Lo sợ Mỹ hủy niêm yết, các 'gã khổng lồ' của Trung Quốc nháo nhào tìm kiếm phương án dự phòng
Theo Nikkei, một kế hoạch được cho là vững chắc và phổ biến nhất đối với các công ty Trung Quốc hiện tại đó là tìm cách niêm yết gần "quê nhà", chủ yếu là ở Hồng Kông, bởi việc giao dịch ở Phố Wall hiện đã đối mặt với nhiều rủi ro về chính trị.
- 21-05-2020Thượng viện Mỹ chính thức thông qua dự luật huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc như Alibaba và Baidu
- 05-12-2019Thương vụ niêm yết chục tỷ USD của Alibaba ở Hồng Kông có thể trở thành "bom xịt" vì 3 yếu tố gây hiểu lầm này
- 29-11-2019Thaibev sẽ niêm yết mảng bia tại Thái Lan và Việt Nam lên sàn Singapore với mức định giá 10 tỷ USD
Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể hủy niêm yết các công ty lớn nhất Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của nước này, thì những "gã khổng lồ" ở đại lục đang có kế hoạch dự phòng trong hoạt động huy động vốn. Một kế hoạch được cho là vững chắc và phổ biến đó là tìm cách niêm yết gần "quê nhà", chủ yếu là ở Hồng Kông, bởi việc giao dịch ở Phố Wall hiện đã đối mặt với nhiều rủi ro về chính trị.
Nhà phát triển game NetEase là "người tiên phong" trong kế hoạch này. Công ty này đã nộp đơn xin niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin. Thương vụ IPO của NetEase có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 6 và dự kiến sẽ huy động khoảng 2 tỷ USD. Công ty có trụ sở ở Quảng Châu này đã niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2000.
Nguồn tin thân cận tiết lộ với Nikkei, "gã khổng lồ" phát triển công cụ tìm kiếm – niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2005, cũng đang tìm cách tiếp cận tương tự khi cân nhắc rời bỏ Phố Wall. Ngoài ra, nền tảng đặt dịch vụ du lịch Trip.com Group cũng được cho là đang đàm phán với các ngân hàng để thực hiện niêm yết cổ phiếu lần hai (secondary listing) tại Hồng Kông.
Theo đó, 3 công này sẽ cùng "trở về nhà" cùng với những gã khổng lồ khác, ví dụ như Alibaba đã niêm yết lần hai tại Hồng Kông vào năm ngoái và JD.com cũng đã nộp đơn IPO lần hai tại trung tâm tài chính của châu Á này.
Mới đây, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã đối mặt với áp lực mới từ phía Washington, khi giới chức Mỹ lo ngại về những vụ bê bối tương tự như Luckin Coffee gần đây. Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật, có thể hủy niêm yết một số công ty Trung Quốc nếu không tuân thủ một cuộc kiểm tra của các nhà quản lý nước này trong 3 năm.
Theo nguồn tin thân cận, hiện tại, các ngân hàng có mối quan hệ thân thiết với Baidu đã đưa ra những kế hoạch dự phòng. Việc tham vấn bao gồm so sánh các địa điểm niêm yết, cũng như thời điểm thích hợp để hủy bỏ niêm yết hoặc niêm yết trên các sàn giao dịch khác.
Các kịch bản đang được công ty này tham khảo bao gồm: (a) New York vẫn là sàn niêm yết chính và thực hiện IPO lần hai tại Hồng Kông vào năm nay; (b) niêm yết tại Hồng Kông, thúc đẩy các nhà đầu tư nhằm tăng khối lượng giao dịch tại thị trường này và sau đó hủy niêm yết trên sàn Nasdaq nếu được yêu cầu; (c) đưa công ty trở về "trạng thái" tư nhân trước khi niêm yết tại Hồng Kông hoặc đại lục ở 1 thời điểm sau đó.
Nguồn tin này chia sẻ với Nikkei, việc hủy niêm yết tại Mỹ mà chưa "đứng vững" tại một thị trường vốn nào đó trước sẽ tạo ra những vấn đề về thanh khoản. Và với sự ảnh hưởng của dịch bệnh, những bất ổn trong cuộc chiến thương mại và 2020 là năm bầu cử ở Mỹ, thì cánh cửa đối với việc niêm yết lần hai hoặc thương vụ IPO mới là khá hẹp.
NetEase, có vốn hóa hơn 50 tỷ USD, là công ty sản xuất game lớn thứ 2 Trung Quốc, sau Tencent. Công ty con của NetEase kinh doanh mảng giáo dục – Youdao, đã chính thức giao dịch trên NYSE vào năm ngoái.
Trong khi đó, Baidu vừa chứng kiến cổ phiếu bắt đầu có dấu hiệu của "sự sống" sau khi giảm liên tiếp gần 2 năm. Robin Li – chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty này cho biết: "Chúng tôi rất chú ý đến việc chính phủ Mỹ liên tục thắt chặt quy định và chúng tôi đang thảo luận về những gì có thể làm. Điều cơ bản là, đối với một công ty lớn mạnh, sẽ có nhiều lựa chọn về địa điểm niêm yết, không chỉ giới hạn ở Mỹ."
Tham khảo Nikkei