Lãnh đạo rót tiền mua/bán cổ phiếu: Cuộc chơi của những người giàu
Khi những thông tin từ kết quả kinh doanh đang dồn dập tác động đến giá cổ phiếu, thì lãnh đạp các doanh nghiệp lại liên tiếp xuống tay rót vốn vào mua/bán cổ phiếu.
Ngoài những thông tin đến từ kết quả kinh doanh đang rầm rộ được công bố trong thời gian qua, thì một trong những thông tin quan trọng làm giá cổ phiếu biến động trên thị trường là việc lãnh đạo công ty đang tham gia mua – bán cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình.
Một trong những bất ngờ lớn gần đây nhất là diễn biến giá cổ phiếu HAI của Nông Dược HAI. Ông Trần Quang Huy, Phó TGĐ tập đoàn FLC được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Nông dược HAI từ 25/7/2017. Đây không phải là tin quá sốc, bởi hiện FLC đang là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối của Nông dược HAI. Việc FLC thay thế người lãnh đạo tại công ty là không có gì đặc biệt.
Tuy nhiên, vừa nhậm chức, ông Trần Quang Huy đã lập tức đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu HAI. Trước đó ông Huy không sở hữu cổ phiếu HAI nào. Kết quả giao dịch của ông Huy chưa được công bố, nhưng cổ phiếu HAI đã trải qua 22 phiên tăng trần liên tiếp, từ vùng giá dưới 6.000 đồng/cổ phiếu nay đã ở mức 24.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Cổ phiếu HAI tăng chóng mặt, cá nhân tiếc nuối nhất có lẽ là ông Phạm Văn Nùng, khi ông này đã bán ra 4,7 triệu cổ phiếu HAI vào ngày 7/7 – những ngày đầu của chuỗi phiên tăng giá của cổ phiếu HAI.
Diễn biến giá cổ phiếu HAI của Nông dược HAI trong 3 tháng gần đây.
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết cũng vừa đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu FLC. Thông tin này cũng đã giúp cổ phiếu FLC tăng nhẹ. Giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết dự kiến bắt đầu tư 8/8 đến 7/9/2017.
Ngay trong phiên mua đầu tiên của ông Trịnh Văn Quyết, đã có gần 12 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, tăng đột biến so với mấy phiên trước đó.
Lịch sử giao dịch cổ phiếu FLC trong 10 phiên gần đây.
Cũng liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, trước đó mấy ngày bà Trịnh Thị Minh Huế, em gái ông Quyết đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu ROS của FLC Faros trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8. Cổ phiếu ROS đã tăng 35 phiên liên tiếp sau chuỗi ngày giảm sâu, hiện đã lên xấp xỉ vùng giá 95.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu ROS trong 6 tháng gần đây.
Cổ phiếu CEO của Tập đoàn CEO đã giảm khá sâu về vùng giá 10.400 đồng/cổ phiếu dù công ty đã có báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ, đạt 116 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Nhân lúc cổ phiếu CEO giảm ông Đoàn Văn Minh, em trai Chủ tịch Đoàn Văn Bình đã tranh thủ đăng ký mua vào 500.000 cp. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 27/7 đến 15/8/2017. Nếu giao dịch thành công, ông Minh sẽ bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này.
Ông Đặng Quốc Dũng, Ủy viên HĐQT CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) vừa mua vào 4,2 triệu cổ phiếu NTP, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 6,13 triệu cổ phiếu. Với mức giá bình quân 67 đến 68.000 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian giao dịch của ông Dũng, thì ông đã rót thêm khoảng 280 tỷ đồng vào Nhựa Tiền Phong.
Cổ phiếu NTP đang giảm nhẹ và hiện đứng giá ở mức 66.600 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu LCG của Licogi 16 đã tăng mạnh gần gấp 3 lần kể từ đầu năm 2017 đến nay. Nguyên nhân, phần lớn nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2017. Riêng quý 2 Licogi 16 báo lãi hơn 28 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, nâng lãi lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 41 tỷ đồng, gấp đôi nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 59% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Diễn biến giá cổ phiếu LCG trong 6 tháng gần đây.
Giữa tháng 7 vừa qua, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty đã bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng để mua vào 1 triệu cổ phiếu LCG, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 5,2 triệu đơn vị. Không chỉ ông Hùng, mà ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng Giám đốc công ty cũng đã bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để mua vào 500.000 cổ phiếu LCG. Giao dịch thực hiện trong nửa cuối tháng 7 vừa qua.
Cổ phiếu PVR đang đứng lại ở giá 2.200 đồng/cổ phiếu và hầu như không có thanh khoản trên thị trường. Bà Khúc Thị Thanh Huyền, Chủ tich HĐQT CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) vẫn chưa mua được 4,35 triệu cổ phiếu dù đã mấy lần đăng ký, nguyên nhân do không có số lượng kỳ vọng chào bán trên thị trường. Trong khi đó, CTCP Quản lý quỹ PVI lại chưa thể bán được 4,35 triệu cổ phiếu PVR do giá giao dịch chưa đạt kỳ vọng.
Với số cổ phiếu trên và thị giá hiện tại, giá trị giao dịch này rơi vào khoảng 10 tỷ đồng. Quản lý quỹ PVI và bà Khúc Thị Thanh Huyền chưa có tiếng nói chung nên vẫn chưa thể khớp lệnh.
Tuy nhiên, “may mắn” nhất thị trường chứng khoán thời gian qua phải kể đến ông Lê Phước Vũ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Giai đoạn từ 1/6 đến 7/6/2017, ông Lê Phước Vũ đã hoàn tất bán ra gần 9,6 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân trên dưới 32.000 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 300 tỷ đồng. Đây cũng là mức đỉnh giá của HSG từ trước đến nay tính theo giá điều chỉnh.
Ông Lê Phước Vũ còn may mắn hơn, khi vừa kịp lăn chốt nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 75% ngay trước khi bán bớt cổ phiếu chốt lãi.
Ngay sau khi ông Vũ bán ra, cổ phiếu HSG đã liên tục giảm. Tận dụng thời cơ, công ty riêng của ông Lê Phước Vũ, Công ty TNHH Tập đoàn Hoa Sen, lập tức đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu HSG. Chỉ tạm tính chênh lệch thị giá thời điểm ông Vũ bán ra và thời điểm công ty này mua vào đã thấy ông Lê Phước Vũ may mắn đến mức nào.
Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 với kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 380 tỷ đồng, tăng trưởng 173% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trên thị trường, cổ phiếu HBC cũng tăng số 140% kể từ đầu năm 2017 đến nay, hiện giao dịch quanh vùng giá 53.000 đồng/cổ phiếu. Bất chấp giá cổ phiếu tăng mạnh, ông Phương Công Thắng, Thành viên HĐQT công ty cũng vừa tính rót thêm khoảng 16 tỷ đồng mua thêm 300.000 cổ phiếu HBC. Hiện ông Thắng sở hữu 511.650 cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) đã bán thỏa thuận bớt 1 triệu cổ phiếu PPI, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 3 triệu cổ phiếu, thu về 315 tỷ đồng. Ngay sau khi ông Tấn bán ra, cổ phiếu PPI đã hồi phục, tăng lên mức giá 3.450 đồng/cổ phiếu. Đây cũng không phải lần đầu ông Tấn bán ra, mà trước đó không lâu, giai đoạn đầu tháng 7 ông Tấn cũng mới bán bớt gần 3 triệu cổ phiếu dù giá cổ phiếu PPI đang giảm sâu.
Cổ phiếu PPI hiện đang ở trong diện bị cảnh báo do LNST của cổ đông công ty mẹ và LNST chưa phân phối trên BCTC hợp nhất năm 2016 là số âm.
Ông Đinh Việt Thanh, anh ruột ông Đinh Việt Trung, ủy viên HĐQT của Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) lại vừa có động thái đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu APS đang sở hữu. Ông Thanh bán ra cũng có lý do, khi cổ phiếu APS đã tăng hơn gấp đôi tình từ đầu năm 2017 đến nay, lên vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Ông Đinh Việt Trung mới được bầu vào Thành viên HDQT côn ty từ tháng 6/2017.
Thị trường đã chứng kiến rất nhiều lần, khi cổ phiếu có biến động, đọng thái mua/bán cổ phiếu của các lãnh đạo công ty tác động rất mạnh đến giá cổ phiếu. Đó cũng là động thái "kíu" giá mỗi lần có biến động giảm sâu của nhiều lãnh đạo. Việc lãnh đạo công ty rót khoản tiền lớn vào doanh nghiệp cũng khiến các nhà đầu tư an tâm hơn.
Trí Thức Trẻ