MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo heo bệnh từ Trung Quốc chạy vào Việt Nam

03-10-2018 - 07:33 AM | Thị trường

Nghiêm cấm các hành vi, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo (lợn), sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa có công văn gửi Ban chỉ đạo 389 các bộ Công Thương, Công an, NN&PTNT, Tổng cục Quản lý thị trường... triển khai Công điện 1194/CĐ-Ttg về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Công văn của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại địa bàn khu vực biên giới cửa khẩu các tỉnh phía Bắc. Từ đầu tháng 8 đến tháng 9-2018, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại sáu tỉnh với tổng số 38.000 con lợn phải tiêu hủy.

Ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện 1194/CĐ-Ttg về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài có thể xâm nhiễm vào Việt Nam. Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình; nghiêm cấm các hành vi, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu đường bộ, đường sắt… nhất là tại địa bàn khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc và xử lý nghiêm vi phạm.

Tuyên truyền để người dân biết tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, không tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu… của các đơn vị, địa phương, nhất là địa phương có biên giới cửa khẩu. Quá trình tổ chức thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc báo cáo về Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông qua Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo.

Theo Tú Uyên

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên