Lễ khánh thành dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam giữa trời mưa tầm tã và lời xin lỗi của CEO Tập đoàn Trung Nam
Lễ khánh thành Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW diễn ra trong một buổi tối mưa rào hiếm hoi của vùng đất Ninh Thuận quanh năm nắng gió, do ảnh hưởng của cơn bão số 7.
Toàn bộ thành viên ban quản lý của Tập đoàn Trung Nam cúi đầu xin lỗi trong buổi lễ khánh thành.
Mở đầu bài phát biểu của nhà đầu tư, Tổng giám đốc Nguyễn Tâm Tiến và hơn 100 cán bộ Trung Nam đã tiến lên sân khấu cúi đầu xin lỗi dưới trời mưa lớn, sân khấu không có mái che: "Thưa già làng, trưởng bản, thưa đồng bào sống ở khu vực dự án, chúng con đến đây để khai phá vùng hoang hóa này. 102 ngày đêm, những con người này, đã gây ra rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Không thể không có tiếng khoan, tiếng xe máy ngày đêm, rất phiền đến cuộc sống của bà con và đồng bào.
Hôm nay đây, chúng con đứng ở đây, mảnh đất này, xin được nói một lời xin lỗi đến bà con. Mong bà con rộng lượng, chúng con thành thật xin lỗi.
Dự án thành công ngoài sức tưởng tượng. 102 ngày đêm với hơn 8.200 người, chưa kể đến công lao từ trung ương, địa phương, chính quyền… Lãnh đạo của Trung Nam, dự án Trung Nam – Thuận Nam, đội ngũ kỹ sư xin cảm ơn tất cả" - Tất cả đội ngũ quản lý của Trung Nam cùng cúi đầu.
"Binh đoàn máy cày" bên bờ vực
Với tổng diện tích 770 hecta, trải dài từ Thuận Nam, Ninh Thuận đến Vĩnh Tân, Bình Thuận, dự án bao gồm nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 450 MW, 1.400.000 tấm pin quang điện, sử dụng hơn 30 nghìn tấn thép làm giá đỡ, đủ để xây dựng 4 tháp Eiffel. Hơn nữa, cả 3 yếu tố chính của dự án cùng diễn ra song song trong thời gian thi công cấp tốc nhất từ trước đến nay.
Tổng giám đốc Trung Nam thừa nhận, khi lên kế hoạch thực hiện dự án này, Trung Nam Group đã đặt cược vào một thách thức vượt sức tưởng tượng: lắp đặt hơn 1.400.000 tấm pin quang điện, 553 ha/giải phóng mặt bằng trong 45 ngày, đào hơn 3 triệu mét khối đá, lắp đặt trạm 500KV lớn nhất Việt Nam – 20 ngăn lộ 220KV, 13 ngăn 500 KV, 20 km dường dây 220/500KV băng núi cao.
"Nếu không hoàn thành Trung Nam sẽ đứng bên bờ vực" - ông Nguyễn Tâm Tiến nhấn mạnh.
Mục tiêu trọng yếu đầu tiên trong chiến dịch của Trung Nam là vận chuyển 6 máy biến áp với trọng tải 160 tấn/máy từ Vĩnh Tân về công trường. "Việc thi công máy biến áp này, quan trọng nhất là cẩn thận trong quá trình vận chuyển. Vì đây là thiết bị siêu trường, siêu trọng, yêu cầu nghiêm ngặt về quá trình vận chuyển. Chỉ một chấn động nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng và gây rủi ro trong quá trình phóng điện" - kỹ thuật viên của Trung Nam cho biết.
Hành trình dài 20 km từ Vĩnh Tân đến khu vực trạm biến áp tại công trường này, không chỉ có đường quốc lộ rộng lớn, mà còn đoạn đường hẹp trong khu dân cư, và các dốc cao trong phạm vi công trường đang thi công. Với những tảng đá dưới lòng đường, bao quanh bởi vực sâu và cây rừng, đường mòn vô cùng trắc trở, khó đi cho cả máy cày và xe ben. Cũng có thể nói, Dự án của Trung Nam thực sự ở bên bờ vực, theo nghĩa đen.
Thách thức lớn nhất trong toàn bộ dự án này là đường dây 500 KV gồm 34 trường điện. Trong đó có 17 trường điện ở đồng bằng, và 17 trường điện xây dựng xuyên núi. Trung Nam quyết định vận chuyển bằng... máy cày.
"Một trụ như thế nặng khoảng trăm tấn, ở đây phải vận chuyển bằng đoàn 24 chiếc máy cày. Chúng tôi đặt tên là "binh đoàn máy cày". Không thể dùng phương tiện cơ giới nào khác ngoài máy cày, túc tắc chở nước, xi măng, đá lên núi. Phải nói là rất kỳ công" - ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ. Cuối cùng, dự án cũng đã hoàn thành, đưa nhà máy 450MW AC hòa vào lưới 500KV quốc gia vào ngày 29/09/2020.
Lời hứa và nguyện vọng của Tập đoàn Trung Nam
Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, theo ông Tiến, có vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy kinh tế Ninh Thuận, đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam theo Nghị quyết 115 của Chính phủ.
"Nơi quý vị đang ngồi, cách đây 4,5 tháng chỉ là những đồi đất hoang hóa với xương rồng, lác đác vài đàn cừu phơi nắng – chịu gió quanh năm nhưng thời khắc này, một kỳ tích mới đã mở ra" - ông Tiến nói tại buổi lễ.
"Tôi luôn tâm niệm, nếu bạn không làm vừa lòng dân thì chỉ bạn mới đi được ½ của thành công, thậm chí đôi lần nó lại là sự thất bại. Chúng tôi đến đây khai phá vùng đất hoang sơ, núi đá với những bụi xương rồng còn sót lại nhưng trên hết mảnh đất này, đã đang và từng gắn bó với bà con đồng bào bao đời nay. Tinh thần thiện chí và cởi mở của họ đã là một phần không thể thiếu trong việc gây dựng nên trang trại pin mặt trời – nơi các bạn đang ngồi".
Để đáp lại những khó khăn trên, Trung Nam cam kết sẽ tuyển dụng hết khả năng có thể để tạo công ăn việc làm ổn định cho những người đang trong độ tuổi lao động Ninh Thuận để "trả ơn" chính mảnh đất này.
Đây không chỉ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, mà còn là lần đầu tiên tư nhân được đầu tư trạm 500KV và đường dây 500KV. "Bàn giao 0 đồng cho EVN" - ông Tiến nhấn mạnh. Dự án này đã quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải.
Cuối bài phát biểu, ông Tiến nêu nguyện vọng được chấp thuận cho nhà đầu tư Trung Nam hưởng trọn giá bán điện như những nhà đầu tư khác là 9.35 cent thay vì chỉ hưởng một phần.
"Kiến nghị này hợp cả lý và tình vì đầu tư có điều kiện và đặc thù, giúp Chính phủ và chính quyền Ninh Thuận - Bình Thuận giải tỏa công suất, dự án hoàn thành các bên đều hưởng lợi như: Chính phủ, EVN, Bộ Công thương, tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận" - Tổng giám đốc này nói.
Trong toàn bộ thời gian phát biểu của ông, trời mưa không ngừng vì ảnh hưởng của cơn bão số 7. Thế nhưng, khi đại diện Trung Nam và các đại biểu cắt băng khánh thành Dự án, trời vừa kịp tạnh ráo để có thể bắn pháo hoa chào mừng.