Lên kế hoạch nghỉ hưu sớm khi lương 20 triệu/tháng: Tiêu 1 nửa tiền lương, thuê nhà dưới 3 triệu
Mục tiêu nghỉ hưu sớm không phải là “ngừng làm việc”, mà là “ngừng áp lực” với chuyện kiếm tiền.
- 14-11-2022Cặp vợ chồng mua 19 bất động sản chỉ trong 4 năm, 40 tuổi đã nghỉ hưu với khối tài sản 1,5 triệu USD
- 21-10-2022Nghỉ hưu ở tuổi 57 với 197 tỷ USD, tỷ phú Jeff Bezos giờ ra sao: Tận hưởng cuộc sống theo ý thích, không tiếc tiền cho những thú vui xa xỉ khổng lồ
- 07-10-2022Triệu phú tự thân 35 tuổi đã nghỉ hưu: Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ thay đổi 5 điều này, ai cũng cần làm ngay!
Tính từ thời điểm 20 tuổi bắt đầu kiếm tiền, đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhà nước, tức là bạn sẽ có 40 năm để làm việc. Nhưng sẽ ra sao nếu như trong 40 năm đi làm, bạn vẫn không có đủ tiền để chi tiêu, hay đạt được tự chủ tài chính? Ở thế hệ ông bà, đến ba mẹ, hầu như mọi người đều chọn con đường nghỉ hưu truyền thống. Kết thúc tuổi đi làm thuê và sống dựa vào tiền lương hưu.
Khi lựa chọn nghỉ hưu truyền thống, bạn có rất nhiều thời gian để tích lũy tiền bạc, khoảng 30-40 năm. Nhưng nếu chỉ đi làm công ăn lương, rồi tiết kiệm trong chi tiêu mà không có sự chuẩn bị về mặt tài chính từ sớm, sẽ có rất nhiều hạn chế nếu như chúng ta nghỉ hưu vào năm 60 tuổi. Khi đó, tất cả những khoản chi tiêu hàng tháng phụ thuộc vào mức lương hưu ít ỏi, hay những trường hợp khẩn cấp thì dùng đến số tiền đã tích lũy được.
Chính vì những bất cập của việc nghỉ hưu truyền thống này, dẫn đến giới trẻ ngày nay, thuộc thế hệ 9x trở đi, đang đi theo trào lưu “nghỉ hưu sớm”, với mục tiêu làm việc chỉ kéo dài từ 10-20 năm. Khánh Linh Tường (28 tuổi, Hà Nội), hiện tại là trưởng phòng truyền thông của 1 công ty du lịch, cũng là một trong những 9x theo đuổi trào lưu “nghỉ hưu sớm” từ khi lương 20 triệu.
Nghỉ hưu sớm là “ngừng áp lực” với chuyện tiền bạc, chứ không phải là “ngừng làm việc”
Quan điểm của mình về việc nghỉ hưu sớm là “Không còn áp lực về chuyện kiếm tiền, chứ không phải là nghỉ làm và sống hưởng thụ”. Mục tiêu nghỉ hưu sớm chỉ đơn giản là từ bỏ những công việc làm công ăn lương nhàm chán, để tiến vào trạng thái nghỉ ngơi và làm những công việc mình yêu thích. Để làm được điều này, việc chuẩn bị kế hoạch tài chính thật kỹ càng.
Một trong những lý do khiến mình quyết tâm phải đạt được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm là từ gương của bố mẹ. Vốn dĩ, bố mẹ mình là dân làm công ăn lương, hưởng chế độ nghỉ hưu theo bảo hiểm xã hội là 5 triệu/tháng sau 40 năm làm việc vất vả. Với mức sống hiện đại ngày nay, mức lương hưu 5 triệu đồng hoàn toàn không đủ để bố mẹ sống hàng tháng. Còn chưa kể đến lạm phát, bệnh tật, hoặc tình huống bất ngờ xảy ra mà cần tiền.
Để có thể lo cho bố mẹ, tự chủ trong cuộc sống, mình hướng đến mục tiêu nghỉ hưu sớm, việc tạo ra dòng tiền ổn định để không cần phải đi làm, mà vẫn có tiền chi tiêu hàng tháng là điều cốt lõi. Mình áp dụng quy tắc 25x và quy tắc 4%, đây là 2 con số cụ thể trong việc chuẩn bị tài chính. Tuy không phải con số hoàn hảo cho mọi hoàn cảnh, nhưng chỉ cần tuân theo đúng nguyên tắc này, việc đạt được tự do tài chính sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
“Quy tắc 25x” được tính theo 1 nghiên cứu từ Mỹ năm 1994, tức là chúng ta cần tích lũy được con số gấp 25 lần tổng chi phí sinh hoạt hằng năm, để có thể nghỉ hưu yên ổn. Từ khi nhận được mức lương 20 triệu cho đến nay, mình đều áp dụng quy tắc này để tính toán được con số cụ thể mà mình muốn, tùy từng thời điểm mức thu nhập và chi tiêu thay đổi.
Ví dụ: Ở mức lương tháng 20 triệu, sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt và tiền gửi về nhà, mình còn để dư được khoảng 10 triệu/tháng. Vậy tổng chi phí hàng năm sẽ rơi vào khoảng 120 triệu/năm. Để có thể nghỉ hưu yên ổn, theo quy tắc 25x, mình cần số tiền ít nhất là 3 tỷ đồng. Thời điểm đó, mức tiết kiệm là 10 triệu/tháng, mình cần bỏ ra (3 tỷ/10 triệu/12 tháng) = 25 năm làm việc và tích lũy. Nếu không muốn kéo dài 25 năm, mình phải nỗ lực làm việc, kiếm tiền, và tiết kiệm nhiều hơn, có thể rút ngắn thời gian xuống.
Nhưng không phải tích lũy đủ 3 tỷ đồng là có thể yên tâm nghỉ hưu. Vì vấn đề cần giải quyết nữa, là từ năm nghỉ hưu thứ 26, tiền ở đâu ra để có thể trang trải sinh hoạt phí? Vậy nên, “quy tắc 4%” luôn song hành cùng “quy tắc 25x”. Trong quá trình tích lũy được 3 tỷ, mình sẽ phải xây dựng được 1 danh mục đầu tư với lãi suất kỳ vọng 4%/năm, hoặc hơn nếu có khả năng đầu tư tốt. Với sức mạnh của lãi kép, từ số tiền tích lũy 3 tỷ, mình sẽ có thêm 120 triệu tiền lãi, vừa vặn với mức chi tiêu 1 năm của mình. Nếu rút 4% này để sử dụng, hoàn toàn không cần tiêu đến 3 tỷ kia.
Tóm lại, bài toán nghỉ hưu của mình là kiếm đủ số tiền gấp 25 lần chi phí 1 năm, đem số tiền đó đi đầu tư để mức sinh lãi kỳ vọng khoảng 4-7%/năm.
Những cách đạt được nghỉ hưu sớm
Ngày càng có nhiều phương pháp nghỉ hưu sớm được phổ biến. Vì việc tiết kiệm và đầu tư đơn thuần không phù hợp với tất cả mọi người. Có trường hợp, mọi người lựa chọn sống tiết kiệm nhất có thể, giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt hằng năm của bản thân để đạt được con số tự do tài chính nhanh nhất. Hoặc có những người không theo đuổi được việc tiết kiệm quá khổ, nên họ tập trung vào tối đa hóa nguồn thu nhập để không phải cắt bỏ chi tiêu hàng tháng.
Bản thân mình không phải người tiết kiệm quá giỏi, cũng không chịu được áp lực công việc liên tục nhiều năm. Vì thế mình lựa chọn phương pháp làm việc ngắn hạn. Thay vì làm việc hùng hục suốt 25 năm không ngừng nghỉ để kiếm 3 tỷ, mình sẽ chia nhỏ quãng thời gian, làm việc xen kẽ nhau.
Mình chia nhỏ thành 3 giai đoạn dựa theo năng lực làm việc và khả năng kiếm tiền. Ví dụ như lúc 22 tuổi bắt đầu đi làm, mình luôn phấn đấu trong 5 năm đầu tiên. Đây cũng là thời điểm xây dựng nền móng về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm,... là bệ đỡ cho việc kiếm tiền những năm tiếp theo. Năm 27 tuổi vừa rồi, mình cũng có chuyến đi xa khoảng 1 tháng để nghỉ ngơi. Và sau đó lại quay lại để làm việc. Cứ đan xen như vậy, vừa có thể tìm công việc ổn định, vừa có thể giảm bớt căng thẳng trong quá trình kiếm tiền và tích lũy tài chính.
