Lo sập bẫy nợ Trung Quốc
Chiến lược của Bắc Kinh đối với châu Phi đã thay đổi trong vài năm gần đây, một phần do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại
- 24-07-2018Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Lần này có giống 3 năm trước?
- 24-07-2018Chỉ có thể bán nội tạng lợn cho Trung Quốc, ngành chăn nuôi lợn của Mỹ thiệt hại nặng vì trade war
Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện về kinh tế và quân sự ở châu Phi đang làm dấy lên nỗi lo nợ nần sẽ đè nặng hơn nữa lên lục địa này.
Nợ khó trả
Nỗi lo trên càng tăng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết một loạt thỏa thuận đầu tư trong chuyến thăm châu Phi từ hôm 21-7. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất nhưng cũng là chủ nợ lớn nhất của châu Phi. Theo Viện Brookings (Mỹ), Trung Quốc hiện nắm ít nhất 14% nợ công của châu lục này. Kể từ năm 2000, Bắc Kinh đã cho các chính phủ, doanh nghiệp nhà nước tại đó vay hơn 100 tỉ USD.
Là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nói trên, Senegal là cái tên mới tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 100 tỉ USD vào hạ tầng thương mại ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Điểm đến tiếp theo là Rwanda, nơi ông Tập ký thỏa thuận với chính phủ nước chủ nhà trong các lĩnh vực sản xuất, chăm sóc sức khỏe...
Hôm 25-7, nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nam Phi để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng nước chủ nhà, Nga, Ấn Độ và Brazil. Cuối tuần này, ông Tập dự kiến đến đảo quốc Mauritius ở ngoài khơi bờ biển Đông Phi trước khi về nước.
Chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi đã thay đổi trong vài năm gần đây, một phần do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới chậm lại. Thay vì tập trung khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Bắc Kinh chuyển sang xây dựng, tài trợ các dự án hạ tầng khổng lồ và cho các chính phủ kẹt tiền vay mượn.
"Chiến thuật" quen thuộc của những thỏa thuận như thế là một ngân hàng Trung Quốc cho chính phủ một nước châu Phi vay tiền trang trải một dự án hạ tầng để đổi lấy sự tham gia của các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, khi các mối quan hệ tài chính được đẩy mạnh, Trung Quốc cũng dần rời xa chính sách không can thiệp bằng cách tăng cường hiện diện quân sự và các mối quan hệ chính trị tại châu Phi. Năm ngoái, Bắc Kinh khánh thành căn cứ quân sự thường trực đầu tiên ở châu Phi (ở Djibouti).
Một công nhân tại công trình xây dựng tuyến đường cao tốc Bar-Boljare ở Klopot - Montenegro Ảnh: REUTERS
Dù vậy, giới ngoại giao phương Tây và nhiều tổ chức xã hội - dân sự châu Phi nhận định sự phụ thuộc vào tiền Trung Quốc đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. "Chúng ta đang nhìn thấy những nước có nợ công tương đương 50%, 100% hoặc thậm chí là 200% GDP do những khoản cho vay ưu đãi từ Trung Quốc" - Đại sứ Mỹ tại Somalia Donald Yamamoto nhận định gần đây. Đáng lo hơn, theo tờ The Wall Street Journal, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo 1/3 quốc gia tại châu Phi không thể hoặc khó trả nợ.
Làn sóng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy ở châu Phi. Tại những nước đang vay nhiều tiền của Bắc Kinh (Angola, Zambia, Kenya…), ngày càng có nhiều nhà hoạt động, chính khách đối lập kêu gọi công khai giá trị và lãi suất của mọi khoản vay liên quan.
Tuyến cao tốc "không đi đến đâu"
Nợ nần cũng là nguy cơ của không ít quốc gia châu Âu trót phụ thuộc vào tiền Trung Quốc để phát triển hạ tầng. Báo cáo mới đây của IMF nêu bật "tấm gương" Montenegro, một quốc gia Tây Balkan, đang đối mặt gánh nặng sau khi vay tiền của Bắc Kinh để xây dựng tuyến đường cao tốc Bar-Boljare dài 165 km.
Một kịch bản quen thuộc được áp dụng trong thỏa thuận này: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Montenegro vay 809 triệu euro để trang trải 85% chi phí xây 41 km đường đầu tiên do Tập đoàn Xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện. Khoản chi phí này sau đó đội lên đến gần 1 tỉ euro, chiếm 1/4 GDP của Montenegro. IMF ước tính chi phí xây dựng phần còn lại của tuyến đường là 1,2 tỉ euro.
Vấn đề là công trình trên vẫn được khởi công hồi tháng 5-2015 bất chấp một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó không khả thi về kinh tế. "Đây là một cái bẫy. Nó đã bắt đầu nên các chính khách không thể dừng lại cho dù nó có thể gây hại" - học giả Mladen Grgic, từng tham gia một nghiên cứu về dự án, nhận định với Reuters. Trong khi đó, ông Dritan Abazovic, thủ lĩnh Đảng Hành động cải cách thống nhất đối lập, lo ngại dự án rốt cuộc sẽ chỉ giúp Trung Quốc có thêm nhiều ảnh hưởng đối với Montenegro, từ đó tìm kiếm vai trò lớn hơn ở khu vực.
Báo cáo của IMF nhận định nếu không có dự án trên, nợ công của Montenegro trong năm 2019 sẽ giảm xuống mức 59% GDP, thay vì tăng lên 78% GDP. Một báo cáo trước đó của Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ) cũng xếp quốc gia này vào nhóm 8 nước có nguy cơ sập bẫy nợ Trung Quốc. "Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là họ sẽ hoàn thành công trình đó bằng cách nào khi khả năng tài chính của họ bị thu hẹp rất nhiều. Đây là tuyến đường cao tốc không đi đến đâu" - một quan chức Liên minh châu ẩn danh nhận định.
Người Lao động