MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu nền kinh tế Việt Nam có đang ở trường hợp 'lò xo bị nén', chờ ngày bùng nổ?

Liệu nền kinh tế Việt Nam có đang ở trường hợp 'lò xo bị nén', chờ ngày bùng nổ?

Để có thể biết được liệu nền kinh tế Việt Nam có đang ở trường hợp "lò xo bị nén" chờ ngày bùng nổ hay không thì cần phải xem xét tất cả ảnh hưởng của những yếu tố chi tiêu hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu của Chính phủ và cán cân thương mại.

Theo phương pháp chi tiêu, tăng trưởng kinh tế GDP sẽ được tính dựa trên các yếu tố chi tiêu hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu của Chính phủ và cán cân thương mại theo công thức 

GDP = C + I + G + NX

Vậy nên, để có thể biết được liệu nền kinh tế Việt Nam có đang ở trường hợp "lò xo bị nén" chờ ngày bùng nổ hay không thì cần phải xem xét tất cả ảnh hưởng của những yếu tố này.

C – Chi tiêu hộ gia đình

Có thể thấy rằng, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng đến rất nhiều đến nguồn thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong vòng 7 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội theo đó cũng gia tăng, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo hồi đầu năm của Deloitte, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, tỷ lệ người tham gia khảo sát có dự định cắt giảm chi tiêu đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, 36% người tham gia khảo sát đã chia sẻ quan điểm trên, trong khi ở khảo sát tương tự do Deloitte thực hiện vào năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, tỷ lệ này chỉ có 6%.

Về cơ bản, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu đồng nghĩa với việc người dân cắt giảm chi phí tiêu dùng cho các danh mục sản phẩm dịch vụ khác. Chẳng hạn, nếu như cắt giảm ngân sách cho giải trí và du lịch được giải thích là do tình trạng hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, thì việc giảm chi tiêu cho điện tử dân dụng đã phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong thời kỳ bất ổn này.

Chủ tịch TGDD từng phát biểu: "Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và sẽ giảm luôn… dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024. Chỉ một ngày nào đó các bạn thấy du lịch mở cửa trở lại, người dân hoạt động nhộn nhịp… thì chúng ta mới có thể hy vọng về một sức mua gia tăng".

I – Đầu tư tư nhân

Tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, cho thấy sự lưỡng lự của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Hiện tại, tất cả các điểm đến có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Long An, Bình Dương, TP. HCM và Hà Nội đều đang ở trong tình trạng giãn cách xã hội. Điều này dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.

Liệu nền kinh tế Việt Nam có đang ở trường hợp lò xo bị nén, chờ ngày bùng nổ? - Ảnh 1.

Nguồn: GSO

Thế nhưng, một điểm đáng chú ý trong năm nay chính là làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào TTCK, chiếm 85% thị trường. Theo chia sẻ của Kinh tế trưởng VinaCapital, năm 2021, số tài khoản chứng khoán cá nhân mới ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm ngoái, và tổng số các nhà đầu tư cá nhân đã tăng hơn 26% cho tới nay. Bên cạnh đó, nhu cầu bất động sản tăng lên bất chấp sự khan hiếm căn hộ trung cấp và bình dân tại các thành phố lớn.

G – Chi tiêu của Chính phủ

Đầu tư công được coi là yếu tố then chốt trong tăng trưởng, nhưng so với năm ngoái, chỉ tiêu này lại gặp khó do tốc độ giải ngân vẫn còn chậm. Theo đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở thời điểm hiện tại đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Riêng vốn đầu tư công thực hiện tháng 7 giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 40,67%. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

NX – Cán cân thương mại

Cán cân thương mại được tính bởi chênh lệch giữa X (xuất khẩu) và IM (nhập khẩu). Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.

Liệu nền kinh tế Việt Nam có đang ở trường hợp lò xo bị nén, chờ ngày bùng nổ? - Ảnh 2.

Nguồn: GSO

Bộ Công thương dự báo, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Thế nhưng, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến cho gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Chưa kể, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2021 cho biết, xuất khẩu và đầu tư công được xem là 2 trong số những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Do đó, để góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 2021 khoảng 6%-6,5% thì Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh dịch, việc điều hành các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ cũng như các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên