Lo heo "bẩn", giá thịt tăng
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở TP HCM ngày giáp Tết tăng gấp 2 lần bình thường, trong khi khả năng giết mổ chưa đáp ứng được 50% nhu cầu nên phụ thuộc nguồn thịt từ các tỉnh đưa về.
Cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi) trước khi bị ngưng hoạt động vào đầu tháng 10-2017 do sự cố heo "dính" thuốc an thần, có công suất giết mổ trung bình khoảng 5.000 con/ngày, chiếm trên 50% thị phần giết mổ heo tại TP HCM. Trong khi đó, khả năng tiếp nhận của các cơ sở giết mổ hiện hữu tại TP hạn chế nên thương lái phần lớn đưa heo về tỉnh giết mổ. Sự phụ thuộc này khiến TP HCM khó khăn trong điều tiết thị trường, giá cả cũng như chất lượng thịt cho người tiêu dùng vào dịp Tết.
Chuỗi cung ứng đang bất ổn
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết người chăn nuôi trông đợi từng ngày việc TP HCM cho phép các lò mổ đủ điều kiện hoạt động để thương lái ổn định làm ăn. Có như vậy mới khai thông được chuỗi cung ứng thịt heo đã bất ổn từ khi cơ sở Xuyên Á ngưng hoạt động, thương lái phải chạy khắp nơi tìm chỗ giết mổ nên phải ép người nuôi 200.000 đồng/con để bù vào chi phí tăng thêm.
Chất lượng thịt heo được kiểm soát tốt hơn khi được giết mổ tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Đoán phân tích thêm lò mổ xa chợ đầu mối khiến giá cả diễn biến khó lường. Như ngày 19-1, lúc 0 giờ, nhiều thương lái bán heo với giá thấp nhưng đến 5 giờ, giá lại tăng cao vì khan hàng. Trong khi đó, nếu lò mổ gần chợ đầu mối, thương lái có thể điều chỉnh việc tăng hoặc giảm lượng giết mổ trong ngày theo nhu cầu thị trường.
Bà Lê Thị Lựu - một thương lái phải chuyển hoạt động giết mổ từ TP HCM về Bình Dương và mới đây là Long An sau khi lò Xuyên Á ngưng hoạt động - cho rằng cơ sở giết mổ gần chợ giảm được nhiều chi phí so với phải đi xa. Vì vậy, những thương lái như bà mong muốn được trở lại TP HCM giết mổ.
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, hằng năm vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng cao. "Ngày cao điểm nhất là 29 Tết tăng 100%-120% so với bình thường, tương đương trên 10.000 con/ngày. Heo giết mổ tại TP HCM được kiểm soát chất lượng tốt hơn do có điều kiện về nhân lực, trang thiết bị. Ngoài ra, lò mổ tại TP HCM giảm được chi phí vận chuyển, thịt heo cũng tươi hơn nên thương lái trông chờ TP HCM cho phép một số lò mổ hoạt động để phục vụ mùa Tết" - ông Tiển nhận định.
Cần sớm nâng công suất giết mổ
Ông Phạm Thành Hiệp, chủ cơ sở giết mổ Bình Tân, dự báo cao điểm Tết sẽ giết mổ 2.400-2.500 con/ngày so với 1.400-1.500 con/ngày như hiện nay. "Chúng tôi muốn tăng sản lượng hơn cũng không được vì liên quan đến nhân công, công suất xử lý nước thải" - ông Hiệp nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, lượng heo tiêu thụ bình quân trên địa bàn khoảng 10.000 con/ngày, trong đó giết mổ tại TP HCM chỉ khoảng 4.900 con/ngày (chiếm 49%). Do đó, thương lái chủ yếu chuyển về tỉnh giết mổ, nhiều nhất là Long An (tăng thêm 2.300-2.800 con/ngày, gấp 10 lần trước đây); Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh, mỗi tỉnh tăng 300 con/ngày. Giá gia công giết mổ tại TP HCM dao động 70.000-100.000 đồng/con, riêng VISSAN giết mổ công nghiệp giá gần 120.000 đồng/con. Trong khi đó, ở các tỉnh, giá giết mổ thấp nhất cũng 80.000 đồng/con, lại phải tốn thêm chi phí vận chuyển.
Ghi nhận mùa Tết năm 2017, lượng heo tiêu thụ những ngày cao điểm ở TP HCM lên đến 17.000-18.000 con/ngày, dự báo của cơ quan chức năng mùa Tết năm nay sẽ lên mức 15.000-20.000 con/ngày.
Trước tình hình trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND TP HCM xem xét cho cơ sở Xuyên Á hoạt động trở lại với công suất tạm thời 1.500 con/ngày. Đề xuất này cũng được các sở, ngành và UBND huyện Củ Chi thống nhất. Sau vụ "thuốc an thần" vào cuối tháng 9-2017, chủ cơ sở Xuyên Á đã phối hợp tích cực với cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cấp công suất xử lý nước thải...
Nhà máy giết mổ của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn có thể đi vào hoạt động trước Tết dây chuyền giết mổ công nghiệp có công suất khoảng 2.000 con/ngày. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND TP HCM cho phép công ty này mở thêm hoạt động giết mổ thủ công bên cạnh dây chuyền công nghiệp, nâng tổng công suất lên khoảng 4.000 con/ngày. Nếu đề xuất này được chấp thuận, các cơ sở giết mổ tại TP HCM sẽ có tổng công suất khoảng 10.000 con/ngày. Vào cao điểm Tết, các lò mổ tăng thời gian hoạt động có thể nâng công suất lên 12.000-15.000 con/ngày.
Thương lái đầu tư giết mổ ở các tỉnh
Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có 6 nhà máy công nghiệp giết mổ heo thay thế các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu. Sau nhà máy của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn hoạt động trong tháng 2-2018, các nhà máy khác chậm nhất sẽ hoạt động vào cuối quý II/2018. Thời gian qua, khi TP HCM thiếu cơ sở giết mổ, một số thương lái đến các tỉnh góp vốn cho các lò mổ từ 200-400 triệu đồng/dây chuyền. Như vậy, TP HCM sẽ khó thu hút họ trở lại giết mổ tại các nhà máy công nghiệp sắp đi vào hoạt động.
Việc TP HCM sớm cho phép các lò mổ thủ công đủ điều kiện hoạt động tạm sẽ giữ được nguồn hàng cho các nhà máy công nghiệp sau này.
Người Lao động