Lộ diện top 3 địa phương hút vốn FDI lớn nhất cả nước 7 tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch Đầu tư về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến 20/7/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021.
- 29-07-2022Việt Nam nằm trong 3 cực tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2030
- 27-07-2022Dù tỷ lệ hộ dân sở hữu ô tô cao nhưng những địa phương này không nằm trong top thu nhập bình quân cao nhất cả nước
- 21-07-2022Thu nhập của nhóm người giàu nhất ở TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ra sao trong 10 năm?
Báo cáo nhận định, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%.
Cụ thể, có 927 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng 3,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ). Ngoài ra, có 2.072 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 13,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỷ USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ).
. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng các năm 2018-2022. Nguồn: GSO
Xét theo địa phương, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăg ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ hai là TP.HCM với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng trong 7 tháng đầu năm 2022, có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đan Mạch với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư.
Nếu xét theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 7 tháng năm 2022 (chiếm 22,7% số dự án mới, 37% số lượt điều chỉnh và 35,8% số lượt GVMCP).
Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (40,2%), số lượt GVMCP (67,8%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,7% sau Hà Nội là 17,8%).
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.