Loại củ được coi là "thần dược" trong Đông y, nhiều trường hợp còn quý hơn cả nhân sâm
Tam thất được coi là thần dược trong Đông y tuy nhiên không phải ai sử dụng cũng tốt. Tùy từng trường hợp có nên sử dụng tam thất hay không.
- 03-10-2019Cải thiện hệ miễn dịch là "thuốc" chống ung thư tốt nhất: Cơ thể sẽ tự tiêu diệt tế bào xấu
- 03-10-2019Hồi hộp những nhát dao đầu tách 2 bé song sinh liền nội tạng
- 03-10-2019Hà Nội: Mỗi ngày đốt 528 tấn than tổ ong, người dân đối mặt với lượng khí độc "khổng lồ"
Tác dụng của tam thất
Tam thất là thảo dược được người dân sử dụng nhiều nhất để chữa bệnh, nhưng phần lớn mọi người chưa hiểu hết công dụng của nó.
Theo GS Phạm Xuân Sinh – Nguyên trưởng bộ môn Dược liệu học cổ truyền, trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, tam thất là một vị thuốc quý được y học cổ truyền sử dụng phổ biến và có lịch sử từ rất lâu.
Trong Đông y, tam thất còn có tên là Kim bất hoán tức là vàng cũng không thể thay đổi được tam thất. Tam thất thuộc họ nhân sâm, có tên khoa học là Panax Notoginseng.
GS Sinh cho biết, trong tam thất thành phần chủ yếu là saponin nhóm dammaran hàm lượng cao giống như trong nhân sâm, ngoài ra còn chứa các acid amin, các chất polyactylen, panaxytriol… Tác dụng cầm máu của tam thất đứng đầu bảng trong các loại thảo dược hiện nay.
Tam thất có tác dụng như nhân sâm nhưng trong một số trường hợp nó còn quý hơn cả nhân sâm nhờ những tác dụng mà nhân sâm không có.
Tam thất có tác dụng như thế nào?
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên động vật đều chỉ ra rằng tam thất có tác dụng cầm máu và tiêu các cục máu đông, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, tăng sức co bóp của cơ tim và giảm thấp sự tiêu hao ôxy của cơ tim, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp.
Theo y học cổ truyền, tam thất có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, đi vào kinh can, vị, là vị thuốc rất đa công dụng.
Giáo sư Sinh cho biết, với phụ nữ sau sinh, người sau mổ, mất máu…, sử dụng tam thất rất tốt. Có thể lấy một con gà nhỏ, loại gà ác (gà lông trắng, chân màu chì) làm sạch bỏ nội tạng rồi cho khoảng 6 - 9g tam thất đã tán bột thô vào trong bụng gà, tần cách thủy. Một tuần lễ dùng 2 - 3 con. Ăn liền 3 - 4 tuần.
Những người bị chấn thương nếu có tam thất tươi thì giã nát, gói vào miếng vải mỏng băng vào vùng bị chấn thương, các vết bầm tím sẽ tan đi rất nhanh và giảm đau. Nếu không có củ tươi thì dùng tam thất khô giã nát hay bột tam thất cũng được, trong quá trình dưỡng thương nên uống bột tam thất.
Ngoài ra, cách đơn giản nữa đó là có thể dùng tam thất dưới dạng thuốc hãm hay thuốc bột, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 3 - 5g. Nếu chảy máu do vết thương bên ngoài, dùng bột tam thất tán mịn, băng vào vết thương. Liều dùng chung của tam thất 3 - 9g.
Ai không được dùng
Theo GS Sinh với công dụng và tính năng của củ tam thất, những đối tượng không sử dụng được tam thất là phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người đang bị tiêu chảy.
Còn việc sử dụng tam thất trong điều trị ung thư, GS Phạm Xuân Sinh cho rằng, quan niệm ung thư trong đông y khác với tây y.
Tam thất không dành cho phụ nữ có thai.
Trong Đông y ung thư đã có từ rất lâu đời nhưng bản chất nó được dùng để chỉ các loại mụn nhọt nói chung và sau này còn được dùng để chỉ một số bệnh lý khác như lao hạch, lao xương khớp, viêm tắc động mạch.
Theo Đông y, ung thư là một bệnh mạn tính, đa phần thuộc hư chứng, đặc biệt là khi phải sử dụng đến các biện pháp như: phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị liệu… thì tam thất được khuyến cáo dùng để bồi bổ sức khỏe là chính.
Đối với những người bình thường và sử dụng để chữa u nhọt, ung thư thì khó vì tam thất chưa được chứng minh tác dụng tiêu u. Hơn nữa, tam thất tính ôn, nếu cơ địa hoàn toàn bình thường không quá nóng và không quá lạnh thì có thể dùng tam thất thường xuyên.
Đối với những người quá nóng thì có tác dụng bất lợi là nếu uống trong thời gian dài có thể gây ra phản ứng mẫn cảm gây ngứa, mụn nhọt hoặc dị ứng... trong trường này dùng tam thất tùy theo cơ địa.
Trí thức trẻ