MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ lũy kế hơn 8.000 tỷ, Bách hoá Xanh vẫn có giá trị thương hiệu gần 7.500 tỷ đồng

18-08-2023 - 13:50 PM | Doanh nghiệp

Giá trị thương hiệu được công bố trong Báo cáo 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2023 của Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới.

Lỗ lũy kế hơn 8.000 tỷ, Bách hoá Xanh vẫn có giá trị thương hiệu gần 7.500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 do Brand Finance thực hiện, Bách hóa xanh đứng vị trí số 29 với giá trị thương hiệu được ước tính ở mức 315 triệu USD (khoảng 7.490 tỷ đồng), tăng 13,2% so với năm ngoái (279 triệu USD).

Lỗ lũy kế hơn 8.000 tỷ, Bách hoá Xanh vẫn có giá trị thương hiệu gần 7.500 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2023 của Brand Finance. Giá trị: triệu đô

Giá trị thương hiệu của Bách hóa xanh đứng ngay sau WinMart (332 triệu USD) và là thương hiệu có giá trị lớn thứ hai của CTCP đầu tư Thế giới di động (MWG), sau Điện máy Xanh trị giá 403 triệu USD, và trước thegioididong.com trị giá 256 triệu USD.

Đồng thời, Bách hóa Xanh cũng có mặt trong TOP 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2023 với vị trí số 9, đứng trước VietinBank.

Lỗ lũy kế hơn 8.000 tỷ, Bách hoá Xanh vẫn có giá trị thương hiệu gần 7.500 tỷ đồng - Ảnh 3.

Những cửa hàng Bách hóa Xanh đầu tiên được mở từ năm 2015. Cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.700 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Đã hơn 7 năm hoạt động và được kỳ vọng, đầu tư nhiều nhưng Bách Hóa Xanh hiện tại vẫn chưa thể là con gà đẻ trứng vàng cho TGDĐ. Không những vậy, từ năm 2016 đến nay, tổng lỗ (thuế) lũy kế của Bách hóa xanh đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế hơn 8.000 tỷ, Bách hoá Xanh vẫn có giá trị thương hiệu gần 7.500 tỷ đồng - Ảnh 4.

BCTC bán niên 2023 MWG

Bách hóa Xanh đã trải qua cuộc tái cơ cấu toàn diện và khép lại năm 2022 với con số lỗ kỷ lục gần 3.000 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, hệ thống đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh. 6 tháng đầu 2023, BHX lỗ hơn 658 tỷ đồng nhưng doanh thu đã cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Bách hóa xanh đã đóng góp doanh thu hơn 13.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7/2023, Bách hóa xanh đạt doanh thu vượt 2.800 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng trước. Doanh thu bình quân 1 cửa hàng BHX đã tăng từ 1,3 tỷ đồng/6 tháng đầu năm 2023 lên 1,6 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng 7.

Đáng nói, tính chung trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Bách hóa Xanh đã vượt chuỗi cửa hàng Thế giới di động khi hệ thống này đang ở trong giai đoạn khó khăn do thị trường chung giảm sức mua chung.

Theo doanh nghiệp, động lực tăng trưởng đến từ ngành hàng tươi sống và 6 tháng 2023 đã có 92% các cửa hàng BHX ghi nhận EBITDA dương (EBITDA: lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao).

Chiến lược Ban lãnh đạo MWG đặt ra với Bách hóa xanh trong 6 tháng cuối năm vẫn là tiếp tục cải thiện chất lượng hàng tươi sống, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao tần suất mua sắm của khách hàng hiện hữu và cải thiện giá trị giỏ hàng để tăng doanh thu cửa hàng.

Đồng thời thay đổi cách làm để tối ưu chi phí vận hành cửa hàng và chi phí logistics.

Theo mục tiêu đề ra từ đầu năm, Bách hóa Xanh phấn đấu một tháng trong năm 2023 sẽ đạt điểm hòa vốn.

Giá trị thương hiệu được hiểu là lợi ích kinh tế ròng mà chủ sở hữu thương hiệu sẽ nhận được thông qua cấp giấy phép cho thương hiệu trong thị trường mở. Bên cạnh đó, Brand Finance xác định sức mạnh tương đối của các thương hiệu thông qua thẻ điểm cân bằng gồm các số liệu đánh giá hoạt động đầu tư tiếp thị, vốn cổ đông và hiệu quả kinh doanh. Tuân thủ ISO 20671, đánh giá của Brand Finance về vốn cổ đông kết hợp với dữ liệu gốc trong nghiên cứu thị trường từ hơn 150.000 người tham gia phỏng vấn tại 38 quốc gia thuộc 31 lĩnh vực.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên