MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại gì khi 63% lượng nước sông của Việt Nam phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn khác?

Việc các quốc gia thượng nguồn, các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước sẽ tác động biến đổi dòng chảy về nước ta.

Tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” với sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc hội - Phan Xuân Dũng sáng 17/8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Chúng ta đều biết, nước là tài nguyên tái tạo, nhưng hữu hạn. Nước được sử dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội và đóng vài trò quyết định đến sự tồn tại của con người và hệ sinh thái. Vấn đề an ninh nguồn nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã, đang và sẽ ngày một nóng bỏng".

Bộ trưởng giải thích, mặc dù Trái đất chứa lượng nước rất lớn nhưng 97% là nước mặn, chỉ 3% còn lại là nước ngọt, nhưng 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở hai cực, chỉ có 1/3 ở dạng nước có khả năng sử dụng. Khẳng định nước ngọt là rất hữu hạn và ngày càng khan hiếm.

Sự phát triển, gia tăng quy mô dân số của loài người rất nhanh. Nếu năm 1800, dân số toàn cầu mới là 1 tỷ thì 200 năm sau đã là 8 tỷ. Dự báo, con số này sẽ tăng lên 11 tỷ rồi mới chững lại và giảm dần theo quy luật tháp dân số.

Trong khi quy mô kinh tế không chỉ tăng theo dân số mà tăng theo cấp lũy thừa, tất cả các vấn đề đó đều đòi hỏi nguồn nước. 

Biến đổi khí hậu làm vòng tuần hoàn nước thay đổi. Cân bằng nước giữa các khu vực, các mùa trong năm đều thay đổi, gia tăng tính cực đoan, gây ra lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa...

Hiện khoảng có 1/3 số quốc gia trên thế giới hiện đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 có khoảng 1,8 tỷ người sống trong điều kiện khan hiếm nước. Đến năm 2030, gần 50% dân số sẽ căng thẳng khan hiếm nước và 67% sống trong điều kiện thiếu nước, có thể 700 triệu người phải di cư.

Việc phân bổ nước để đảm bảo sự sống trong hệ sinh thái là vấn đề khó khăn cấp bách, mang tính toàn cầu. An ninh nguồn nước vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho sự phát triển chung của nhân loại.

Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông có chiều dài từ 10km trở lên. Tổng diện tích lưu vực khoảng 1,16 triệu km3. Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.000mm tập trung chủ yếu vào mùa mưa đến 90%. 

Tổng lượng nước mặt vào khoảng 840 tỷ m3/năm nhưng phân bổ không đều cả về không gian lẫn thời gian. Chỉ 320 tỉ m3 (tương ứng 37% tổng lượng nước mặt) được sinh thủy bên trong lãnh thổ Việt Nam. Tức là 63% lượng nước sông của Việt Nam sinh thủy tại các quốc gia khác, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn sản sinh bên ngoài lãnh thổ. Sông Mê Kông có tới 90,1% lượng nước sản sinh ngoài lãnh thổ, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4%, sông Mã 27,1%. 

Việc các quốc gia thượng nguồn, các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước sẽ tác động biến đổi dòng chảy về nước ta. Dự báo gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL, ĐB Sông Hồng.

Theo công bố tại nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế năm 2017, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược, đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL, dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.

Bên cạnh đó, nguồn nước cũng phân bổ không đều theo thời gian và không gian, khiến có lúc, có nơi hạn hán, lúc khác, nơi khác lại lũ lụt. Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng, ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và môi trường.

Thách thức biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết cực đoan, diễn biến bất thường, khó đoán định. Xâm nhập mặn, hạn hán ở ĐBSCL, sạt lở bồi lấp cửa sông ở biển miền Trung, lũ lụt, lũ ống ở miền nói phía Bắc. Sạt lở sông, xói bờ biển uy hiếp trục tiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Vì vậy, về quan điểm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa, Bộ trưởng nhận định đây là điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nguồn nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc gia. Vấn đề này cần phải được giải quyết đồng bộ với cơ cấu kinh tế.

Cần tận dụng tối đa nguồn nước nội sinh trên lãnh thổ Việt Nam, để không bị động, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn bên ngoài, cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực các sông, tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước quốc gia.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên