MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ lớn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ rời sàn

Chỉ còn chờ các báo cáo kiểm toán 2017 được công bố, 2 sàn sẽ phải nói lời chia tay với nhiều cổ phiếu do tình trạng thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Tình trạng thua lỗ trong 2 năm liên tiếp 2015, 2016 và lỗ tiếp sang cả năm 2017 đang khiến nhiều doanh nghiệp đối diện với nguy cơ hủy niêm yết.

Lỗ lại hoàn lỗ

Theo báo cáo tài chính quý 4/2017 đã được công bố thì các doanh nghiệp TH1, KHL, BHT, SAP, SDE, SDA và STT đã tiếp tục lỗ trong năm 2017 nâng số năm thua lỗ lên 3 năm liên tiếp theo đó "án" hủy niêm yết bắt buộc là tất yếu theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Đầu tiên là trường hợp của Xuất Nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1), năm 2017 Công ty đạt 206,5 tỷ đồng doanh thu, tương đương thực hiện được một phần ba chỉ tiêu đặt ra, đồng thời giảm 33% so với năm 2016.

Tuy nhiên, áp lực chi phí vẫn nặng nề khiến Công ty ghi nhận lỗ hơn 142 tỷ đồng, trong khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 đặt mục tiêu chỉ lỗ hơn 10 tỷ đồng trong năm. So với mức lỗ gần 134 tỷ đồng của năm 2016, số lỗ này còn lớn hơn tương đối. Trước đó nữa, năm 2015 Công ty cũng lỗ trên 134 tỷ đồng.

Đây là năm báo lỗ thứ 3 liên tiếp của TH1, như vậy hiện Công ty đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Về TH1, đây là công ty do ông Trần Anh Vương - một nhân vật khá đình đám trên sóng Shark Tank Việt Nam thời gian gầy đây - làm Chủ tịch HĐQT.

Kỳ vọng có lãi 2 tỷ đồng trong năm 2017 của Khoáng sản và vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL) cũng đã bất thành khi doanh nghiệp này mới đây đã công bố khoản lỗ hơn 13 tỷ đồng do doanh thu sụt giảm mạnh.

Trước đó vào năm 2015 và 2016 KHL đã lỗ lần lượt -2,74 tỷ đồng và -57,3 tỷ đồng. Tương tự, Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC (BHT) cũng đã lỗ thêm 11,7 tỷ đồng trong năm 2017 do chi phí tăng cao trong bối cảnh nguồn thu quá eo hẹp. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp BHT kinh doanh thua lỗ. Trước đó trong kế hoạch kinh doanh 2017 mục tiêu là có lãi 2,5 tỷ đồng.

In Sách giáo khoa tại Tp.Hồ Chí Minh (SAP) cũng báo lỗ 1,23 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi lỗ trong cả 2 năm 2015 và 2016. Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) gánh lỗ thêm hơn 19 tỷ đồng cao hơn rất nhiều so với khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng cùng kỳ nguyên nhân được phía công ty cho biết là do khoản chi phí khác phát sinh trong đợt thanh tra thuế của niên độ 2007 đến 2015, doanh thu hoạt động taxi lại giảm do xe đã cũ và giảm trong đợt thanh lý cuối năm 2016.

Nỗ lực có lãi 1,5 tỷ đồng trong quý 4 sau khi lỗ liên tiếp 6 quý trước đó không đủ để giúp Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) thoát lỗ năm thứ 3 liên tiếp, đáng chú ý SDE hiện vẫn nợ cổ tức năm 2011 và năm 2012, khoản cổ tức này đã liên tục bị doanh nghiệp trì hoãn và thông báo lùi đến lần thứ 12, theo thông báo mới nhất SDE hứa sẽ trả vào ngày 29/6/2018.

Lỗ lớn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ rời sàn - Ảnh 1.

Hiện vẫn còn Vận tải biển Việt Nam (VOS) chưa công bố BCTC 2017 tuy nhiên khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu này là rất cao bởi VOS không chỉ lỗ khủng mà thời gian thua lỗ "đáng nể" kéo dài sang quý thứ 11 liên tiếp. Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển Việt Nam với gần 50 năm kinh nghiệm, đội tàu tính đến cuối năm 2016 gồm 21 chiếc, tổng trọng tải hơn 500.000 DWT, nhưng trái ngược với quy mô, vị thế trong ngành, lợi nhuận là điều hiếm hoi trong kết quả kinh doanh của VOS. Trong quý 3/2017, lợi nhuận sau thuế của công ty âm 58,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã vượt 1.000 tỷ đồng, ăn mòn 74% vốn điều lệ.

Những pha thoát án hủy niêm yết

Trong khi đó ở chiều ngược lại SCJ và SD7 đã báo lãi trở lại trong năm 2017 và quyết định cho mình cơ hội ở lại sàn niêm yết. Cụ thể, Xi măng Sài Sơn (SCJ) đã báo lãi quý 4 lên tới hơn 44 tỷ đồng khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ 3,7 tỷ đồng cùng kỳ và đánh dấu quý đầu tiên có lãi trở lại sau khi lỗ liên tiếp 5 quý trước đó.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong quý 4 mà cục diện cả năm của công ty thay đổi lớn, doanh thu thuần đạt 452 tỷ đồng tăng 100,3% so với cùng kỳ, LNST đạt 6,2 tỷ đồng trong khi năm 2016 lỗ gần 2 tỷ đồng.

Trước đó vào năm 2015, SCJ cũng đã lỗ hơn 5 tỷ đồng và năm 2016 lỗ tiếp 3,7 tỷ đồng, thậm chí hồi đầu năm 2017 công ty cũng đã rất bi quan khi dự kiến sẽ lỗ nặng tới 32,66 tỷ đồng – Như vậy khoản lãi lớn trong quý 4 giúp SCJ có lãi cả năm đồng thời giúp công ty sẽ ở lại sàn niêm yết HNX.

Một trường hợp khác cũng sẽ có cơ hội ở lại sàn là Sông Đà 7 (SD7), kết thúc năm 2017 dù chỉ báo lãi vỏn vẹn gần 37 triệu đồng, SD7 đã thoát lỗ nhờ lãi từ hoạt động khác và quan trọng là khoản lãi này sẽ giúp SD7 ở lại sàn niêm yết bởi trước đó doanh nghiệp này đã lỗ trong cả 2 năm 2015 và 2016.

Tú Anh

HNX&HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên