Lo lắng về vốn đầu tư công, nguồn lực đất đai
Chậm triển khai Nghị quyết 43 sẽ bỏ lỡ thời điểm "vàng" để các chính sách tài khóa, tiền tệ phát huy hiệu quả cao nhất
- 02-06-2022Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP Hồ Chí Minh chưa đạt yêu cầu
- 02-06-2022Thiệt thòi lớn cho hàng Việt khi chưa có kho ở Mỹ
- 02-06-2022TP. HCM thu ngân sách từ bất động sản tăng tới 105%
Ngày 2-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Đầu tư công ì ạch
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) QH tiếp tục chỉ ra việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, trong đó có việc triển khai các chính sách, gói hỗ trợ chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của QH.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng tính thời điểm của Nghị quyết 43 có hiệu lực thi hành trong 2 năm 2022-2023 là rất quan trọng. "Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm "vàng" để các chính sách tài khóa, tiền tệ phát huy hiệu quả cao nhất. Đến thời điểm này, khi các bộ, ngành còn đang loay hoay với việc rà soát và dự thảo văn bản thì có những chính sách đã ít nhiều mất đi ý nghĩa" - ĐB Nga lo ngại.
Theo ĐB Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái), nền kinh tế còn đối mặt với một số thách thức, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và việc triển khai một số chính sách của Nghị quyết 43 còn rất chậm, nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng. Theo ông Trung, đến nay, Chính phủ chưa có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân bổ nguồn vốn này. Vấn đề này cũng làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra.
Trước thực tế đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu định lượng cụ thể về khối lượng công việc cần hoàn thành để làm cơ sở đánh giá chứ không quy định chung chung.
Ở một góc nhìn khác, ĐB Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh giải ngân vốn, cần xem xét cả năng lực hấp thụ vốn, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư.
Giải ngân gói hỗ trợ đến đâu?
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐB nêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sau khi QH ban hành Nghị quyết 43, 19 ngày sau Chính phủ có Nghị quyết 11 về chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai Nghị quyết 43. Chính phủ xem đây là một nhiệm vụ, công việc hết sức quan trọng để làm cơ sở để đánh giá và xếp loại cho cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, phải phân tích cụ thể tổng gói hỗ trợ 347.000 tỉ đồng để biết tiến độ giải ngân. Trong tổng số 347.000 tỉ đồng, có 46.000 tỉ đồng dùng làm quỹ tài chính hợp pháp để mua vắc-xin và trang thiết bị y tế. "Như vậy, nếu trừ khoản này ra còn lại khoảng 301.000 tỉ đồng. Trong số này, có 64.000 tỉ đồng là tiền miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43 ban hành được 18 ngày thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 giảm thuế giá trị gia tăng từ tháng 2-2022 từ 10% xuống khoảng 8%. Việc này triển khai rất nhanh" - Phó Thủ tướng cho hay. Ngoài ra, các khoản vốn bố trí cho chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đang được triển khai, bảo đảm tiến độ. Chính sách giãn, gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 135.000 tỉ đồng cũng đang được Chính phủ ban hành nghị định để thực hiện. Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khoảng 6.600 tỉ đồng đang triển khai nhưng tiến độ chậm. Đối với 103.000 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng, Phó Thủ tướng cho biết do thực hiện theo Luật Đầu tư công nên gói này triển khai chậm. Theo đó, thông thường các dự án đưa vào danh mục đầu tư công để đầu tư cũng phải mất 1,5 năm. Hiện nay, các danh mục đã được gửi cho các bộ, ngành và địa phương, sau đó sẽ được tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng tính thời điểm của Nghị quyết 43 có hiệu lực thi hành trong 2 năm 2022-2023 là rất quan trọng để sớm triển khai các chính sách, gói hỗ trợ Ảnh: Nguyễn Nam
Lãng phí đất đai do quy hoạch treo
Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) cho rằng cần sớm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư phát triển.
Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, qua giám sát, có nhiều nhà, đất công chưa đủ điều kiện để đưa vào phương án sắp xếp do còn vướng về pháp lý hoặc các lý do khác phải để trống. Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn đối với các trường hợp này để có đơn giá cho thuê chính thức, tránh tiêu cực và sai phạm, đồng thời không để lãng phí do để trống. Liên quan đến lãng phí trong sử dụng đất đai, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho biết có nhiều dự án đã giao cho các chủ đầu tư nhưng vẫn còn trên giấy. Do đó, QH, Chính phủ cần nghiên cứu và có giải pháp về mặt chính sách để tránh lãng phí sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Đề cập về sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo, ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng đây là vấn đề "biết rồi nói mãi" nhưng ông vẫn phải đề cập tại phiên thảo luận này. Theo ông Hận, qua tiếp xúc cử tri, báo cáo của Ban Dân nguyện, có sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo, song đã nhiều năm vẫn chưa được xử lý dẫn đến nhiều dự án bỏ hoang đất. ĐB này kiến nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án.
Đồng tình về thực trạng lãng phí trong sử dụng đất đai, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.
Ngày 3-6, QH thảo luận về dự thảo nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Không để kéo dài trì trệ trong ngành y
ĐB Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực y tế vừa qua, bên cạnh việc xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, cũng cần kịp thời ban hành, sửa đổi quy định trong từng lĩnh vực để bịt những "lỗ hổng" trong quản lý. Theo ông Trí, một số vụ án liên quan đến ngành y vừa qua khiến việc tổ chức, đấu thầu đấu giá mua sắm thuốc, sinh phẩm và trang thiết bị y tế bị đình trệ. Ông Trí nhấn mạnh sai thì phải sửa nhưng nếu để tình trạng đình trệ này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Ông kiến nghị QH, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, ban hành nhanh văn bản tháo gỡ ngay những vấn đề bất ổn trong lĩnh vực này.
Đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá
ĐB Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cho biết đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn cho Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, QH bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được nhà nước định giá, có chính sách trợ giá. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách. Theo bà Nga, đây là mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu, tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt, tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Ngoài sách giáo khoa, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nhắc đến sách tham khảo và nhấn mạnh đây là sách không bắt buộc nhưng nếu bán trong nhà trường thì đa số các phụ huynh đều mua để cho con bằng chúng bằng bạn. Theo vị ĐB này, các nhà giáo dục kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho thầy cô giáo, làm phong phú thêm bài giảng, còn học sinh như cấp tiểu học thì không cần. Vì vậy, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.
Người Lao Động