Học cách tiết kiệm để đạt được nghỉ hưu sớm
Mình luôn tâm đắc câu nói: “Tiết kiệm càng sớm bao nhiêu thì số tiền cần kiếm ít đi bấy nhiêu”. Việc tiết kiệm đòi hỏi mình phải biết kiềm chế bản thân trước những nhu cầu không đáng có, và kiên trì thực hiện nó đến khi trở thành 1 thói quen. Quá trình đó thực sự gian nan kể từ khi kiếm được tiền. Vì tiêu tiền bản thân làm ra, sẽ không có cảm giác tội lỗi như tiêu tiền của bố mẹ chu cấp. Đôi khi, có những khoản chi tiêu chỉ để mua vui bản thân như sắm sửa quần áo, mỹ phẩm,... chẳng mang lại niềm vui lâu dài. Để từ bỏ suy nghĩ đó, mình phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng mình không hoàn toàn gạt bỏ những khoản chi này ra khỏi cuộc sống, như những bữa ăn cùng bạn bè, hay món đồ cần thiết cho sự kiện tuần sau. Vậy nên, mình chia nhỏ số tiền sinh hoạt thành nhiều khoản phục vụ cho từng mục đích.
Như hồi lương 20 triệu, 10 triệu để chi tiêu và 10 triệu tiết kiệm. Từ hồi còn là sinh viên, mình đã đặt ra mục tiêu, khi chưa vượt mức lương 20 triệu/tháng, mình sẽ chỉ dành 1 nửa số tiền kiếm được để tiêu, thuê nhà ở với chi phí dưới 3 triệu, không mua sắm đồ hiệu. Mình vẫn giữ mức chi tiêu đó cho đến khi đi làm được vài năm. Mình không chạy theo lối sống nào cả, mà chỉ tập trung vào sự tối giản nhất có thể. 10 triệu dành để tiêu phải bao quát được những nhu cầu cơ bản của mình như: Tiền ăn ở, sinh hoạt cơ bản, tiền đi lại, và 1 khoản nhỏ dành để đầu tư cho kiến thức, và tiền dành cho các đình đám phát sinh. Đôi khi muốn tiết kiệm nhiều hơn, mà mình đã giảm các chi phí như tiền cafe, ăn ngoài, tiệc tùng cùng bạn bè, mua sắm... Thay vào đó là tự nấu ăn, chế biến các loại đồ uống khác thay thế, chần chừ trước các quyết định mua sắm hoặc lựa chọn phương án thay thế với giá thành rẻ hơn. Những điều nhỏ bé nhưng có sức mạnh rất lớn về sau. Vì nó giúp bản thân mình có ý thức hơn trong chuyện tiêu tiền.
Tối đa hóa nguồn thu nhập
Thu nhập là điều quan trọng nhất quyết định khả năng tự chủ về tài chính. Nếu thu nhập thấp, đây là yếu tố sẽ kéo hầu hết mọi người trượt dài trên con đường tích tiền. Bản thân mình cũng vậy, mình không thể cứ duy trì mãi mức lương 20 triệu và mơ ước về tự do tài chính. Điều này là bất khả quan, vì dù có cố gắng tiết kiệm nhiều bao nhiêu, thì cũng không thể so với tốc độ lạm phát. Vậy nên, bên cạnh việc tiết kiệm tiền, mình càng tập trung hơn vào việc tối đa hóa nguồn thu.
Để có thể kiếm nhiều tiền hơn, mình cần đem lại giá trị cho những người thuê mình. Nếu là người làm thuê, hãy chăm chỉ để hoàn thành tốt các công việc, năng nổ nhận những thử thách mới, khiến cho sếp đánh giá cao hơn, thì khả năng trong thời gian tới sẽ có tên trong danh sách tăng lương. Còn nếu là người kinh doanh, làm tự do, việc tự giác và kiên trì là yếu tố đánh giá năng suất làm việc. Bản thân mình luôn kết hợp cả 2 kiểu công việc này, vừa làm thuê vừa nhận thêm dự án ngoài, vì cơ hội nghề nghiệp ngày càng được mở rộng. 1 ngày làm đến 14 tiếng là chuyện bình thường, kiệt sức là điều đương nhiên, chính vì thế mình hay có những kỳ nghỉ ngắn hạn để lấy lại sức.
Ngoài ra, việc lập danh sách đầu tư từ sớm là bước quyết định đến tài chính sau nghỉ hưu. Càng bắt đầu đầu tư sớm, kỹ năng tài chính sẽ càng được nâng cấp sớm. Mình không dồn toàn bộ nguồn lực để đầu tư vào 1 loại tài sản, mà luôn chia nhỏ số tiền để đầu tư theo giai đoạn.
Lợi ích của việc nghỉ hưu sớm với mình, là không phải chịu cảnh lương hưu 5 triệu như bố mẹ. Mà thay vào đó, mình tìm hiểu về tài chính nhiều hơn, tiết kiệm và kiếm tiền nhiều hơn để đến 1 độ tuổi nhất định, không còn phụ thuộc vào đồng tiền, có thể tự do làm những điều mình yêu thích.
Phụ nữ Việt Nam