Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới
Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng (Ảnh minh họa: Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa)
Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng.
- 24-06-2022Hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc mở lại đường bay đến Đà Nẵng
- 24-06-2022Nông nghiệp chạy nước rút để tiêu 60.000 tỷ đầu tư công?
Sáng 24/6, tại tỉnh Khánh Hòa , Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới". Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới, phù hợp với thực trạng phát triển các địa phương trong tiểu vùng và bối cảnh, tình hình mới.
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW , các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tiểu vùng đã nhiều thay đổi; tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiều đổi mới; một số tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả…
Tuy nhiên kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn; 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn Vùng. Liên kết Vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò "Nhạc trưởng" định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Từ những kết quả bước đầu và những hạn chế còn tồn tại, khó khăn, tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh thành, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW). Sau đó, ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Vùng được chia làm 3 tiểu vùng gồm Tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); tiểu vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị).
Tiểu vùng Nam Trung Bộ, có diện tích đất liền 21.440 km2, bằng khoảng hơn 6% diện tích cả nước; là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người (bằng khoảng 4% dân số cả nước) với hơn 12 dân tộc của 4 địa phương. Tiểu vùng Nam Trung Bộ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cũng như đối với cả nước.
Báo Công Thương