MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lĩnh vực lương cao nhất Việt Nam hiện nay là gì?

Lĩnh vực lương cao nhất Việt Nam hiện nay là gì?

Vị trí tổng giám đốc, giám đốc điều hành trong lĩnh vực này (với kinh nghiệm 5 năm trở lên) đang được mời gọi mức lương lên tới 400-600 triệu đồng/tháng tại TP.HCM và 300-400 triệu đồng/tháng tại Hà Nội.

Hướng dẫn tiền lương Adecco Việt Nam 2021 đã cung cấp một bức tranh chi tiết về mức lương hiện tại của các vị trí dựa trên kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp chính ở Hà Nội và TP. HCM. Theo đó, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang có mức lương vào mức cao nhất thị trường.

Trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động hiện có. Một số phương pháp phổ biến nhằm nâng cao hiệu suất của nhân viên bao gồm đào tạo nội bộ, đánh giá hiệu quả công việc và bổ nhiệm lại nhân sự. 

Vị trí Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành trong lĩnh vực này (với kinh nghiệm 5 năm trở lên) đang được mời gọi mức lương lên tới 400-600 triệu đồng/tháng tại TP.HCM và 300-400 triệu đồng/tháng tại Hà Nội.

Lĩnh vực lương cao nhất Việt Nam hiện nay là gì? - Ảnh 1.

Nhiều vị trí khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng được trả mức lương rất cao, lên tới hơn 80-100 triệu đồng/tháng cho dù ứng viên có dưới 5 năm kinh nghiệm như các vị trí Giám đốc bán hàng, Quản lý bán hàng cấp vùng, cấp khu vực, Giám đốc Marketing...

Lĩnh vực lương cao nhất Việt Nam hiện nay là gì? - Ảnh 2.
Lĩnh vực lương cao nhất Việt Nam hiện nay là gì? - Ảnh 3.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam tăng cao

Theo Fitch Solutions, năm 2019, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Việt Nam là khoảng 17 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP. Fitch Solutions cũng dự báo rằng, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,7%.

Sự bùng phát Covid-19 chắc chắn đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành nghề ở Việt Nam, nhưng sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu và mối quan tâm của cả người dân và Chính phủ Việt Nam.

Trên một khía cạnh khác, trong khoảng ba năm trở lại đây, nhu cầu chăm sóc viên làm việc trong các bệnh viện, viện dưỡng lão tại nước ngoài, tiêu biểu như Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Đây là ngành có số lượng thực tập sinh được tiếp nhận hằng năm rất lớn, với nhu cầu hàng chục nghìn nhân lực mỗi năm.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Dự báo đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Và đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già tương đương Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội nói chung. Đồng thời, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, những bệnh nhân có thu nhập cao hơn sẵn sàng chi trả hơn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại và chất lượng cao. 

Trước những thách thức hiện tại mà các bệnh viện công tại Việt Nam và đại dịch Covid-19 đang đối mặt, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ kỹ thuật số có rất nhiều vị trí làm việc đầy hứa hẹn.

Ngày 18/4/2020, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động Telehealth - được phát triển bởi Viette. Chương trình này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bằng cách kết nối bệnh nhân và bác sĩ thông qua nền tảng ảo. Với 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, Telehealth sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng đồng thời giảm chi phí.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ y tế vẫn còn tương đối sơ khai. Lĩnh vực này cũng phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển của công nghệ mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên