MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Làng tỷ phú" cách Hà Nội hơn 20km: Cả làng làm "nghề tay chân" nhưng sản phẩm bán ra giá vài chục tỷ

11-04-2024 - 15:05 PM | Lifestyle

Nơi đây chính là địa chỉ tin tưởng nơi các đại gia khét tiếng tìm đến đặt hàng những món đồ xa xỉ để trang hoàng khu biệt phủ vương giả của mình.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh là nhắc đến làng nghề truyền thống có tuổi đời lên đến 300 năm. Cách Hà Nội khoảng hơn 20km, về phía Đông Bắc, “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú” là những cái tên mà lâu nay dân tình vẫn quen dùng khi nói về làng Đồng Kỵ - một ngôi làng nổi danh bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ về độ giàu có. 

Làng Đồng Kỵ trước đây chỉ là một làng nghề nhỏ. Nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, người làng ngày càng "ăn nên làm ra". Và đến đầu những năm 2.000, Đồng Kỵ được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của huyện Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.

Nơi đây có biệt thự phủ từ đầu làng đến cuối làng, số lượng tỷ phú, giám đốc tại ngôi làng này đếm không xuể. Nếu không là biệt phủ thì người dân nơi đây cũng xây nhà lầu, đi xe hơi.

Uớc tính có tới gần 400 công ty hợp tác xã chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại ngôi làng này. Và cứ khoảng 10 hộ dân lại có một giám đốc công ty hay xí nghiệp, thậm chí trong một gia đình có cả bố và con trai đều làm giám đốc với hai nhà xưởng riêng biệt.

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu gỗ đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng… tạo thành những sản phẩm có đường nét tinh xảo.

(Nguồn: Đồ gỗ Hướng Mai)

(Nguồn: Vuadogo)

Vậy nên nơi đây luôn là địa chỉ tin tưởng của rất nhiều đơn vị thi công, thiết kế cũng như các đại gia khét tiếng tìm đến để đặt hàng những mẫu tượng gỗ, phù điêu gỗ... để trang hoàng khu biệt phủ xa hoa, vương giả của mình.

Có những sản phẩm điêu khắc chạm trổ do chính các nghệ nhân, người thợ nơi đây tạo ra, trị giá lên đến vài chục tỷ đồng. Các sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề Đồng Kỵ còn được xuất sang nước ngoài với số lượng ngày càng gia tăng, nhất là ở các thị trường lớn như thị trường Âu, Mỹ. Nghề gỗ mỹ nghệ đã mang lại cho người dân làng nghề Đồng Kỵ một cuộc sống ổn định, giàu có hơn.

Cận cảnh nhà thờ tổ xây bằng 100% gỗ lim Lào, đạt kỷ lục Việt Nam tại Bắc Ninh.

Bên trong nhà thờ là khu vực thờ cúng với những bức hoành phi câu đối, bàn thờ... được chạm khắc tinh xảo đến từng chi tiết.

Một căn biệt thự khác rộng tới hơn 400m2 tại Bắc Ninh có truyền thống kinh doanh gỗ và đồ gỗ. Căn biệt thự màu trắng nổi bật cả một góc phố với diện mạo xa hoa, bề thế tại Từ Sơn, Bắc Ninh.

Chất liệu gỗ được sử dụng trong mọi ngóc ngách của căn nhà, từ trần, sàn gỗ đến bàn ghế gỗ. Đặc biệt, đây đều là các loại gỗ quý, nguyên khối được gia đình nhập từ Lào về, qua bàn tay của thợ làng nghề trở thành những món đồ gỗ kỳ công.

Đến cả cầu thang hay cổng vào, tường... đều bằng gỗ và được chạm trổ hoa văn tinh xảo.

Những khu đô thị với biệt thự liền kề mọc lên san sát ngay trong làng. Không còn nhà chịu cảnh nhà tranh vách đất như ngày trước, người dân đầu tư sửa sang nhà cửa với những nhà lầu 5 - 7 tầng theo lối kiến trúc châu Âu sang trọng khiến ai đi qua ngôi làng này cũng choáng ngợp về độ phát triển và giàu có của người dân nơi đây.

Nổi tiếng giàu có, giá đất tại làng Đồng Kỵ cũng thuộc hàng đắt "khét". Với sự phát triển đi lên từ buôn bán đồ gỗ nhưng hoạt động mua bán bất động sản tại đây lại khá ít giao dịch. Trên các trang rao vặt, hầu như không có tin nào về bán đất tại đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc người dân làng Đồng Kỵ giữ đất mở xưởng, cơ sở sản xuất, cửa hàng để kinh doanh.

Pháp luật và đời sống dẫn thông tin từ môi giới, cho hay giá đất tại các khu làng nghề tại các mảnh sở hữu lâu dài đều giao động trên 100 triệu đồng/m2, tại các đoạn mặt đường có thể kinh doanh, buôn bán tốt sẽ cao hơn từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng theo môi giới chia sẻ, giá đất ở làng Đồng Kỵ đã có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc buôn bán trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Thị trường bị thu hẹp khiến các công ty sản xuất tại đây lao đao.

Theo Tiểu Mai

Phụ nữ số

Trở lên trên