MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo AirAsia: Luôn có chỗ cho hãng hàng không mới ở thị trường Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam, thậm chí nhiều năm lên tới 2 con số % được Shasha Ridzam, trưởng bộ phận Thị trường quốc tế và Phát triển bền vững của AirAsia nhận định là luôn có dư địa cho các hãng hàng không mới. AirAsia theo đó cũng chưa từ bỏ việc thâm nhập Việt Nam.

Nhìn nhận về thị trường ASEAN, bà Shasha Ridzam cho biết đây là thị trường lớn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Cơ sở cho nhận định này dựa vào việc GDP của khối ASEAN đứng thứ 5 trên thế giới cũng như là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn FDI…

Nhưng dù được dự đoán là khu vực tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2020, khu vực ASEAN cũng khó thoát khỏi những "cơn gió ngược". Những diễn biến bất định của kinh tế toàn cầu, ví dụ như chiến tranh thương mại, biến động giá cả hàng hoá… có thể ảnh hưởng đến tiềm năng cũng như quỹ đạo tăng trưởng của khối này.

"Trong môi trường đầy thách thức, hàng không là ngành chủ chốt mà ASEAN cần tận dụng", bà Shasha Ridzam nhận định.

Hàng không theo đó đã sẵn sàng trở thành một ngành phát triển nhanh nhất trong tương lai gần mà các nước châu Á dự kiến sẽ động lực tăng trưởng chính. Bởi đây là khu vực có dân số trẻ, phát triển mạnh về thương mại, đầu tư, du lịch.

Theo dự báo, đến năm 2036, ASEAN sẽ cần khoảng 4.200 máy bay mới với lượng hành khách hàng năm có thể đạt đến 2 tỷ người nếu tốc độ tự do hoá tăng.

Đối với Việt Nam, đại diện AirAsia vẫn nhìn nhận đây là mảnh đất màu mỡ mà hãng này muốn chinh phục. Bà Shasha Ridzam cho biết với tốc độ phát triển trên 8% mỗi năm, thậm chí có giai đoạn đạt 2 con số %, Việt Nam luôn có dư địa cho các hãng hàng không mới cho dù nó có vẻ đang đông đúc với sự tham gia của Bamboo và có thể là Vingroup trong tương lai gần.

Trong mọi trường hợp, cạnh tranh nên được nhìn nhận tích cực – bà Shasha Ridzam nhấn mạnh.

Lần hợp tác không thành với Thiên Minh Group đã đánh dấu lần thất bại thứ 4 của hãng hàng không giá rẻ này trong việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bà Shasha Ridzam khẳng định AirAsia vẫn đang tìm kiếm một đối tác mới để thành lập liên doanh. Dù vậy, bà từ chối tiết lộ thêm các thông tin.

"Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn với AirAsia nhờ vào dân số trẻ, sẵn sàng chi tiêu cho du lịch. Thị trường này cũng sở hữu lực lượng lao động lớn, lành nghề…", bà Shasha Ridzam nói thêm. Bà cũng cho biết thị trường hàng không Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa nếu hội nhập hơn vào thị trường khu vực cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng thêm các sân bay, nhà ga hàng không giá rẻ.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên