MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãng phí vốn ODA (*): Càng vay càng nợ

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng tìm một nguồn vốn rẻ sẽ vừa khó vừa không hiệu quả bằng cách chuyển sang kêu gọi tư nhân, vay thương mại.

Khi giám sát về tình hình sử dụng vốn ODA, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn lớn trong khi cân đối ngân sách khó khăn, nguồn lực trong nước chưa đáp ứng đủ. Do đó, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài sẽ vẫn là một nguồn lực cần thiết, quan trọng đối với Việt Nam.

Bội chi ngân sách để trả nợ

Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA sẽ giảm dần. Hiện tại, chúng ta đã "tốt nghiệp IDA" (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA - thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) từ ngày 1-7-2017. Đến năm 2019, Việt Nam cũng bị hạn chế vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Lãng phí vốn ODA (*): Càng vay càng nợ - Ảnh 1.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên của TP HCM sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định đây là khó khăn, thách thức lớn, cần quyết liệt cơ cấu lại nguồn vốn vay nước ngoài có lợi cho quốc gia; rà soát, có phương án trả nợ chủ động. Đồng thời, sử dụng kết hợp hài hòa các nguồn vốn để khai thác hiệu quả các nguồn lực, không phụ thuộc vào nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Một "cánh cửa" để giải quyết nhu cầu đầu tư nóng của Việt Nam là trong thời gian tới, nguồn tài trợ phát triển trên thế giới sẽ phong phú và đa dạng hơn. Ngoài các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ truyền thống, sẽ có sự xuất hiện của các quỹ, ngân hàng khu vực hoặc toàn cầu như: Quỹ Mekong - Nhật Bản về phát triển hạ tầng hiện đại, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Các nền kinh tế mới nổi (BRICS Bank)... Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Song, nhìn ở góc độ tổng thể lợi ích, GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, lại cảnh báo cơ quan quản lý không nên quên nghĩa vụ trả nợ vốn ODA và các nguồn vốn vay khác hiện đang rất nặng nề. "Hiện mỗi năm giải ngân ODA vẫn đạt 2-3 tỉ USD, hợp đồng chưa giải ngân cũng đến hàng chục tỉ USD. Đó là những món nợ. Bội chi ngân sách một phần là do trả nợ nước ngoài vài tỉ USD mỗi năm. Như thế, việc cắt giảm ODA tuy một phần do thụ động, đương nhiên phải thực hiện nhưng lại là cần thiết. Chúng ta cũng đã bắt đầu tạo ra được nội lực, hoàn toàn khắc phục được việc giảm ODA rồi" - GS Nguyễn Mại nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng nêu suy nghĩ: "Tôi đã từng nói nhiều lần rằng do vốn ODA chưa thực sự tốt nên không thể phụ thuộc quá nhiều. Thời gian tới, khi phải chấm dứt vay ODA, đó có thể là điều tốt đối với Việt Nam. Ít nhất là nghĩa vụ ngân sách mỗi năm trả nợ nước ngoài và nợ Chính phủ bảo lãnh sẽ nhẹ dần".

Con số sau đây được nêu ra trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là lý giải cho ý kiến của chuyên gia: Năm 2018, nợ công dự kiến lên 3,5 triệu tỉ đồng (tăng 0,4 triệu tỉ đồng so với năm 2017); tăng dần lên 3,9 triệu tỉ đồng năm 2019 và 4,3 triệu tỉ đồng năm 2020.

Cắt giảm chi tiêu, huy động tư nhân

Để bù đắp lại sự thiếu vắng dần nguồn vốn ưu đãi, các chuyên gia kinh tế đã góp ý nhiều giải pháp.

Chuyên gia Bùi Trinh nêu ý kiến: "Thay vì tiếp tục đi vay nợ, nhất là vốn ODA, cơ quan quản lý nên nghĩ đến các biện pháp giảm chi thường xuyên để tiết kiệm ngân sách. Hiện chi thường xuyên luôn ở mức trên 70% tổng chi khiến nguồn lực cho chi đầu tư phát triển không còn nhiều. Thực tế, ngay cả vốn ODA dùng cho chi đầu tư phát triển cũng chiếm tỉ lệ nhỏ".

Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, trước mắt cần thiết kế lại một quy trình, cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA trong thời gian tới. Theo đó, các khoản ODA được cấp chỉ nên đưa ra ràng buộc về tài trợ chứ không nên ràng buộc điền khoản thực hiện, như ngân hàng thương mại cho vay chỉ quy định về lãi suất, điều khoản vay chứ không bắt người vay phải mua cái gì, mua của ai. "Đồng thời, phải bảo đảm có một cơ quan chịu trách nhiệm về hiệu quả của nguồn vốn ODA sau khi được phân cấp, phân bổ. Cần có cơ chế về hồi tố để người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, chứ không phải "hạ cánh an toàn", về hưu là xong như hiện nay" - ông Tuấn nêu rõ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh góp ý với tình hình nguồn vốn rẻ ngày càng hiếm, cách tốt nhất không phải là đi tìm nguồn vay khác khi rủi ro và gánh nặng trả nợ rất lớn. Theo ông, để đầu tư các dự án trong nước, có thể đẩy mạnh huy động vốn theo hình thức PPP (đối tác công tư) với các hợp đồng BOT, BOO… "Khả năng vốn rẻ bây giờ rất khó thì phải chuyển sang huy động trên nền tảng thị trường" - ông Ánh nói.

Một giải pháp khác, theo ông Ánh, là phát hành trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, để việc phát hành được hiệu quả thì Việt Nam phải trở thành một "tay chơi" trên thị trường tài chính thế giới. Chưa kể đến, phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn là nguồn đầu tư công, trong khi hiệu quả đầu tư công hiện nay kém. Nếu không cải thiện được hiệu quả đầu tư công thì mọi giải pháp đều không đem lại kết quả.

GS Nguyễn Mại khuyến khích các địa phương tranh thủ được nội lực trong nước bởi hiện nay nguồn lực này còn lãng phí. "Hà Nội đang làm một số dự án về giao thông đô thị với tập đoàn tư nhân, đã được sự cho phép của Chính phủ. Khi trình Chính phủ, Hà Nội cam kết không xin ODA, không xin nguồn từ ngân sách, TP tự lo bằng 6 nguồn như: giảm chi, bán tài sản, tận dụng vốn cổ phần hóa… Như vậy, rõ ràng là có những cách giảm thiểu sử dụng ODA vì điều kiện vay ngày càng chặt chẽ và lãi suất cũng ngày càng tăng hơn. Cách làm này các địa phương nên thực hiện" - GS Nguyễn Mại nêu dẫn chứng.

Cẩn trọng vốn rẻ Trung Quốc

Trong bối cảnh vốn ODA dần rút, ông Vũ Đình Ánh cho rằng vẫn còn nguồn vốn rẻ từ Trung Quốc. Nhưng cần ghi nhớ mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng chiến lược "Một vành đai, một con đường". Tức là, nguồn vốn ưu đãi từ Trung Quốc mà chúng ta có thể tiếp cận lại không phục vụ cho mục tiêu của nước nhận mà cho nước cung cấp. "ODA trước đây là xuất phát từ nhu cầu nội tại nước tiếp nhận. Với vốn Trung Quốc thì ngược lại. Nếu tiếp cận phải cân nhắc kỹ, bằng không chắc chắn nó sẽ biến thành tai họa chứ không phải lợi ích" - ông Ánh nhấn mạnh.


Theo Phương Nhung - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên