MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo AEON tiết lộ chiến lược đầu tư ở Việt Nam trước cái "bắt tay" của hai ông lớn Masan và Vingroup

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trọng yếu trong chiến lược phát triển của Tập đoàn AEON trong tương lai, ông Yasuo Nishitohge, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của AEON cho biết chiều 5/12, nhân dịp khai trường AEON Mall Hà Đông.

AEON Mall Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là trung tâm thương mại thứ 2 của AEON tại Hà Nội và là trung tâm thứ 5 của tập đoàn này tại Việt Nam.

Tương tự 4 trung tâm thương mại đã vận hành, AEON Mall Hà Đông hướng đến nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu cũng như các gia đình hạt nhân, có bố mẹ trong khoảng từ 30 – 40 tuổi cùng giới trẻ.

Nhiều mặt hàng tại đây được nhập khẩu từ Nhật Bản và các quốc gia khác nhằm đảm bảo tính đa dạng. Trung tâm cũng tạo ra các concept phục vụ cho việc mua sắm tiện lợi và thoải mái cho mọi thành viên khách hàng.

Không chỉ dừng ở việc nhập hàng về bán, phía AEON cho biết họ đồng thời phát triển các nhãn hàng riêng với sự đóng góp của các doanh nghiệp nội địa.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến nhiều sự thay đổi, ông Yasuo Nishitohge Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của AEON nói. "Chúng tôi cũng ước tính được sức mua của người Việt cũng như nhu cầu của họ".

Tập đoàn AEON, theo ông, đang nhìn nhận Việt Nam rất có tiềm năng do vậy, doanh nghiệp xác định sẽ mở rộng đầu tư nhiều hơn.

"Với AEON Group, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trọng yếu trong chiến lược phát triển của cả tập đoàn trong tương lai, việc đầu tư vào đây sẽ tăng mạnh hơn nữa", ông khẳng định.

Tại Việt Nam, tập đoàn từng công bố mục tiêu đạt 20 đại siêu thị vào năm 2025. "Chúng tôi đang tiến hành ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ triển khai sang các địa phương lân cận. Với tốc độ như đã công bố, đây là thử thách lớn, nhưng chúng tôi rất nỗ lực và tham vọng thực thi", ông Yasuo nói với Trí Thức Trẻ.

Các địa phương tiếp theo, như ông Yasuo thông tin, là Cần Thơ, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai. "Hầu hết các đô thị lớn chúng tôi đều sẽ đến".

Việc phát triển các đại siêu thị, ông Yasuo cho biết một trong những khó khăn là việc tìm địa điểm. Do các trung tâm thương mại có diện tích lớn, ví dụ AEON Mall Hà Đông có diện tích là 150.000 m2, nên việc tìm kiếm địa điểm triển khai là rất quan trọng. "Đường xá giao thông cũng là yếu tố cần được lưu tâm", ông nói.

Về chiến lược phát triển các cửa hàng tại thị trường 96 triệu dân, ông Yasuo cho biết ngoài các trung tâm mua sắm lớn, AEON còn phát triển các trung tâm bách hoá và siêu thị, các cửa hàng kinh doanh tiện lợi.

AEON hiện có 28 siêu thị AEON Citimart, 112 cửa hàng tiện lợi với thương hiệu Ministop. Tổng doanh thu của hệ thống bán lẻ AEON tại Việt Nam là 322 triệu USD (theo báo cáo của Mckinsey & Company tháng 9/2019).

Trả lời Trí Thức Trẻ về chiến lược liên quan đến hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp Việt đã có sự liên kết lại với nhau mà ví dụ điển hình là cái bắt tay của Vingroup và Masan, ông Yasuo cho biết:

"Tại những khu trung tâm, chúng tôi có cửa hàng tiện lợi, khu lân cận trung tâm thì có mô hình siêu thị và những khu ở xa hơn, ven đô thì có trung tâm mua sắm. Nhờ vậy AEON sẽ có độ phủ và hỗ trợ khách hàng tiện lợi trong việc mua sắm".

"Ở Việt Nam, đặc biệt các khu vực trung tâm, khu đất vàng cạnh tranh rất lớn", ông nói thêm.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên