Linh hoạt cơ chế cho vay ngoại tệ
Chỉ 4 ngày sau khi đưa ra Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ, ngày 15-11, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 31/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015.
- 20-11-2016Gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá cuối năm
- 18-11-2016Kéo dài cho vay ngoại tệ: Ai được lợi nhiều nhất?
- 17-11-2016Hạn chế vay ngoại tệ: Sao cứ lần lữa mãi?
Theo đó, kênh vốn rẻ cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ tiếp tục được nối tiếp đến hết năm 2017, nhưng bước đi này sẽ khiến tiến trình chống đô la hóa kéo dài hơn.
Mở, đóng lại mở...
Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhu cầu vay ngắn hạn nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu liên tục nằm trong tầm ngắm hạn chế của NHNN. Điều này xuất phát từ lo ngại DN không có nhu cầu ngoại tệ nhưng vẫn vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, hưởng lợi từ lãi suất thấp của khoản vay ngoại tệ. Lấy đơn cử như năm 2008, mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ rất cao so năm 2007, NHNN đã siết lại các đối tượng được vay ngoại tệ bằng Quyết định 09. Thế nhưng năm 2009, NHNN lại bổ sung nhóm DN xuất khẩu vào các đối tượng được phép vay ngoại tệ, DN vay ngoại tệ để sử dụng trong nước với điều kiện phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay.
Chúng ta vẫn kiên trì mục tiêu chống đô la hóa nhưng lộ trình thực hiện sẽ giãn ra, thay vì đến năm 2017-2018 có thể kéo dài hơn so với đề án cũ. Theo đó, NHNN đang dần dần trở lại cơ chế nhận tiền gửi và cho vay ngoại tệ bình thường để hỗ trợ DN kèm theo điều kiện các NHTM phải tự chịu trách nhiệm trước quyết định cho vay của mình.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh
Ngày 8-3-2012, NHNN ban hành Thông tư 03 quy định từ ngày 2-5-2012, DN xuất khẩu không được vay ngoại tệ để đổi thành tiền đồng phục vụ vốn cho sản xuất kinh doanh mà chỉ dùng cho thanh toán. Song khi đến thời hạn phải chấm dứt, NHNN lại tiếp tục gia hạn vay ngoại tệ cho nhóm này. Và liên tiếp từ đó đến quý I-2016, NHNN ban hành nhiều Thông tư về cho vay ngoại tệ, trong đó đều quy định thời hạn cho phép DN xuất khẩu được vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước và khi đến thời hạn quy định lại tiếp tục nới thời hạn vì lý do cần phải hỗ trợ DN.
Chẳng hạn tháng 12-2015, Thông tư 24/2015 đã dứt khoát yêu cầu nhóm đối tượng này chỉ vay ngoại tệ đến hết ngày 31-3-2016, như vậy cửa vay ngoại tệ đối với nhóm DN này đã đóng lại. Các DN xuất khẩu tưởng như đã hết cơ hội tiếp cận vốn vay ngoại tệ, nhưng sự quyết liệt của NHNN không kéo dài được lâu.
Ngày 27-5, chỉ sau 2 tháng ngưng cho vay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Thông tư 07/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015, theo đó các DN tiếp tục được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu với điều kiện có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay đến hết ngày 31-12-2016 và hiện tại nguồn vốn này sẽ được cung ứng cho đến hết năm sau.
Kéo dài mục tiêu chống đô la hóa để hỗ trợ DN
Theo NHNN, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, nhất là DN xuất khẩu, nên để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, NHNN ban hành Thông tư 31/2016 sửa đổi, bổ sung quy định cho vay bằng ngoại tệ. Trong lần mở lại cơ chế cho vay ngoại tệ vào giữa năm nay, NHNN cho biết những tháng đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tình hình hạn hán tại Nam Trung bộ, Tây nguyên và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL diễn biến phức tạp, sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung đã tác động tiêu cực tới hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển.
Trước đây, sau khi chống vàng hóa nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN cũng sẽ sớm tiến hành các bước tương tự để chống đô la hóa nền kinh tế theo đúng mục tiêu đề ra trong lộ trình đến năm 2017-2018 sẽ không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NHTM. Tuy nhiên, nhiều lần phải gia hạn cho vay ngoại tệ cho thấy việc chống đô la hóa vẫn còn chịu sự chi phối trước nhiều yếu tố khách quan. Trên lộ trình của mình, NHNN đã nhiều lần phải dừng bước để tạo điều kiện hỗ trợ DN, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Từ cuối năm 2015, NHNN đã thể hiện quyết tâm muốn tiến đến mục tiêu chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ khi áp lãi suất huy động USD về mức 0%, áp dụng tỷ giá trung tâm, bán ngoại tệ kỳ hạn và hạn chế cho vay ngoại tệ. Song diễn biến thị trường một lần nữa nằm ngoài dự tính của chính sách tín dụng ngoại tệ đã xác định cuối năm 2015 và NHNN phải linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ thị trường.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, NHNN tiếp tục mở rộng kênh vốn này trong năm 2017 vì đứng trước bài toán tồn đọng dự trữ ngoại tệ trong dân nhưng không biết xử lý thế nào. Lãi suất huy động USD ở mức 0% nhưng thực tế huy động USD của các NH vẫn tăng, vì người dân cần một nơi cất hộ an toàn. Nhưng nếu cho vay ngoại tệ phải tính toán lại lãi suất huy động.
Tài khoản ngoại tệ gửi NH hiện nay là tài khoản vãng lai không thời hạn và bất cứ lúc nào người dân cũng có thể rút tiền về. Cho nên cửa vay ngoại tệ đã mở ra nhưng NH không thể cho vay ngoại tệ có thời hạn hoặc chỉ có thể cho vay một mức độ thấp để tránh bị động nếu người dân lấy lại. Muốn cho vay ngoại tệ có thể phải tăng lãi suất USD để trở lại huy động có thời hạn, nhưng lãi suất này cũng chỉ nên ở mức thấp. Trong bối cảnh hiện nay, việc chống đô la hóa vẫn phải làm nhưng buộc làm từng bước chứ không thể tiến đến ngay được.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính