MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấn sân sang chính trị - một góc khác của Warren Buffett

17-08-2016 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Năm ngoái, ông trùm quỹ đầu cơ Daniel Loeb đã “tấn công” Buffett, cho rằng lời nói và hành động của ông không đi đôi với nhau.

Từ lâu nay Warren Buffett đã lấn sân sang lĩnh vực chính trị. Thời kỳ những năm 1970, ông bắt đầu tham gia vào những bữa tiệc sang trọng ở Washington. Trong thập kỷ tiếp theo, ông từng có một cuối tuần làm bạn chơi golf của cố Tổng thống Ronald Reagan. Buffett giúp Arnold Schwarzenegger trở thành Thống đốc bang California năm 2003. Đến năm 2008, cả John McCain và Barack Obama đều bóng gió rằng họ muốn ngài Buffett trở thành Bộ trưởng Tài chính nếu mình thắng cử.

Năm nay, năm bầu cử 2016, nhà đầu tư nổi tiếng nhất của nước Mỹ bước sang tuổi 85 và ông cũng thể hiện quan điểm chính trị của mình rất rõ ràng. Trong lá thư thường niên gửi đến các cổ đông, ông viết rằng “Trong suốt 240 năm qua, sẽ là một sai lầm tệ hại nếu như đặt cược chống lại nước Mỹ”. Ngày 1/8, ông bước lên sân khấu ở Omaha cùng Hillary Clinton, chỉ trích kết quả kinh doanh tệ hại và tính khí thất thường của Donald Trump. “Đến con khỉ còn làm tốt hơn ông”, Buffett dằn mặt Trump.

Qua thời gian, tần suất Buffett xuất hiện phía sau các chính trị gia tăng lên và mức độ cũng tăng lên. Điều này cũng phản ánh quyền lực tài chính của ông. Giá trị của tập đoàn Berkshire Hathaway giờ đã có lên tới 363 tỷ USD, trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ 6 thế giới. Buffett giàu hơn Trump ít nhất là 20 lần.

Ngoài ra, Buffett cũng nổi tiếng hơn trước nhiều lần. Tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire diễn ra tháng 3 vừa qua, số người tham dự lên đến 40.000 người, so với mức 5.000 người cách đây 2 thập kỷ. Kể từ khi ông chủ cũ Steve Jobs của Apple qua đời, ngài Buffett gần như đã trở thành “người anh hùng đơn độc” đại diện cho các tập đoàn lớn ở Mỹ. Nhìn vào Buffett người ta nhìn thấy triển vọng về loại hình chủ nghĩa tư bản mới công bằng hơn.

Tuy nhiên, Buffett cũng phải hành động vì chính lợi ích của bản thân, một cách hoàn toàn hợp pháp. Năm ngoái, ông trùm quỹ đầu cơ Daniel Loeb đã “tấn công” Buffett, cho rằng lời nói và hành động của ông không đi đôi với nhau. “Ông ấy nói rằng chúng ta nên đóng nhiều thuế hơn nhưng ông ấy luôn tìm cách tránh thuế”. Lập luận này của Loeb không phải là không chính xác: nếu so với lợi nhuận thì số thuế Berkshire nộp ngày càng giảm. Năm ngoái Berkshire nộp khoảng 13% lợi nhuận trước thuế và trở thành công ty nộp ít thuế nhất trong số các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.

Buffett luôn lớn tiếng phê phán chỉ trích phố Wall, nhưng trong suốt khủng hoảng 2008 ông đã ủng hộ Goldman Sachs. Berkshire cũng là cổ đông lớn của Moody’s, tổ chức xếp hạng tín nhiệm nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn. Và chính tập đoàn Berkshire cũng có nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ tài chính của mình với 250 tỷ USD tài sản.

Buffett thường đưa ra những quan điểm mạnh mẽ về cách vận hành các doanh nghiệp. Tháng trước ông cùng với 12 ông chủ khác yêu cầu cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp. Một trong những kiến nghị mà họ đưa ra là các kế toán viên nên tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của Chuẩn mực kế toán Mỹ (GAAP). Tuy nhiên, Berkshire lại khuyến khích nhà đầu tư sử dụng công cụ đo lường của riêng họ, dựa trên khái niệm “giá trị nội tại”. Người vợ đầu tiên của Buffett ngồi ở hội đồng quản trị Berkshire đến tận năm 2004 là năm mà bà qua đời, và con trai của Buffett được cho là sẽ trở thành người kế nhiệm ông ở ghế Chủ tịch tập đoàn.

Với cả quãng đường kinh doanh dài đằng đẵng và hùng tráng như Buffett từng trải qua, những bất đồng kể trên là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Buffett còn có một vấn đề khác: ông ưa thích sự độc quyền. Sau khi thất vọng với khoản lợi nhuận mà ngành dệt may mang lại trong những năm 1960 và 1970, Buffett quay sang ngành giày dép và hàng không. Cuối cùng ông rút ra kết luận rằng tập đoàn của mình nên đầu tư vào các “đặc quyền kinh doanh” được bảo vệ trước sự cạnh tranh gay gắt.

Trong những năm 1980 và 1990, ông đặt cược vào những thương hiệu thống trị toàn cầu như Gillette và Coca-Cola. Hãng đồ nội thất lớn nhất Omaha của Berkshire cũng chiếm tới 60% thị phần. Ngày nay Berkshire tập trung vào những nhánh nhỏ độc quyền (như công ty sản xuất đồng phục cho lính canh nhà tù) hay những tập đoàn lớn có vị thế độc quyền trong các ngành điện nước, đường sắt và hàng hóa tiêu dùng.

Nền kinh tế Mỹ đã bị “Buffett hóa”. Các nhà đầu tư có một quan điểm chính thống mạnh mẽ rằng bạn phải sở hữu những công ty hoạt động ổn định, tập trung vào những mảng kinh doanh đem lại lợi suất cao mà lại cần ít vốn đầu tư. Năm ngoái các công ty trong chỉ số S&P 500 chỉ tái đầu tư 45% dòng tiền mà họ tạo ra. Bảo vệ lợi nhuận và giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng.

Giống như Jobs, Buffett có khả năng tạo ra một màng chắn bảo vệ ông trước những lời chỉ trích. Trong các hiệu sách, mỗi cuốn “Nghệ thuật đàm phán” của Donald Trump hay cuốn “Ích kỷ” của Kim Kardashian đều có lời cảm ơn dành cho huyền thoại xứ Omaha.

Và chẳng ai có thể phủ nhận tài năng của Buffett khi mà Berkshire đã có được mức tăng trưởng 21% suốt từ năm 1965 đến nay. Cũng không thể phủ nhận một số cách tiếp cận của Buffett có thể đem lại lợi ích cho xã hội nếu được áp dụng rộng rãi, ví dụ như triết lý sở hữu cổ phiếu trong dài hạn. Dự định hiến gần như toàn bộ tài sản cho quỹ từ thiện Gates Foundation cũng rất đáng hoan nghênh.

Buffett là một nhà đầu tư cẩn trọng, ưa thích những ngành kinh doanh truyền thống, trong khi ở thời điểm hiện tại nước Mỹ cần đến những khoản đầu tư rủi ro hơn và mạnh mẽ hơn.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên