ĐHCĐ Vinaconex: "Không có chuyện tiền từ Vinaconex chảy về An Quý Hưng...nếu làm sai tôi sẵn sàng đi tù"
"Làm gì có chuyện tẩu tán ở đây. Sau tôi không có ngân hàng nào hết, tiền các cổ đông đóng góp An Quý Hưng. Nếu chúng tôi chuyển 1 đồng từ Vinaconex về An Quý Hưng thì các anh cứ báo công an bắt", ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Vinaconex khẳng định.
Sáng nay (28/6), Tổng công ty cổ phần Vinaconex (VCG) đã tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2019.
Tại đại hội, Công ty TNHH đầu tư Star Invest đã có đơn kiến nghị về việc bổ sung vào Chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex.
Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) là cổ đông sở hữu 33.455.400 cổ phần phổ thông, tương đương 7,57% vốn điều lệ của của Tổng công ty Vinaconex đã đề nghị Ban tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tổng công ty Vinaconex bổ sung vào Chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tổng công ty những nội dung sau đây:
Thứ nhất, Star Invest đề nghị bổ sung Báo cáo của HĐQT về việc sửa đổi quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty. Cụ thể, Star Invest cho rằng cần sửa đổi quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty. Cụ thể, theo quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty sửa đổi thì Chủ tịch HĐQT được quyết định các giao dịch lên đến 10% tổng giá trị tài sản của Tổng công ty (tức khoảng 950 tỷ đồng) và Tổng Giám đốc được quyết định các giao dịch đến 5% tổng giá trị tài sản của Tổng công ty (khoảng 475 tỷ đồng).
Về việc mua cổ phiếu quỹ theo Quyết định số 0139/2019/QĐ-HĐQT ngày 26/02/2019, Star Invest kiến nghị cần xem xét rõ căn cứ pháp lý và mục đích của việc HĐQT quyết định mua lại 23.578.299 cổ phiếu VCG làm cổ phiếu quỹ, nguồn tiền sử dụng để mua cổ phiếu quỹ lấy từ Quỹ đầu tư phát triển có trái với quy định tại Quy chế tài chính của Tổng Công ty.
"Căn cứ nào để HĐQT thông qua mức giá mua cổ phiếu quỹ tối đa 30.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó? Việc ấn định mức giá này có trái với quy định tại khoản 2 Điều 130 Luật doanh nghiệp 2014? - Vì sao đến nay việc mua cổ phiếu quỹ chưa được thực hiện và trong tương lai HĐQT có kế hoạch tiếp tục thực hiện mua cổ phiếu quỹ hay không?", đơn kiến nghị của Star Invest nêu rõ.
Ngoài ra, Star Invest cũng kiến nghị bổ sung Báo cáo của Ban kiểm soát về giám sát hoạt động chi tiêu tài chính của Tổng công ty, cụ thể: Tổng số tiền Tổng công ty chi tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình thu hồi các khoản tiền Tổng công ty đã tạm ứng, nNhững rủi ro đối với Tổng công ty trong trường hợp không thu hồi được khoản tiền tạm ứng.
Star Invest cũng kiến nghị Đại hội đồng cổ đông giao nhiệm vụ HĐQT xây dựng bộ các quy chế, ưu tiên quy chế tài chính và quy chế quản trị điều hành cho phù hợp với thông lệ của công ty đại chúng niêm yết, xem lại ngay những quyết định không phù hợp, gây rủi ro cho công ty. Nội dung này phải được đưa vào Nghị quyết của Đại hội
Về công tác nhân sự, Star Invest đề nghị Hội đồng quản trị báo cáo về tình hình biến động nhân sự quản lý của Tổng Công ty và các công ty con trong thời gian qua, phân tích nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chảy máu nhân sự chất lượng cao.
Trước văn bản kiến nghị của Star Invest, Đại hội đã lấy ý kiến biểu quyết trực tiếp của các cổ đông tham dự. Kết quả, trong số 411 triệu cổ phiếu biểu quyết, có 129 triệu cổ phiếu tán thành (chiếm 31,52%), số lượng không có ý kiến chiếm 0,31%, số cổ phiếu không hợp lệ chiếm 0,3%, 278 triệu cổ phiếu không tán thành (chiếm 67,8%). Như vậy, ĐHCĐ đã không thông qua đơn kiến nghị của Star Invest.
Hải Phòng đã hủy quyết định thu hồi dự án Cát Bà Amatina
Tại đại hội, các cổ đông cũng đã nghe Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông thông báo về kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019. Theo đó, năm 2018 công ty đạt tổng doanh thu 10.084 tỷ đồng, bằng 84,4% năm 2017, lợi nhuận sau thuế 639 tỷ đồng, bằng 39% năm 2017. Kết quả kinh doanh năm 2018 thấp hơn năm 2017 là do năm 2017 công ty có khoản thu nhập bất thường từ việc thoái vốn 100% phần góp tại Công ty cổ phần nước sạch Viwasupco.
Về hoạt động kinh doanh BĐS, ông Đông cho biết năm 2018 công ty đã ghi nhận một phần doanh thu từ dự án chung cư 2B Vinata, dự án chung cư Bohemia, BT5 An Khánh – KĐT Spledora. Bên cạnh các dự án đã đi vào kinh doanh năm 2018 Công ty cũng GPMB thành công Dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ, tìm nhà đầu tư cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, làm việc với UBND Hải Phòng hủy quyết định thu hồi dự á Cát Bà Amatina.
Về kế hoạch năm 2019, ông Đông cho biết doanh thu dự kiến 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 743 tỷ đồng. Trong năm 2019, tiếp tục bán hàng tại các dự á Bohemia 25 Nguyễn Huy Tưởng, 97-99 Láng Hạ, triển khai đầu tư dự án 93 Láng Hạ. Cùng với đó, Vinaconex sẽ tăng tốc đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc, tiếp tục xây dựng KĐT mới Splendora, triển khai dự án KĐT tại thành phố Móng Cái – Quảng Ninh, triển khai dự án Cát Bà Amaina tại Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Vinaconex sẽ đầu tư dự án KĐT Thiên Ân, Khu dân cư Ngân Câu, Dự án Việt khớp nối Đông Á (Vinaconex 25). Cùng với đó, Công ty sẽ xin đầu tư văn phòng kết hợp chung cư tại 442 Lê Hồng Phong – Nha Trang, nhà kho cho thuê tại Hòn Dung – Nha Trang, phát triển dự án KĐT Đồi Chè, Cao Xanh tại Quảng Ninh và các khu đô thị khác tại Hòn Dung – Nha Trang.
Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinaconex lên 49%
Tại ĐHCĐ, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông tờ trình thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty Vinaconex. Cụ thể, trong số 26 ngành nghề đăng ký kinh doanh của Vinaconex có 3 ngành nghề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (SHNN) ở mức 0%. Theo đó, hiện nay tỷ lệ SHNN tại VCG đang là 0%.
Với mục tiêu đa dạng hóa hình thức sở hữu tại VCG, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần VCG một cách hợp pháp thông qua việc nới tỷ lệ SHNN lên đến 49% vốn điều lệ VCG theo hướng loại bỏ và sửa đổi các ngành nghề, lĩnh vực bị hạn chế sở hữu nước ngoài.
Phần hỏi đáp:
Cổ đông: Tại sao HĐQT bị kiện, thiệt hại gây ra từ vụ kiện thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Trả lời:
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch Vinaconex: Về việc tại sao bị kiện tôi cũng không biết bởi ĐHCĐ bất thường của Vinaconex do Viettel và SCIC tổ chức hoàn toàn hợp lệ. Kết quả có 7 thành viên HĐQT thì có 6 thành viên bầu tôi làm chủ tịch. Sau 1 tháng có đơn kiện bản thân tôi cũng bị bôi xấu, mang tiếng tăm xấu xa.
Ông Thân Thế Hà – Thành viên HĐQT: Về nguyên nhân kiện có hai khía cạnh thứ nhất về pháp lý và thứ hai về pháp luật.
Đối với vấn đề về pháp luật, tôi đại diện cho tổ chức mua cổ phần tại Vinaconex. Sau khi VCG tổ chức ĐHCĐ thì tổ chức mới nhận thấy tiến trình, quy trình, thủ tục triển khai có điều gì đấy thiếu, không đầy đủ đặc biệt VCG là công ty đại chúng lớn. Theo luật quy định, trong vòng 90 ngày xảy ra sự việc vẫn có thể hồi tố lại, trên cơ sở những cái thiếu, những cái chưa đầy đủ như vậy chúng tôi đã có đơn kiến nghị lên tòa án. Hiện tại sau 1 tháng việc này đã có kết luận của tòa, các vấn đề thuộc về pháp lý pháp luật thuộc quyền hạn họ phán xét thế nào, chúng tôi không nói gì trước pháp luật được.
Về góc độ doanh nghiệp, tại VCG tôi cũng là người có thâm niên công tác 28 năm, tôi tham gia vào VCG từ lúc công ty chỉ có 50 người. Trong thời gian phát triển VCG đã có rất nhiều thành công, xây lắp ở top 4 của ngành, để làm được điều này có nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố đoàn kết của VCG, đây là nền tảng cơ bản thực hiện các công việc, từ trước đến nay đối với cơ cấu cổ phần nhà nước chúng tôi duy trì được điều đó. Nay sang cơ chế tư nhân, đây là lợi ích của các cổ đông, khi vật chất bị ảnh hưởng ý thức bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến sự đoàn kết. Tôi thực sự rất buồn về điều này, chúng tôi kêu gọi đoàn kết, mong muốn đoàn kết. Để đoàn kết phải đảm bảo lợi ích cho nhau, công khai minh bạch. Hành lang làm được điều đó là luật chơi các quy chế.
Vì vậy cổ đông chúng tôi có ý kiến quy chế HĐQT, phạm vi quy mô Vinaconex các quyết định quan trọng liên quan đến dự án, tài chính, nhân sự. Tôi nghĩ hiện nay các cá nhân có thể tự quyết gây ra rủi ro cho doanh nghiệp. Công ty cổ phần văn minh nhất có sự tham gia của nhiều cổ đông, có sự đóng góp là sự chia sẻ kết nối hợp tác, một cá nhân giải quyết vấn đề như vậy gây ra những bức xúc, có gửi những đơn kiến nghị. Chúng tôi mong chúng ta có một nền tảng thực hiện một lợi ích hài hòa minh bạch phát triển đúng nghĩa công ty cổ phần.
Ông Nguyễn Quang Trung – Thành viên HĐQT: Đơn kiện là sự đấu tranh thúc đẩy công ty phát triển hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, ông Thanh yêu cầu ông Hùng, trưởng ban pháp lý trình bày lại bối cảnh vụ kiện, đồng thời cho rằng có cơ sở pháp lý để chứng minh những thiệt hại mà những cổ đông VCG phải chịu khi có thông tin dừng hoạt động của HĐQT.
Cổ đông: Có hiện tượng tẩu tán tài sản tại VCG hay không, tiền chuyển về an Quý Hưng hay không?
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT: Làm gì có chuyện tẩu tán ở đây. Sau tôi không có ngân hàng nào hết, tiền các cổ đông đóng góp An Quý Hưng. Nếu chúng tôi chuyển 1 đồng từ Vinaconex vào An Quý Hưng thì các anh cứ báo công an bắt.
Có thông tin tôi lấy tiền của Vinaconex mua Maybach. Tôi làm lãnh đạo lớn của 4 tập đoàn lớn lúc nào tôi mua ô tô chẳng được. Ai chỉ được ông Thanh lấy tiền từ VCG mua Maybach tôi sẵn sàng tặng người đó 1 cái Maybach. Vấn đề tẩu tán tài sản ở đâu, tôi với tư cách chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm tuyệt đối và hoàn toàn không có chuyện này.
Từ ngày tôi làm chủ tịch VCG tôi chưa chi 1 đồng nào. Tôi bỏ tiền vào đây tôi ký 1 tỷ thì có sao đâu. Sau tôi và anh Đông có rất nhiều người, 7.400 tỷ chúng tôi sở hữu đấy, mất thì phải đền tại sao lại phải kiện. Tôi làm TGĐ Ecopark cách đây 16 năm, từ một cánh đồng tôi làm nên cả 1 dự án tỷ đô, tôi đã lấy đồng nào đâu, lương Vinaconex trả tôi mấy chục triệu nhưng tôi chưa chi xu nào từ ngày về Vinaconex, tổng số tiền lương tôi nhận được ở đây chưa bằng 1 tháng lương tôi làm ở chỗ khác, lương tôi phải vài chục nghìn đô, tôi làm ở đây là sự tín nhiệm của anh em. Tôi không tham ô, tôi sẵn sàng giao chức chủ tịch cho ông Hà hoặc ông Trung nếu HĐQT bầu các anh ấy. Tôi nói thêm về quy chế một chút để các anh hiểu.
Vấn đề thứ 2 là thất thoát, nếu có thất thoát thật thì tại sao công ty kiểm toán Deloitte vẫn ký. VCG là công ty nhà nước cổ phiếu chỉ loanh quanh ở mức 17.000 đồng nhưng sau khi bị kiện mất cả nghìn tỷ. Tuy nhiên, hiện nay giá cổ phiếu tăng lên trên 20.000, thậm chí có phiên 27.000. Tài sản của VCG đang tăng đấy chứ, thất thoát ở đâu.
Đầu năm 2019, số dư tiền mặt của tổng công ty là 1.840 tỷ đồng. Sau khi đơn vị này tạm ứng cổ tức 441 tỷ và mua trái phiếu 140 tỷ đồng hiện số dư tiền mặt là 1.811 tỷ đồng. Không có chuyện VCG bị thất thoát tài sản.
Chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là khác nhau. Không có chuyện tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng. Tiền chúng tôi mua Vinaconex là do chúng tôi góp lại để mua, làm gì có ngân hàng phía sau để vay. Tại sao thắc mắc?
Tôi sai tôi sẵn sàng đi tù nếu tôi làm sai, tôi năm nay 71 tuổi đi tù không sao, vấn đề ở đây tôi nhắc lại chúng tôi làm bất kỳ điều gì phải thượng tôn pháp luật.
Cổ đông: Hiện VCG có hiện tượng phân chia quyền lực hay không?
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT: Tôi còn làm chủ tịch sẽ không có khái niệm phân chia quyền lực tại VCG, ai là người có năng lực thì làm, không có tiền lệ gì cả. Không có chuyện VCG là hợp tác xã, là công ty họ hàng "một người làm to cả họ được nhờ".
Cổ đông: Tại sao từ khi có HĐQT mới hàng loạt lãnh đạo cao cấp bị thay thế?
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT VInaconex: Vinaconex từ cơ chế nhà nước sang tư nhân, lãnh đạo nào suy nghĩ có phong bì tôi cho nghỉ luôn Chúng ta cần những người giỏi quản lý chứ không cần những người làm thất thoát tài sản công ty, thậm chí có những trường hợp cần thì mời cơ quan pháp luật vào.
Bên cạnh đó, có không ít người thấy VCG kiện cáo nhiều cũng nản quá nên họ đi sang chỗ khác làm cũng là điều đương nhiên.
Tôi là người mới về đây, tôi đi dạy học 33 năm tôi thấy những người VCG là những người rất chân chất, lương ở đây thấp lắm, những người ở chỗ khác lương phải cả trăm triệu nhưng hiện nay ở VCG chỉ hơn chục triệu.
Nhiều người đặt câu hỏi về tình trạng chảy máu chất xám. Trong một doanh nghiệp, con người là rất quý trọng nhưng phải người làm được. Tôi trả bao nhiêu tiền cũng được nhưng không thể để tình trạng điều hành mà cứ làm thất thoát, lãng phí vài chục tỷ mà không chịu trách nhiệm gì được.
Công ty không phải hợp tác xã mà ở đó bố thì làm chủ tịch, vợ làm thủ quỹ, con là trưởng ban. Tại Vinaconex, ai có năng lực thì làm, không có tiền lệ nào cả nhưng phải làm đúng luật. Định hướng phát triển doanh nghiệp với những giá trị khác biệt, chuyên nghiệp và sự đẳng cấp, không phải trên cơ sở làm việc trên "bàn nhậu".
Cổ đông: Dự án Cái Giá – Cát Bà hiện nay thế nào, đã bị thu hồi hay chưa?
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT: Tôi đánh giá đây là dự án đặc biệt quan trọng, đây là dự án quy mô hàng trăm ha lại ở một hòn đào đảo không được mở rộng. Đặc biệt, có một khu đô thị có sổ đỏ vĩnh viễn, một sự hiếm có khó tìm. Tôi không hiểu vì sao VCG không làm. Thời gian vừa qua, VCG đã trả nợ tiền đất của dự án cho Hải Phòng.
Cổ đông: Dự án Splendora khi nào mới triển khai? Có thông tin Sovico muốn mua lại?
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT: Đây là Dự án tốt nhất Việt Nam, cạnh chúng ta Vingroup bán hàng trăm triệu đồng trên mỗi m2 biệt thự. 70ha bán rẻ chúng ta cũng được 4.000-5.000 tỷ đồng. Tại dự án này, đối tác muốn mua lại chúng tôi xin ý kiến cổ đông nếu được giá sẽ bán.
Ông Nguyễn Quang Trung – Thành viên HĐQT:
Từ 7 năm trước nhóm đầu tư chúng tôi đã bắt đầu tham gia theo đề nghị của lãnh đạo Vinaconex thời đó để hỗ trợ giải quyết bế tắc về tài chính và phát triển liên doanh Hàn Quốc này. Chúng tôi chính thức đầu tư quản lý cũng 2 năm.
Công ty An Khánh không phải bức tranh màu hồng. Đây là 1 liên doanh và Vinaconex không quyền chi phối. Hiện nay tình hình tài chính của Công ty đang vô cùng khó khăn. Hàng năm hai bên góp vốn đều phải đứng ra bảo lãnh, cam kết hỗ trợ vô điều kiện để kiểm toán không công bố tình trạng phá sản. Nghĩa vụ của An Khánh với chúng tôi cũng lên tới 5.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty An Khánh – JVC, đơn vị sở hữu dự án Splendora đang lỗ lũy kế 1.600 tỷ đồng, âm vốn sở hữu 1.000 tỷ đồng. Tổng nợ của doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng, khoản tiềm tàng đâu đó còn 1.600 tỷ đồng.
Chúng ta có 200ha, trong đó 37ha là đất ở có cao tầng và thấp tầng, 20ha đất dịch vụ trường học. Dự án rất gian nan, muốn bán được chúng tôi phải làm hạ tầng, tăng vốn. Nếu tăng vốn mỗi bên phải được 1.000 -1.500 tỷ đồng. Chúng tôi cần hai cổ đông ngồi vào với nhau cần tiếng nói chung vì sổ đỏ chưa có, phải đi vay ngân hàng.
14h30 Đại hội đã thông qua toàn bộ các tờ trình.
Trí Thức Trẻ