảo Sciencealert , Science , Nature

https://genk.vn/lan-dau-tien-mot-nguoi-dan-ong-bi-nhot-hon-noi-duoc-nho-cay-ghep-chip-nao-cau-dau-tien-anh-cam-on-bac-si-sau-do-thi-doi-uong-bia-20220327060619876.chn

Theo Thanh Long

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên