ĐHCĐ MB: Chia cổ tức tỷ lệ 11%, hoàn tất thoái vốn khỏi MBLand trong năm 2017
ĐHCĐ của MB đã thống nhất tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.000 tỷ trong năm nay, chia cổ tức tỷ lệ 11% trong đó 6% bằng tiền và 5% bằng cổ phiếu. Ngân hàng cũng lên kế hoạch lãi cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây với hơn 4.500 tỷ.
Sáng nay 26/4/2017, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào sáng 26/4/2017.
Đúng 8h đại hội bắt đầu
Có thể nhận sáp nhập với một ngân hàng khác
Theo báo cáo của ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT, giai đoạn 2017 - 2021, MB đặt mục tiêu nằm trong top 5 ngân hàng về hiệu quả kinh doanh. Để thực hiện điều này, ngân hàng sẽ dựa vào 3 trụ cột là: ngân hàng cộng đồng, ngân hàng chuyên ngành và ngân hàng số; 2 nền tảng quản trị rủi ro và năng lực thực thi nhanh.
MB sẽ tận dụng cơ hội hợp tác với Fintech, xu hướng M&A để tăng quy mô, có thể thực hiện mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa cổ đông và các nhà đầu tư.
MBBank cũng sẽ thực hiện đầu tư chuyển dịch ngân hàng ứng dụng số, liên kết hợp tác với Viettel, đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm (bancas), nghiệp vụ ngân hàng đầu tư.
Về hoạt động quản trị điều hành, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc cho biết sẽ tập trung đào tạo nhằm tăng năng suất lao động thêm 10%.
Riêng ngân hàng lãi 3.700 tỷ trong năm 2016, lên kế hoạch lãi 4.300 tỷ cho năm 2017
Theo báo cáo của ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc, năm 2016, ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch được cổ đông giao cho. Tới 31/12/2016 tổng tài sản đạt 256 nghìn tỷ; tiền gửi khách hàng đạt gần 195 nghìn tỷ; dư nợ cho vay khách hàng hơn 150 nghìn tỷ, tỷ lệ nợ xấu 1,32% và lợi nhuận trước thuế 3.651 tỷ với riêng ngân hàng là hơn 3.700 tỷ.
Tại thời điểm cuối năm 2016, MB có nhân sự 10.656 người (bao gồm cả các công ty con), trong đó riêng ngân hàng là 7.886 người.
Theo kế hoạch năm 2017 ngân hàng sẽ tăng tổng tài sản thêm khoảng 10% so với năm 2016, vốn điều lệ tăng thêm 6%, huy động vốn từ thị trường 1 tăng 8 – 10% và tín dụng tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận hợp nhất 4.532 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng là 4.300 tỷ. Tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 11%.
Nhiệm vụ ngân hàng đặt ra cho năm 2017 và mục tiêu 5 năm tới là nằm trong top 5 ngân hàng. Các giải pháp kinh doanh trọng tâm của năm nay là thay đổi phương pháp kinh doanh hướng tới hiệu quả từng khách hàng; tăng năng lưc phân tích kinh doanh; củng cố quan hệ với khách hàng truyền thống và phát triển khách hàng mới ưu tiên SME, FDI; đẩy mạnh bán chéo; đầu tư mạnh vào ngân hàng số…
Đại diện NHNN có ý kiến
Đại diện Thanh tra giám sát NHNN là ông Trần Nam Phi đánh giá MB là một trong những ngân hàng phát triển lành mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều ngân hàng không chia cổ tức nhưng MB vẫn chi trả cổ tức bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu, có năm lên đến 10 hay 11%, đó là dấu hiệu của sự tăng trưởng bền vững và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Chậm nhất là tháng 6 năm nay NHNN sẽ có chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2017 - 2021. MB cũng là một trong các ngân hàng đó và sẽ phải xây dựng định hướng, chiến lược phù hợp với hệ thống.
Tăng vốn điều lệ lên hơn 18.000 tỷ
Theo tờ trình đại hội cổ đông thường niên 2017, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) sẽ tăng vốn điều lệ từ 17.127 tỷ lên 18.155 tỷ trong năm nay.
Theo lãnh đạo ngân hàng thì MB phải tăng vốn là điều cấp thiết để đảm bảo tuân thủ, đáp ứng tốt các chỉ tiêu trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro, nâng cao năng lực cho MB…
Việc tăng vốn sẽ tiến hành qua 2 đợt. Đợt 1 tăng thêm 856 tỷ qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2 năm 2016 với tỷ lệ 5%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 đến quý 4.
Đợt 2 sẽ phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với nguồn vốn tăng thêm là 171 tỷ đồng và cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian thực hiện cũng là từ nay đến cuối năm chứ chưa nói rõ cụ thể.
Nguồn vốn tăng thêm ngân hàng dự chi 270 tỷ để xây trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh và đầu tư công nghệ khác, còn 758 tỷ đồng để bổ sung các nguồn vốn khác.
9h40, đại hội bước vào phần thảo luận
ông Lê Hữu Đức trả lời cổ đông (ảnh Tùng Lâm)
Cổ đông hỏi: Dựa vào đâu mà ngân hàng quyết định đầu tư mạnh vào ngân hàng số?
Ông Lê Hữu Đức chủ tịch HĐQT trả lời: MB sẽ có nhiều thuận lợi nếu triển khai ngân hàng số khi ngân hàng đã đầu tư khá nhiều cho công nghệ thông tin. MB cũng có đối tác chiến lược là Viettel, hai bên đang triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sản phẩm phù hợp sự hợp tác của khách hàng.
MB cũng sẽ sử dụng Viettel làm kênh phân phối cho các sản phẩm ngân hàng số này.
Cổ đông hỏi: Cập nhật tình hình 2 công ty mới thành lập của MB?
Ông Lê Hữu Đức: Công ty bảo hiểm liên doanh đã được MB triển khai bán tại 7 chi nhánh trong năm qua và sẽ triển khai tại các chi nhánh ở Hà Nội trong năm nay, sau đó triển khai ra 48 tỉnh thành của ngân hàng.
Còn công ty tài chính tiêu dùng MC đã lựa chọn được đối tác uy tín của Nhật để triển khai liên doanh. Định hướng của công ty này là nhắm đến khách hàng bình dân, sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và thủ tục phục vụ nhanh. Trong 4 tháng bán sản phẩm, MC đã đạt 5.300 tài khoản khách hàng và dự kiến có ROE tương đương 15% sau 3 năm nữa.
Cổ đông hỏi: Nhiều ngân hàng lãi lớn và chia cổ tức nhiều, MB dự định chia bao nhiêu trong năm nay?
Ông Lê Hữu Đức: Dự kiến chia 6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu, trong đó phần tiền mặt đã tạm ứng từ ngày 8/3/2017.
Cổ đông hỏi: CAR hiện là chưa đến 11% theo Basel I, vậy theo Basel 2 là bao nhiêu? Ngân hàng định trích lập dự phòng bao nhiêu? Có định mua lại nợ của VAMC không? Các khoản phải thu của ngân hàng hiện nay thế nào?
Cổ đông hỏi: Chúng tôi không muốn nhận cổ tức tiền mặt mà muốn nhận cổ phiếu có được không?
Cổ đông hỏi: Giá cổ phiếu MB sao lại thấp hơn ACB trong khi các chỉ số đều tốt hơn?
Cổ đông hỏi: Room cho cổ đông nước ngoài của ngân hàng sẽ thế nào? Kết quả kinh doanh quý 1 ra sao?
Cổ đông hỏi: Quá trình thoái vốn của MB tại MBland đến nay ra sao?
Ông Lưu Trung Thái trả lời các câu hỏi trên của cổ đông
1, CAR của ngân hàng hiện là 12%, cao hơn quy định của NHNN.
2, Dự kiến năm nay sẽ giảm lượng trái phiếu VAMC xuống 1.250 tỷ và giữa năm sau sẽ không còn nợ bán cho VAMC nữa.
3. Về nợ ngoại bảng, hàng năm đưa ra nguyên tắc thu hồi dựa trên cơ sở thu hồi khoản lớn có khả năng thu hồi trước.
4, Thu nhập từ đầu tư cổ phiếu đến từ cổ tức và giá trị cổ phiếu tăng thêm. Tính trong 5 năm vừa qua, so với nhóm VCB, CTG, ACB,… thì thu nhập từ cổ phiếu MB chỉ đứng sau VCB nếu cộng dồn 2 giá trị này. Giá trị cổ phiếu thấp một phần là do công tác truyền thông, cung cấp thông tin định hướng phát triển dài hạn vẫn còn hạn chế. HĐQT cam kết sẽ đổi mới về hình ảnh ngân hàng để từ đó tăng giá trị cho cổ phiếu MBB.
5, Trong quý 1 doanh thu tăng 32%, lợi nhuận tăng 22% đạt 1.055 tỷ đồng, bằng hơn 25% so với kế hoạch đề ra.
6. Thoái vốn của MB khỏi MBland là bắt buộc. Hiện ngân hàng đang thuê SSI định giá và tìm đối tác chiến lược, việc thoái vốn sẽ hoàn tất trong năm nay. Ngân hàng có thể thoái theo yêu cầu của Nhà nước hoặc thoái toàn bộ tùy theo diễn biến thị trường.
7. Về chia cổ tức, ngân hàng sẽ tính theo tình hình nhưng cơ bản là chia 6% tiền mặt và 5% cổ tức.
Cổ đông hỏi:
- Kế hoạch kinh doanh của các công ty con thế nào trong năm nay?
- Kế hoạch sáp nhập cụ thể là thế nào, chủ động sáp nhập hay chờ người ta tìm đến?
- Trong thời gian qua, ngân hàng tăng vốn khá nhiều, EPS gần như không tăng trưởng nên giá cổ phiếu đứng yên, vậy Ban lãnh đạo ngân hàng có kế hoạch như thế nào để khắc phục tình trạng này?
Ông Lưu Trung Thái trả lời: Chiến lược kinh doanh những năm tới là hướng tới top 5 về hiệu quả tức là lợi nhuận, quy mô, ROE.
Mục tiêu lợi nhuận tập đoàn tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Như vậy kế hoạch tăng trưởng là mạnh hơn và doanh thu phải tăng 20% mỗi năm.
Từ đó HĐQT xây dựng chiến lược bám sát kế hoạch đã đưa ra dựa trên 3 trụ cột và 2 nền tảng như đã trình bày trong tờ trình.
2. Lợi nhuận của tập đoàn là hơn 4.500 tỷ - cao nhất 6 năm qua cả về tăng trưởng (hơn 20%) lẫn con số tuyệt đối, trong đó riêng ngân hàng mẹ là 4.300 tỷ, cho thấy mức tăng trưởng của ngân hàng mẹ sẽ chậm hơn mức tăng chung, chỉ 15%, tức là các công ty con sẽ tăng nhanh hơn.
3. Một phần việc giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua không tăng được là do tăng vốn khá nhanh. Trong 5 năm tới, chúng ta sẽ có 3 phương án tăng vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh và Basel II, trong đó, ưu tiên huy động vốn từ trái phiếu dài hạn để giảm bớt chi phí, tăng EPS. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng năm tới cũng khá cao, từ đó tạo điều kiện để tăng EPS cho cổ đông.
4. Về sáp nhập, ông Lê Hữu Đức trả lời:
Kế hoạch sáp nhập cần nói cụ thể là sáp nhập với ngân hàng nào? Việc này HĐQT được cổ đông giao cho cần phải xác định năng lực, từ đó lựa chọn, đàm phán, nếu đối tác phù hợp chiến lược phát triển và phù hợp với quyền lợi cổ đông mới quyết định. Sau khi chọn được đối tác sẽ báo cáo cổ đông.
11h20, đại hội thông qua các tờ trình với tỷ lệ tán thành trên 99%.
Trí Thức Trẻ