Lao động nữ giảm 10% lương hưu: Sốc và thiệt thòi
Lao động nữ hiện chiếm hơn một nửa lực lượng lao động cả nước. Lo ngại việc thay đổi chính sách lương hưu tới đây sẽ tác động tiêu cực tới số lao động này đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.
- 25-10-2017Giảm lương hưu của lao động nữ: Quá đột ngột và thiệt thòi
- 12-03-2017Không nên cắt bỏ các điều khoản có lợi cho lao động nữ
- 22-12-2014Có được sử dụng lao động nữ trong hầm lò?
Việc thay đổi cách tính lương hưu chỉ còn vài tháng nữa sẽ có hiệu lực nhưng thời điểm này vẫn còn nhiều băn khoăn. Người lao động (NLĐ) cho rằng, khi quy định mới được thực thi, những người có đủ thời gian nghỉ hưu sẽ thiệt thòi. Đáng lo ngại hơn, trong quá trình triển khai luật, có sự áp dụng khác nhau giữa nam giới và nữ giới và điều này được cho là bất công với lao động nữ. Bởi lẽ, thời gian đóng BHXH của lao động nam để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% được thực hiện theo lộ trình từng năm, kéo dài đến năm 2022, thì lao động nữ (LĐN) lại phải áp dụng ngay từ năm 2018, không có lộ trình.
Thiệt đơn, thiệt kép
Theo quy định, từ 1-1-2018, LĐN nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (thay vì đóng 25 năm như hiện nay). Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1-1-2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm (lộ trình tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%). Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay). Như vậy, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, NLĐ phải đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay.
Biết được quy định này, LĐN nữ tỏ ra khá thất vọng, bà Nguyễn Thị Thảo (53 tuổi, hiện đang làm việc tại một cơ quan hành chính trụ sở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Đến nay, tôi đã đóng BHXH được 25 năm, so với điều kiện hưởng lương hưu tối đa vẫn thiếu 2 tuổi theo quy định. Nhưng từ 1-1-2018, phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương, mà tôi hiện mới có 25 năm nên nếu đóng BHXH thêm 2 năm nữa để đủ tuổi hưu, thì tôi vẫn phải lĩnh lương thấp hơn là nghỉ năm nay, dù đã bị trừ đi 2 năm thiếu tuổi. Đúng là thiệt đơn, thiệt kép".
Càng làm việc, càng đóng BHXH thì lương hưu càng thấp
BHXH vốn là chính sách an sinh xã hội tốt đẹp của Nhà nước, mục tiêu là đóng hiện tại để hưởng ở tương lai, đóng khi còn trẻ để có cuộc sống ổn định khi đã già. Thế nhưng, việc quy định tăng thời gian đóng nhưng lại giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của NLĐ, nhất là LĐN kể từ năm 2018 đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần thay vì để dành cho tương lai.
Vì sợ thiệt thòi, thực tế có nhiều người "chạy" thủ tục, hồ sơ để được nghỉ hưu trước thời điểm 1-1-2018. Dù có lý giải như thế nào đi nữa thì rõ ràng từ tháng 1-2018 lương hưu của lao động nữ sẽ giảm sút nghiêm trọng. Bà Lê Ngọc Yến (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Càng làm việc, càng đóng BHXH thì lương hưu càng thấp đi. Năm nay tôi 53 tuổi, đã công tác trong ngành tư pháp và đóng BHXH được 28 năm. Giả sử tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì ngoài việc được hưởng mức tối đa là 75% cho 25 năm đóng BHXH, tôi còn nhận được khoản trợ cấp một lần cho 3 năm đóng dư còn lại. Thế nhưng, từ tháng 1-2018, tôi không những chẳng có khoản trợ cấp nào mà phải đóng BHXH thêm 2 năm để được hưởng mức lương hưu tối đa. Điều này hết sức vô lý và bất công".
Điều chỉnh theo lộ trình
Lý giải về những thay đổi cách tính lương hưu mới, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng việc này cần thiết để đảm bảo cho Quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu chính sách, trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, bài toán cân đối Quỹ BHXH phải được đem ra bàn bạc cụ thể. Quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động dùng để trả lại quyền lợi cho NLĐ. Vấn đề đặt ra là đóng góp - chi trả như thời gian vừa qua thì tính bền vững của quỹ đến đâu? Cụ thể, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của chúng ta thuộc hàng cao nhất thế giới. Các chuyên gia cũng nhiều lần đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần phải thay đổi cách tính lương hưu để làm cho Quỹ hưu trí, tử tuất bền vững hơn, không chỉ cho thế hệ này mà cả các thế hệ tiếp theo.
Thừa nhận việc thay đổi cách tính lương hưu áp dụng từ ngày 1-1-2018 là một bước để hướng tới mục tiêu cải thiện tình hình tài chính Quỹ BHXH bền vững, an toàn hơn nhưng ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, công thức tính lương hưu của LĐN chưa hợp lý. Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam nên dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH.
Cụ thể, LĐN có thời gian đóng BHXH từ 30 năm lên trở đều được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, chỉ khác là người nghỉ năm 2018 có mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 2,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH. Đối với lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH thì bị tác động lớn hơn. LĐN nghỉ hưu vào năm 2018 có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với nghỉ hưu năm 2017 lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5 - 10%. Điều này sẽ tạo ra tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây thiệt thòi cho lao động nữ. Để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, cần phải xem xét, sửa đổi Điều 56 và Điều 74, Luật BHXH 2014 theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ được thực hiện có lộ trình nâng dần.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, quá trình điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu tối đa đối với LĐN sẽ có những vướng mắc xung quanh câu chuyện nghỉ hưu trước và sau ngày 1-1-2018. Ví dụ trường hợp của những người tới năm 30 tuổi mới có cơ hội đóng BHXH và tới khi nghỉ hưu là tháng 1-2018 thuộc đối tượng điều chỉnh bởi quy định mới thì NLĐ sẽ bị thiệt thòi. Đây chỉ là một trong những điểm "vướng" trong chính sách mà BHXH cũng đang rất tích cực đưa phương án trình Chính phủ và báo cáo để xin ý kiến của Ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Công thức tính lương hưu của LĐN chưa hợp lý. Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam nên dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH"- ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
An Ninh Thủ đô