Lãnh đạo châu Âu lo Donald Trump thành Tổng thống Mỹ
“Nếu người Mỹ chọn Trump, thì sự lựa chọn đó sẽ có hậu quả", Tổng thống Pháp Francois Hollande nói...
- 04-08-2016Có một ông Donald Trump rất khác…
- 04-08-2016Làn sóng theo Hillary: Phe Cộng hòa rối loạn vì Donald Trump
- 04-08-2016Ông Trump có thể đảo ngược quá trình toàn cầu hóa
Khả năng doanh nhân tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đang khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy lo ngại, hãng tin CNBC cho biết.
Vào hôm thứ Ba tuần này, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng một chiến thắng dành cho Trump - ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa - sẽ dẫn tới sự dịch chuyển về phía cánh hữu trong nền chính trị toàn cầu. Ông Hollande thậm chí còn nói rằng Trump gây cảm giác “buồn nôn”.
Phát biểu trước các nhà báo tại Paris, nhà lãnh đạo Pháp nhận định rằng cuộc đấu khẩu mới đây của Trump với cha mẹ của một binh sỹ Mỹ người Hồi giáo tử trận là “những phát ngôn làm người khác bị xúc phạm và đau lòng”.
“Sự quá đáng của ông ta khiến các bạn cảm thấy buồn nôn”, ông Hollande nói. “Nếu người Mỹ chọn Trump, thì sự lựa chọn đó sẽ có hậu quả, bởi cuộc bầu cử ở Mỹ là cuộc bầu cử của cả thế giới”.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump - “ông trùm” bất động sản đến từ New York - đã có hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến người Mexico, người Hồi giáo và phụ nữ. Tuy nhiên, đối với những cử tri đã “chán ngấy” các chính trị gia mang phong cách truyền thống, thì Trump giống như một “làn gió mới”.
Trước Tổng thống Pháp, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng đã bày tỏ mong muốn Trump không trở thành vị chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC hôm thứ Hai tuần này, ông Renzi nói ông muốn bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 năm nay. Ông Renzi nói việc chọn bà Clinton là một lựa chọn “hiển nhiên”.
“Tôi nghĩ, việc tôi và nhiều người khác muốn bà Clinton chiến thắng là điều hiển nhiên, bởi bà ấy là một phụ nữ am hiểu, có khả năng tạo ra lịch sử và tương lai với mọi đối tác”, nhà lãnh đạo Italy phát biểu.
Không bao giờ bỏ qua một cơ hội nào để gây ra tranh cãi, Trump đã nhiều lần mạnh miệng chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ và nhằm vào nhiều nước châu Âu cũng như lãnh đạo của nhất nước này. Trong đó, Trump đã kịch liệt phê phán chính sách người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Cách đây mấy tháng, Trump nói việc bà Merkel tiếp nhận một lượng lớn người di cư từ Trung Đông vào Đức là “điên rồ” và nước Đức đã “hoàn toàn bị đảo lộn”. “Tôi không thể tin nổi là mọi chuyện lại như thế. Tôi không tin là họ lại cho phép điều đó xảy ra”, Trump nói hồi tháng 4.
Gần đây hơn, Trump đã khiến các nước vùng Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia lo ngại khi nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ không giúp bảo vệ các nước này - vốn là đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - trong trường hợp Nga gây hấn. Ngoài ra, Trump còn nói rằng NATO đã không còn tác dụng.
Thậm chí, Trump còn thể hiện sự ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea, bất chấp phương Tây đang áp lệnh trừng phạt lên Nga vì việc làm này. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng “ca ngợi” Trump là một “người rất tài năng”.
Đối với nước Anh - quốc gia có mối quan hệ khăng khít đặc biệt với Mỹ bởi cùng sử dụng chung một ngôn ngữ và có nhiều sự kết nối về văn hóa - không có gì đảm bảo mối quan hệ này với Mỹ sẽ được duy trì nếu Trump đắc cử Tổng thống.
Hiện tại, Trump chưa “đả động” gì đến Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng bà May có thể đã “không ưa” Trump vì những bình luận gây tranh cãi của ông về phụ nữ. Năm ngoái, khi còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, bà May đã nói rằng Trump có thể bị cấm nhập cảnh vào Anh sau khi Trump kêu gọi cấm tạm thời người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Trump có một số sân golf ở Scotland, nhưng lãnh đạo vùng này không ưa Trump. Hồi tháng 3, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khuyến khích một nhóm thanh niên phản đối việc Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
VnEconomy