MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo Nam Long nói gì về việc cổ phiếu đi ngang trong suốt năm 2016?

Trong năm 2016, cổ phiếu NLG đã chịu áp lực thoái vốn từ các cổ đông nước ngoài là các quỹ Mekong, ASPL, IFC đến kỳ hạn đóng quỹ, làm cung cổ phiếu ra thị trường gia tăng đáng kể và ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân.

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) là một trong những chủ đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường BĐS Việt Nam với 23 năm hình thành và phát triển.

Với tổng tài sản khoảng 5.500 tỷ đồng cùng quỹ đất lên tới 567 ha là ưu thế lớn của Nam Long so với các doanh nghiệp BĐS cùng ngành. Hiện tại, các sản phẩm bất động sản của Nam Long phủ khắp các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ và Long An…Trong 5 năm tới, Nam Long dự kiến sẽ tiếp tục phát triển 10.000 căn hộ vừa túi tiền để cung cấp cho nhu cầu lớn của thị trường.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, Nam Long đạt doanh thu 1.672 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế tăng 2,5 lần lên 163 tỷ đồng. Mặc dù KQKD trong năm 2016 tăng trưởng tích cực nhưng giá cổ phiếu NLG gần như chỉ đi ngang trong suốt năm qua và điều này khiến không ít cổ đông công ty trăn trở.

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Xu hướng nhà ở vừa túi tiền lên ngôi” do CafeF kết hợp báo Trí thức trẻ tổ chức mới đây, ban lãnh đạo Nam Long đã có những chia sẻ cởi mở về hoạt động kinh doanh cũng như những biến động về giá cổ phiếu tới cổ đông công ty.

Cổ phiếu NLG chịu ảnh hưởng bởi giao dịch khối ngoại

Theo Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Đầu tư Nam Long, công ty luôn muốn các nhà đầu tư (bao gồm trực tiếp và gián tiếp) có lời khi bỏ tiền vào Nam Long. Về mặt chủ quan, bản thân ban lãnh đạo công ty đã cố gắng hết sức để KQKD công ty trong năm 2016 tăng trưởng tốt cả về doanh thu cũng như lợi nhuận.

Bà Hương cho rằng việc cổ phiếu công ty không tăng trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như diễn biến TTCK, biến động các chính sách thị trường Bất động sản và đặc biệt là bởi tác động từ giao dịch của các cổ đông lớn. Nam Long đã chủ động, cố gắng hết sức để cải thiện hoạt động kinh doanh nhưng việc thoái vốn của các nhà đầu tư ngoại do đến thời hạn thì ngoài tầm kiểm soát và điều này đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong giai đoạn qua.

Cụ thể, trong năm 2016, cổ phiếu NLG đã chịu áp lực thoái vốn từ các cổ đông nước ngoài là các quỹ Mekong, ASPL, IFC đến kỳ hạn đóng quỹ, làm cung cổ phiếu ra thị trường gia tăng đáng kể và ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, toàn bộ số cổ phiếu bán ra khoảng 19 triệu cổ phiếu đã có nhà đầu tư nước ngoài khác mua ngay và kết quả là room khối ngoại NLG vẫn kín 49%. Điều này chứng mình rằng nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận được các yếu tố cơ bản của NLG.

Cũng theo vị giám đốc Đầu tư Nam Long thì công ty đã có sự chuẩn bị kỹ hơn cho năm 2017 để nếu có xảy ra tình trạng tương tự cũng không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

“Chúng tôi đã có chuẩn bị kỹ hơn cho năm 2017 để nếu có xảy ra tình trạng tương tự cũng không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên cho đến giờ, theo trao đổi của chúng tôi với các cổ đông nước ngoài thì họ vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn” bà Hương cho biết.

Vì sao Nam Long liên tục phát hành trái phiếu chuyển đổi?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất cuối quý 3/2016, Nam Long có tổng cộng 690 tỷ đồng vay nợ ngắn và dài hạn, chỉ chiếm khoảng 12% tổng nguồn vốn công ty và đây là con số khá thấp. Trong những năm qua, Nam Long không dùng nhiều vốn vay ngân hàng mà thường phát hành Trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) để huy động vốn phát triển dự án và điều này khiến không ít cổ đông lo ngại cổ phiếu sẽ bị pha loãng, ảnh hưởng nhất định đến giá cổ phiếu.

Giải thích về vấn đề này, bà Hương cho biết Nam Long có nhiều cơ hội vay ngân hàng nhưng đã quyết định phát hành TPCĐ để ghi nhận công sức đóng góp của nhà đầu tư chiến lược, đó là Ibeworth – một thành viên thuộc Keppel Land Limited (Keppel Land) và là Tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Singapore.

Ibeworth hiện nắm giữ khoảng 5% cổ phần và đã có kế hoạch gia tăng sở hữu NLG từ lâu nhưng do doanh nghiệp kín room 49% nên họ chưa thể mua thêm. Do đó, Nam Long dùng hình thức phát hành TPCĐ để trong tương lai khi công ty gia tăng quy mô vốn thì Ibeworth sẽ được chuyển đổi cổ phiếu.

Bà Hương cũng nhấn mạnh, khác với các nhà đầu tư khác, Ibeworth là nhà đầu tư chiến lược và đã song hành cùng với Nam Long trong quá trình phát triển các dự án. Bởi vậy, việc phát hành TPCĐ cũng nhằm mục đích tri ân, mong muốn đồng hành với họ trong quá trình phát triển công ty.

Nam Long được biết đến là công ty phát triển loại hình BĐS nhà ở vừa túi tiền, với 25 năm kinh nghiệm. Tổng tài sản đến nay đạt hơn 5.022 tỷ đồng, quỹ đất hơn 500 héc-ta đảm bảo phát triển trong 10 năm tới.

Công ty hiện có các cổ đông và đối tác chiến lược quốc tế như Nam Viet Ltd (Công ty con 100% của Goldman Sachs), IFC (thành viên ngân hàng thế giới), Ibeworth (tập đoàn BĐS Keppel Land).

Bên cạnh đó, Nam Long cũng đang hợp tác với nhiều đối tác quốc tế đầu tư vào các dự án như Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad, tập đoàn Gamuda, Indochina Capital…

Giao lưu trực tuyến cùng Nam Long: Ai cũng cần một ngôi nhà để ở

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên