MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng bùng nợ đang nhấn chìm các công ty tài chính tiêu dùng

30-09-2023 - 08:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến khách hàng hạn chế vay, nhiều công ty tài chính còn phải đối mặt với làn sóng "bùng nợ" một cách có chủ đích từ phía người vay.

Hiện nay, chỉ lần lên các trang mạng xã hội gõ tìm kiếm cụm từ “bùng nợ” sẽ nhận được kết quả một loạt hội/nhóm kín/mở, với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, có thể kể đến như: Chuyên Tư Vấn Bùng Nợ - Xóa Nợ Xấu FE, Home credit, app cho vay (132.000 thành viên), Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (97.000 thành viên); TƯ VẤN BÙNG NỢ THẺ TÍN DỤNG VÀ VAY TIÊU DÙNG (34.000 thành viên),….

Mỗi ngày, trên các hội nhóm như vậy, hàng chục bài chia sẻ về kinh nghiệm quỵt nợ được đăng tải. Nội dung được trao đổi trong các hội nhóm này chủ yếu chia sẻ về câu chuyện không trả được nợ, xin tư vấn về cách đối phó, "bùng nợ" của các thành viên. Đáng chú ý, chỉ cần một bài viết đăng trong nhóm nói về ý định sẽ "bùng nợ" thì bên dưới sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm dòng bình luận theo kiểu "không sao đâu”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”…

Đặc biệt, nhiều thành viên trong các hội nhóm này không hề e ngại khoe khoang chiến tích bùng được tiền vay. Lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ như làm CCCD giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo hay thậm chí là cả những bộ hồ sơ đẹp để dễ dàng vay tiền qua App.

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, những tháng đầu năm 2023, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức về các đợt trấn áp của lực lượng công an đối với tội phạm tín dụng đen, các đối tượng đòi nợ phi pháp để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp. Khách chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.

“Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi đó chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính” - Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước.

Hệ quả là nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng đã tăng lên ở mức rất cao. Đến 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021.

“Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh,” Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

Tính đến nửa đầu năm 2023, hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đã rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài, hoặc lợi nhuận suy giảm. Đơn cử như FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 40% thị phần, đã lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Shinhan Finance, công ty có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, lỗ 246 tỷ đồng. Các công ty khác có thị phần lớn như Home Credit và Mcredit dù không lỗ nhưng đã chứng kiến mức sụt giảm lợi nhuận rất mạnh.

Một đại diện từ FE Credit cho rằng, để hạn chế vấn nạn bùng nợ cần nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì trả nợ, trốn nợ. Đồng thời,ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn… để tránh tình trạng nợ xấu.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính cho rằng quy định của pháp luật có chặt chẽ đến mấy mà người dân không có ý thức chấp hành thì tình trạng vay rồi chây ì không trả nợ vẫn còn tiếp tục kéo dài. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trên các phương tiện truyền thông; chỉ ra những hậu quả của việc “bùng nợ” để mọi người cùng thấy tính nghiêm trọng của sự việc. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp “bùng nợ” vi phạm pháp luật để mọi người lấy đó làm bài học.

Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định chế tài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.


Mạnh Đức

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên