Lỗ hơn nghìn tỷ đồng trong cuộc đua "đốt tiền", Tiki muốn huy động thêm 100 triệu USD, tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng hàng đầu Việt Nam
Một nguồn thạo tin khác tiết lộ rằng nếu Tiki đạt được một số chỉ số KPI nhất định do các nhà đầu tư đặt ra, công ty có thể huy động tới 150 triệu USD trong vòng này.
- 06-06-2019Liên tục bị đặt ra câu hỏi về các khoản “lỗ”, Tiki khẳng định: Tiền đó là để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kho bãi vận hành, mục tiêu kho bãi tăng từ 30.000m2 lên 100.000m2 trong 6-8 tháng tới có thành hiện thực?
- 29-05-2019Đây là cách níu chân khách hàng của Tiki: Tự động giao bỉm, sữa, băng vệ sinh định kỳ tới cửa nhà bạn, với giá giảm 10% cho các đơn hàng lặp lại
- 07-05-2019Khốc liệt thương mại điện tử Việt Nam: TiKi lỗ 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 năm, 500 tỷ đồng đầu tư của VNG đã về "mo"
Theo Deal Street Asia, Tiki - trang thương mại điện tử có số lượng truy cập top đầu thị trường Việt Nam cho biết công ty đang chuẩn bị gọi vốn 75 triệu USD từ quỹ đầu tư Northstar Group hồi tháng 3 vừa qua hiện đang hướng tới thỏa thuận tài chính lớn hơn.
Một số thông tin cho biết vòng gọi vốn đã được tăng lên mức 100 triệu USD với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện tại của công ty, bao gồm Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures.
Giám đốc điều hành của Tiki từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.
Tiki là doanh nghiệp thương mại điện tử phổ biến thứ 2 tại Việt Nam sau khi giành được vị trí này từ Lazada (do Alibaba hậu thuẫn) trong quý IV năm ngoái và tiếp tục theo sát đối thủ Shopee tại thị trường Việt Nam.
Khoản đầu tư gần đây nhất của Tiki là 44 triệu USD từ tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc, JD.com vào tháng 1/2018. Sau đó, JD.com đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki.
Đầu tháng này, Tiki và công ty cung cấp dịch vụ logistics Unidepot đã ký kết hợp tác chiến lược để gia tăng hệ thống kho bãi từ 30.000 mét vuông lên 100.000 mét vuông trong năm nay, phục vụ kế hoạch tăng trưởng của Tiki. Theo đó, Unidepot sẽ trở thành đơn vị cung cấp kho bãi cho hệ thống trung tâm vận hành của Tiki.
Tiki đang đẩy mạnh năng lực logistics và hứa hẹn khả năng giao hàng trong vòng 2 tiếng tại những thành phố sở hữu kho hàng của công ty.
Đến nay, nhiều nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang thua lỗ và Tiki không phải là ngoại lệ. Chỉ riêng trong năm 2018, sau khi được đầu tư thêm vốn từ VNG và JD.com, mức lỗ của Tiki đã tăng gấp 3 lần lên hơn 750 tỷ đồng. 3 năm gần đây, công ty đã lỗ lũy kế tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại sự kiện hợp tác với Unidepot, Giám đốc điều hành Tiki, ông Trần Thái Sơn cho biết các khoản lỗ chủ yếu đến từ khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các trung tâm vận hành của công ty. Ông nói: "Bắt đầu với 100 mét vuông, giờ đây Tiki đang sở hữu hơn 30.000 mét vuông trung tâm vận hành và dự kiến sẽ đạt 100.000 mét vuông trong vòng từ 6 đến 8 tháng tới".
Theo ông Sơn, tham vọng của ông là đưa Tiki trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng hàng đầu không chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử mà còn cho ngành logistics của Việt Nam.
Ông phát biểu: "Chuỗi cung ứng là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng này vẫn chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Ví dụ, với một đơn hàng trị giá 10 đồng, chi phí logistics có thể lên tới 2,5 đồng".
Tiki là đơn vị thứ 2 được Northstar đầu tư tại Việt Nam sau khoản tài trợ trị giá 50 triệu USD cho tập đoàn Topica Edtech vào năm ngoái. Trong khi đó, Korea Investment Partners là nhà đầu tư vào nền tảng giải trí kỹ thuật số Appota còn STIC Investments đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.
Trí Thức Trẻ/Deal Street Asia