Lo ngại bất ổn tăng cao, giới nhà giàu Hồng Kông ồ ạt 'ôm tiền' tháo chạy ra nước ngoài
Theo Bloomberg, một doanh nhân Hồng Kông đã chuyển 10 triệu USD sang Singapore và dự định sẽ chuyển thêm. Trong khi đó, một người khác đang thăm dò thị trường bất động sản London. Các gia đình khá giả trên khắp thành phố này đang mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và nộp đơn xin hộ chiếu dự phòng.
- 15-06-2020Vì sao Hồng Kông có thể là “quân bài cuối cùng” châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
- 10-06-2020Chính quyền Hồng Kông chi 5 tỷ USD giải cứu Cathay Pacific Airways
- 07-06-2020Chìm sâu trong bất ổn xã hội, địa chính trị, liệu Hồng Kông có còn là trung tâm tài chính toàn cầu?
Dù tình trạng di cư vẫn chưa diễn ra, nhưng giới nhà giàu Hồng Kông đang ngày càng cảnh giác, đưa ra những biện pháp phòng hộ, khi trung tâm tài chính đang hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ ít nhất là năm 1997.
Nhiều nhà đầu tư sở hữu khối tài sản giá trị lớn đang giảm dần sự "hiện diện" tại Hồng Kông hoặc thực hiện những bước để đảm bảo rằng họ có thể mang tài sản đi khi có tình huống bất ngờ. Động thái này trở thành một thách thức với Trưởng Đặc khu Carrie Lam, khi bà đang nỗ lực duy trì vị thế của Hồng Kông là một "nam châm" hút tài sản tại châu Á. Trong khi đó, người giàu là nhóm nhà đầu tư chi tiền mạnh cho chứng khoán và bất động sản tại Hồng Kông. Ngoài ra, họ cũng là những cá nhân mua vào một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại đây.
Các chủ ngân hàng tư nhân chia sẻ rằng khách hàng của họ đã nỗ lực nhiều hơn để đưa ra kế hoạch dự phòng, sau khi Trung Quốc cho biết sẽ áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Richard Harris – giám đốc điều hành của Port Shelter Investment Management, cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy mọi thứ gần giống như một con thuyền bị đắm, đang di chuyển chậm. Những người chưa chuyển tiền đi có thể đang suy nghĩ về xu hướng đó."
Hiện tại, cho đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy quy mô của dòng vốn bị chuyển ra ngoài. Giá trị tiền gửi ngân hàng tại Hồng Kông đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 4 và đồng tiền tệ của thành phố tiếp tục giao dịch ở mức cao nhất trong phạm vi cho phép với đồng USD – đây là dấu hiệu cho thấy dòng vốn vẫn chảy vào liên tục.
Về đạo luật của Trung Quốc, chính quyền bà Carrie Lam cho biết luật an ninh sẽ giúp Hồng Kông trở thành một thành phố an toàn, ổn định, cởi mở và không ảnh hưởng đến "quyền lợi, quyền tự do hợp pháp của người dân Hồng Kông và nhà đầu tư quốc tế." Theo đó, các tỷ phú giàu có nhất Hồng Kông đã bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào tương lai của thành phố này.
Dẫu vậy, nhiều doanh nhân và những chuyên gia có thu nhập cao tại Hồng Kông lại rất bi quan về tình hình hiện tại.
Cheng, một doanh nhân đã chuyển 10 triệu USD đến Singapore, cũng nộp đơn để trở thành thường trú nhân tại đây và đang bán tài sản ở Hồng Kông. Hiện tại, anh chưa có kế hoạch di cư cụ thể, nhưng đang cân nhắc một vài lựa chọn. Cheng và gia đình có hộ chiếu Mỹ, Canada, Australia và Pháp. Cheng cho biết anh lo ngại về việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát với Hồng Kông và dự đoán sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn.
Sam – một chủ ngân hàng đầu tư cấp cao tại Hồng Kông, đã quyết định rời khỏi đây. Ông cùng vợ và 2 con trai nhỏ đang chuyển sang Australia. Sam lớn lên tại Hồng Kông, nhưng đã chuyển đến Brisbane lúc 12 tuổi, sau khi cha mẹ ông lo ngại về sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Anh quay trở lại Hồng Kông 20 năm trước để làm việc và ở lại đến bây giờ. Sam chia sẻ: "Mọi thứ đang ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi đóng gói đồ đạc và chuyển đến Australia để các con lớn lên trong môi trường tốt hơn."
Margaret Chau – giám đốc chương trình nhập cư của Công ty tư vấn nhập cư Goldmax, cho biết số lượng câu hỏi gửi đến văn phòng của bà đã tăng lên gấp 5 lần sau khi có thông tin về luật an ninh quốc gia. Hiện tại, hầu hết các khách hàng giàu có của bà đều quan tâm đến việc tìm kiếm kế hoạch dự phòng, không phải là rời đi ngay lập tức.
Trong khi đó, Kerry Goh – CEO của văn phòng quản lý tài sản gia đình Kamet Capital tại Singapore, cho biết khách hàng của ông đang chuyển từ hỏi những câu hỏi chung chung về việc rời khỏi Hồng Kông sang những câu hỏi chi tiết về mọi thứ, từ trường học, visa cho đến tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, nhà đầu tư ở Hồng Kông cũng ngày càng chú ý đến những địa điểm khác xa hơn. Tổng giám đốc Standard International Bank của Puerto Rico – Maria Diaz, cho biết, họ nhận thấy giá trị tiền gửi tại đây đã tăng gấp 3 kể từ tháng 12/2019 và chỉ ra rằng "bất ổn ở Hồng Kông là yếu tố tạo ra sự thay đổi."
Dennis, một giám đốc điều hành 34 tuổi làm việc tại công ty tư vấn có trụ sở ở Hồng Kông do cha mẹ anh sáng lập, chia sẻ rằng gia đình anh và nhiều người bạn đã bắt đầu chuyển tiền ra khỏi thành phố. Hiện tại, anh đang tìm mua thêm bất động sản ở Anh. Dennis cho hay: "Tôi có đủ khả năng để mua một căn hộ lớn hơn nhiều ở London, vậy tại sao không? Tôi chỉ đang nỗ lực bảo vệ tài sản của mình trước sự bất ổn."
Tham khảo Bloomberg