Lộ diện Top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 2021, vị trí số 1 của BIDV đã bị một ngân hàng tư nhân soán ngôi
Ảnh minh họa
Bảng xếp hạng 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 2021 đã có nhiều sự thay đổi so với năm trước. BIDV không còn là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất.
- 07-02-2022Năm 2022, tăng trưởng tín dụng còn kéo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng?
- 06-02-2022Toàn cảnh những cuộc soán ngôi ngoạn mục trong Top 10 lợi nhuận ngân hàng
- 08-01-2022Loạt ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh năm 2021: Nhiều con số gây bất ngờ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 được các ngân hàng công bố, 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất trong số 27 ngân hàng giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên sàn chứng khoán sở hữu tới hơn 74,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 8,39% so với năm 2020.
Top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 2021 đã có nhiều sự thay đổi đáng chú ý. Eximbank và LienVietPostBank là 2 ngân hàng được ra khỏi danh sách này trong năm nay, thay vào đó là 2 cái tên mới gồm HDBank và ACB, với mức nợ xấu lần lượt là 3.360 tỷ và 2.799 tỷ. Tuy nhiên xét về tỷ lệ trên tổng dư nợ thì hai cái tên này vẫn thuộc top các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp toàn ngành.
BIDV, VPBank, VietinBank vẫn là 3 ngân hàng đứng đầu danh sách nợ xấu lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, nhóm này đã có sự thay đổi mạnh mẽ về thứ hạng.
Cụ thể, VPBank ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của khối nợ xấu có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) với mức giảm gần 49%, từ 2.076 tỷ xuống còn 1.059 tỷ. Kết thúc 2021, VPBank bị đẩy lên vị trí ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất năm (soán ngôi của BIDV) với khối nợ xấu gần 15.887 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Tuy nhiên đây là con số của ngân hàng hợp nhất, trong đó, nợ xấu của công ty con (Fe Credit) chiếm khoảng 65% do tác động của đại dịch Covid-19. Vấn đề này có thể sẽ được giải quyết khi hoạt động kinh doanh của FE Credit đã khởi sắc trở lại sau khi các quy định giãn cách xã hội được gỡ bỏ từ quý IV/2021. Về phần ngân hàng mẹ VPBank, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt và giảm từ 1,98% năm 2020 xuống còn 1,45% năm 2021, tính theo Thông tư 02.
Cuối năm 2021, VietinBank có khối nợ xấu gần 14.300 tỷ, tăng gần 49%. Việc nợ xấu tại ngân hàng này tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ nhóm 3 tăng mạnh gần 275%, từ 1.892 tỷ lên 7.096 tỷ.
Nợ xấu BIDV đã giảm gần 38% trong năm qua, từ mức 21.369 tỷ xuống còn 13.245 tỷ. Việc này đến từ việc giảm khối nợ lớn nhất tại ngân hàng - nợ nhóm 5 - gần 58%.
Vietcombank trong khi đó ghi nhận nợ xấu tăng khoảng 17%, từ mức 5.230 tỷ đồng lên 6.121 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh đến từ việc nợ ở cả 3 nhóm 3,4,5 đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4, tăng gần 333%.
Sacombank là 1 trong những ngân hàng giữ được chất lượng nợ tốt trong năm qua khi ghi nhận giảm ở nợ nhóm 4 và nhóm 5 với lần lượt 29% và 1%. Kết thúc năm 2021, Sacombank chỉ còn lượng nợ xấu nội bảng là 5.721 tỷ đồng.
SHB cũng giảm gần 8% nợ xấu trong 2021, trong đó giảm mạnh nhất là nợ nhóm 5, giảm từ 3.802 tỷ xuống còn 2.501 tỷ, tương đương giảm 34%. Năm 2021, tổng nợ xấu SHB giảm từ 5.599 xuống còn 5.165 tỷ đồng.
Trái với tình hình của SHB và Sacombank, VIB lại có sự gia tăng khối lượng nợ xấu, tới gần 58%. Mặc dù ngân hàng đã khống chế nợ nhóm 5 giảm gần 17% nhưng nợ nhóm 3 và 4 tăng gần 209% và 101% khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 4.670 tỷ đồng.
Thành viên cuối cùng trong top 10 là MB khi có nợ xấu tăng nhẹ khoảng 1%. MB giảm nợ nhóm 5 gần 41% trong năm qua song nợ nhóm 3 và 4 lại tăng lần lượt gần 61% và 4%. Kết thúc năm qua, MBcó mức nợ xấu gần 3.268 tỷ, trong đó nợ xấu các công ty con chiếm khoảng 28%.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đi qua để lại nỗi lo nợ xấu cho toàn hệ thống ngân hàng. Chính nỗi lo này đã một phần tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, làm cho cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm vừa qua u ám hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác. Tuy nhiên kết quả kinh doanh năm qua được hé lộ cho thấy nỗi lo dường như quá lớn khi thực tế nợ xấu vẫn đang trong tầm kiểm soát của các nhà băng.
Không chỉ chất lượng nợ được kiểm soát, các ngân hàng còn gia tăng mạnh mẽ bộ đệm dự phòng rủi ro với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở nhiều nhà băng lên cao kỷ lục, trong đó ở Vietcombank tới 424% hay ở MB đạt gần 400% và ở các ngân hàng khác cũng đạt trên mức 100%.